Không thỏa hiệp điều bất lợi cho người lao động

Ở Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội (Jal), NLĐ luôn tin tưởng vào người đại diện của họ là CĐ văn phòng (CĐCS trực thuộc LĐLĐ quận Nam Từ Liêm) và luôn coi ông Trương Công Nam - Chủ tịch CĐ văn phòng - là người “thủ lĩnh”. Mới thành lập cách đây chưa đầy 2 năm, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Nam, CĐ văn phòng đã luôn mạnh mẽ trong việc đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.

Trò chơi lấy quà dành cho NLĐ trong văn phòng và người nhà do CĐ Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội tổ chức. (Ảnh do CĐ Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội cung cấp).

Công đoàn tạo sự khác biệt
NLĐ ở Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội thừa nhận, trong 10 năm kể từ ngày Jal được thành lập ở Hà Nội đến nay, nhìn chung văn phòng chấp hành tốt pháp luật VN, nhất là về luật LĐ. Các chế độ chính sách của NLĐ như BHXH, BHYT, BHTN… đều được văn phòng thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, trước khi CĐ văn phòng ra đời (ngày 11.10.2014) đã có những quyền lợi NLĐ tại Jal như việc tăng lương không được thực hiện, do những năm đó NLĐ mạnh ai nấy thắc mắc, kiến nghị, không có sự thống nhất nên nguyện vọng không được giải quyết.
Sự khác biệt chỉ đến với NLĐ nơi đây kể từ khi CĐ Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội được thành lập. Ông Nam nhớ lại: “Vào tháng 3.2015, khi Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội xây dựng thang, bảng lương không đề cập đến thời hạn nâng lương và cũng không đề cập đến việc điều chỉnh nâng lương theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tôi lập tức cùng BCHCĐ văn phòng lấy ý kiến của đoàn viên, NLĐ và đưa vấn đề ra đấu tranh với lãnh đạo văn phòng. Kết quả là lãnh đạo văn phòng đã chấp nhận đề cập thời hạn nâng lương và điều chỉnh nâng lương theo chỉ số giá tiêu dùng cho NLĐ”.
Khi có đoàn viên vi phạm kỷ luật LĐ, ông Nam cùng BCHCĐ đã xem xét sự việc của đoàn viên mình một cách thẳng thắn để đoàn viên này thấy hết khuyết điểm. Nhưng khi cùng lãnh đạo văn phòng xem xét hình thức kỷ luật thì ông Nam đã vận dụng những điều có lợi để đề xuất theo hướng giảm nhẹ hình thức kỷ luật cho đoàn viên này và đã được lãnh đạo văn phòng chấp nhận. Điều này tạo nên suy nghĩ tích cực trong đoàn viên và NLĐ ở văn phòng là CĐ văn phòng không bao che cho việc làm sai, vi phạm kỷ luật, nhưng vẫn thể hiện được chức năng bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và đoàn viên của mình.
Một dấu ấn khác của ông Nam và CĐ Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội là từ khi CĐ văn phòng thành lập đã tổ chức được hai kỳ nghỉ mát cho NLĐ trong văn phòng. Trước đó, trong suốt 8 năm chưa có tổ chức CĐ, văn phòng chưa tổ chức được chuyến nghỉ mát nào cho NLĐ. Qua việc làm này của CĐ văn phòng, thấy rõ NLĐ gần gũi, gắn bó, đoàn kết hơn, làm việc phấn chấn hơn sau những kỳ đi nghỉ mát, lãnh đạo văn phòng đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho việc nghỉ mát hằng năm của NLĐ.
Sẽ đưa giảm giờ làm cho NLĐ vào TƯLĐTT
Nói thêm về vai trò CĐ Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội, ông Nam cho rằng, vấn đề có tính nguyên tắc là sẽ không bao giờ có chuyện CĐ Văn phòng nhượng bộ, thỏa hiệp những gì bất lợi cho NLĐ. CĐ văn phòng sẽ không ngừng phấn đấu để quan hệ LĐ ở văn phòng luôn hài hòa, tiến bộ.
Tới đây khi cùng lãnh đạo văn phòng xây dựng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) thì CĐ văn phòng phải đưa được vào TƯLĐTT nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Trong đó, thay vì quy định mỗi tuần NLĐ làm việc 48 giờ thì BCHCĐ sẽ đề nghị mỗi tuần NLĐ làm việc 40 giờ, thời gian làm ngoài 40 giờ sẽ được tính là thời gian làm thêm giờ cho NLĐ. BCHCĐ sẽ đề nghị văn phòng trợ cấp đặc biệt cho NLĐ làm tăng thêm giờ vào ban đêm, tăng thêm giờ khi máy bay gặp sự cố nên phải kéo dài hơn thời gian làm việc. “CĐ Văn phòng đã làm và chúng tôi đề nghị lãnh đạo văn phòng cũng phải có quà cho con NLĐ văn phòng học giỏi, quà cho các con vào dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu; có chế độ thăm hỏi khi gia đình NLĐ trong văn phòng có hiếu, hỷ…” - ông Nam cho biết.
Chia sẻ quan niệm về thế nào là cán bộ CĐCS giỏi, ông Nam cho rằng, đó phải là người có tâm, có đức; am hểu kiến thức pháp luật, có cách làm sáng tạo; công tâm, minh bạch; không ngại đấu tranh vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/can-bo-cong-doan/khong-thoa-hiep-dieu-bat-loi-cho-nguoi-lao-dong-588636.bld