Không thể trông chờ vốn ngân sách

Còn nhớ thời điểm năm 2004, đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân được khởi công xây dựng trong niềm hân hoan của ngành Đường sắt, các địa phương có tuyến đường đi qua, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh.

Ga Cái Lân đã xây dựng xong nhưng để không từ năm cuối năm 2014 đến nay

Đây được xem là tuyến đường sắt khổ lồng dùng chung 1.435mm và 1.000mm hiện đại đầu tiên của Việt Nam, là cánh tay nối dài kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Đông Bắc, nhất là với các cảng biển khu vực Cái Lân.

Tuy nhiên, số phận của dự án hạ tầng hơn 7.600 tỷ đồng này lại thuộc diện long đong nhất từ trước đến nay. Do bị đưa vào danh sách các dự án phải tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ, công trình bị tạm ngưng thi công từ năm 2011. Gần 6 năm qua, không ít lần Bộ GTVT, tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư đề xuất khởi động lại dự án, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có nguồn vốn rất khó khăn, khiến toàn bộ công trình dở dang nằm bất động.

Điều đáng nói, nhiều hạng mục thuộc công trình này đã hoàn thành từ nhiều năm nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Trong đó, có thể kể đến ga Cái Lân, nơi trung chuyển từ cảng nước sâu Cái Lân để vận chuyển đi khắp cả nước, được đầu tư rất quy mô, cơ sở hạ tầng hiện đại bậc nhất hiện nay, với khối lượng thông qua có thể lên tới 3-4 triệu tấn/năm nhưng hoàn toàn bị “bỏ hoang”. Hệ thống nhà ga, kho tàng, bến bãi, đường ray, trạm cân… khác đều chưa một lần sử dụng, chưa đón một chuyến tàu nào và đang dần xuống cấp nghiêm trọng. Chung số phận là ga Hạ Long được thiết kế là ga hành khách, có năng lực đón từ 10-11 đôi tàu khách/ngày đêm gần như chưa được khai thác. Mỗi ngày chỉ đón 1, 2 chuyến tàu chợ. Toàn bộ nhà ga được xây mới, có đầy đủ phòng ban chức năng, nhưng tất cả đều cửa đóng then cài.

Cũng do tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân dở dang, cụm cảng khu vực Quảng Ninh, nhất là cảng nước sâu Cái Lân gần như không thể phát huy hết tiềm năng lợi thế.

Trong khi chờ đợi, chúng ta vẫn đang phải chứng kiến nghịch lý, dù cách nhau không xa, khu vực cảng Hải Phòng quá tải và ùn tắc nghiêm trọng, trong khi các cảng biển Quảng Ninh lại trầm lắng, thường xuyên dư thừa năng lực khai thác. Minh chứng là cả cụm cảng có 6 cầu bến, với khả năng khai thác hơn 12 triệu tấn/năm, nhưng hiện mới khai thác khoảng hơn 7 triệu tấn. Thậm chí, nhiều năm qua, cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) liên doanh giữa Công ty CP Đầu tư cảng Cái Lân (CPI-Việt Nam) và Công ty TNHH SSA Holdings International Việt Nam (SSA-Mỹ) dù được đầu tư rất hiện đại nhưng liên tục vắng khách, thua lỗ nặng và phải xin làm thêm cả hàng rời để bù đắp.

Gần đây, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ cho phép khởi động lại tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân bằng việc huy động nguồn vốn xã hội hóa. Dù còn đang chờ ý kiến của Chính phủ nhưng xem ra xã hội hóa đầu tư chính là cơ hội duy nhất của dự án đường sắt khổ lồng đầu tiên này trong hoàn cảnh nguồn lực đất nước còn khó khăn. Nếu dự án không sớm được khởi động lại để hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là một sự lãng phí kép khi những hợp phần đã được đầu tư sẽ bị xuống cấp còn những hạ tầng khác như cảng Cái Lân và những tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh cũng khó được phát huy.

Hà Thanh Oai

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khong-the-trong-cho-von-ngan-sach-d211650.html