Không "trắng tay" vì làm việc nghĩa

Trong những ngày lũ lụt ở đất liền, trên biển cũng xảy ra một vụ việc hi hữu và đầy tình người. Đó là một chủ tàu cá tìm mọi cách lai dắt tàu vô chủ trôi dạt đưa về trả cho người mất, nhưng không may va chạm với chính con tàu này khiến tàu anh bị chìm. Một tàu cá đang lai dắt tàu chết máy ở cùng tọa độ đã chặt dây lao đi cứu các ngư dân bị nạn và nhắn nhủ: "Cứu người xong sẽ quay lại lai dắt tiếp".

Thuyền trưởng Phạm Tấn Sơn nỗ lực cứu tàu vô chủ, nhưng không may tàu anh gặp nạn. Ảnh: Lê Văn Chương

Sáng 13-12, khi lũ lụt và gió mạnh "hoành hành" trên đất liền, đó cũng là lúc có 3 tàu cá của ngư dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang vật lộn với sóng to, gió lớn trên biển để cứu tàu bị nạn tại tọa độ 15 độ 55 phút vĩ Bắc-109 độ 30 phút kinh Đông. Ngư dân Phạm Tấn Sơn nhớ lại, thời điểm đó, biển có gió giật cấp 7, sóng cao vài mét, mưa đổ trắng trời, chỉ quan sát được 2-3 mét. Tàu cá của ngư dân Phạm Tấn Sơn và tàu của người bạn là Đỗ Duy Chai đang nỗ lực kéo một chiếc tàu vô chủ vỏ sắt trôi trên biển vào đất liền.

Tàu vô chủ là một chiếc tàu sắt dài gần 20 mét. Đây là loại tàu lắp máy lớn để lai dắt các tàu hàng nên tàu có vỏ thép dày và rất nặng. Tàu cá của ngư dân Phạm Tấn Sơn có công suất 360 mã lực, nhưng con tàu chao đảo trên sóng thì con tàu sắt mới trườn theo. Tốc độ hành trình cứu nạn là 7,5 đến 8 hải lý/giờ. Các ngư dân dự tính từ điểm kéo tàu vỏ sắt cách đất liền 45 hải lý, đến tối sẽ vào đến bờ.

Anh Sơn điện vào đất liền báo cáo với Trạm KSBP Bình Hải về việc tàu anh kéo tàu vô chủ vào bờ để BĐBP liên hệ với các cảng biển trả lại cho người mất. Trạm KSBP Bình Hải đã đề nghị ngư dân kéo tàu vào bến cảng gần nhất. Vì hiện nay, tình hình thời tiết trên biển diễn biến xấu, không thể đưa về đến cửa biển Bình Hải được. Anh Sơn kể lại: "Tôi nói, tội họ, họ mất tàu, mình thấy mà không cứu thì không được".

Trong lúc các ngư dân điện đàm thì 2 chiếc thuyền phải vật lộn với sóng gió và chạy vòng tròn, vì dây kéo liên tục đứt. Dây kéo phi 24, khoảng cách giữa tàu kéo và tàu vô chủ khoảng 60 mét. 2 tàu mắc dây thành hình chữ V để kéo nhưng bị đứt dây đến 7 lần. Sóng biển cao nhất vào thời điểm tàu cứu nạn chỉ còn cách đất liền 11 hải lý. Vì sóng biển lớn, con tàu sắt bò lên trên cột sóng rồi lại hụp xuống, giật mạnh 2 chiếc tàu gỗ chòng chành. Hải trình của cụm tàu cứu nạn lúc này tụt xuống còn 3 hải lý/giờ.

Cùng thời điểm các ngư dân tổ chức cứu nạn tàu vô chủ, tàu cá của ngư dân Phạm Thanh Phương ở cùng quê cũng đang tổ chức cứu nạn tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Tiến. Anh Phương điện qua cho biết, tàu cá của anh Tiến chạy từ Đà Nẵng về bị chết máy, may mắn là tàu anh Phương kịp thời tới giúp đưa vào bờ. Hiện nay, 2 tàu đang di chuyển cách cụm tàu cứu nạn tàu sắt khoảng 7 hải lý.

Lúc 18 giờ 20 phút cùng ngày, tình hình thời tiết trên biển càng xấu đi. Mưa đổ trắng xóa, trời sập tối, vì vậy tầm quan sát của các ngư dân rất hạn chế. Thuyền trưởng Phạm Tấn Sơn thấy tình hình khó khăn, nhưng vẫn điện sang tàu bên cạnh nhắn chừng anh em cố gắng kéo tàu sắt vô bờ để trả lại cho người mất. Nhưng vào lúc các ngư dân đang cố gắng vượt chặng đường cuối cùng thì cũng là lúc tai nạn xảy ra. Do tàu bị đứt dây kéo, anh Sơn cho tàu vòng lại buộc dây thì chiếc tàu sắt đã bị sóng đẩy trườn nhanh tới. Anh Sơn hồi tưởng lại: "Tàu đó cách mình vài chục mét, nhưng chỉ 2 lượn sóng lớn đã xô nó áp vô mình quá nhanh. Nó đâm một phát vào hông tàu mình khiến tàu chìm ngay lập tức".

Khi chiếc tàu chìm, 6 ngư dân vội xô thúng nhanh xuống biển. Chỉ còn 1 mình anh Sơn cố bám trong ca bin để kêu cứu, đồng thời thò tay ngắt dây điện để vớt vát tài sản. Nhưng cuối cùng, 7 ngư dân chỉ "cứu" được 2 chiếc điện thoại. Toàn bộ tài sản trị giá 800 triệu bị chìm nhanh xuống đáy biển. 8 ngư dân đi trên tàu cá Đỗ Duy Chai là những ngư dân còn rất trẻ mới tập đi biển. Thấy tai nạn bất ngờ, các ngư dân khiếp đảm chui hết vào ca bin không dám bò ra cứu lưới.

Tiếng la hét kêu cứu trên tàu cá của anh Sơn đã được anh Phạm Thanh Phương tiếp nhận. Tàu đang kéo tàu bị nạn, nhưng anh Phương quyết định chặt dây bỏ tàu bị nạn lại để chạy đến cứu ngư dân bị nạn và tàu đang chìm. Anh Phương điện vào Icom: "Cứu xong người bị nạn thì sẽ quay lại dắt tiếp". Trong bóng đêm, anh Phương cập mạn tàu đang chở các ngư dân bị nạn và quyết định cứu người, nhưng không bỏ tàu sắt vô chủ, tiếp tục đưa vào bờ. Các ngư dân lai dắt tàu vô chủ vào đất liền lúc 0 giờ 5 phút.

Thông tin về việc tàu cá của anh Sơn lai dắt tàu vô chủ trôi trên biển nhưng lại bị chìm đã lan khắp làng chài Phước Thiện. Bà con thương cảm hoàn cảnh Thuyền trưởng Sơn làm phước nhưng lại "trắng tay". Các tổ đoàn kết trong thôn tổ chức đi quyên góp tiền để hỗ trợ cho thuyền trưởng bị nạn. Anh Lê Văn Hạ, người dân làng chài cho biết: "Người nhân nghĩa thế mà sao lại gặp nạn, bà con đã nhất trí đóng góp để cho anh Sơn kiếm lại cái vỏ tàu".

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khong-trang-tay-vi-lam-viec-nghia/