Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà: Làm gì để cân đối giữa bảo tồn và phát triển?

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) được thành lập từ năm 1992 với tổng diện tích hơn 4.400 ha, Khu bảo tồn này hấp dẫn du khách bởi nguồn giá trị của hệ sinh thái vô cùng phong phú.

Bán đảo Sơn Trà. Ảnh: danangexplorer.com

Tuy vậy, cuối năm 2016, Bán đảo Sơn Trà được quy hoạch thành khu du lịch cấp quốc gia với diện tích ưu tiên tập trung phục vụ du lịch lên tới 1.056 ha, phát triển ở độ cao dưới 200m so với mực nước biển, vốn là phần sinh cảnh sống của loài Voọc chà vá chân nâu và nhiều loài động, thực vật khác.

Hệ sinh thái tự nhiên bền vững

Là tổng hòa của hệ sinh thái rừng gắn liền với biển với những loài đặc hữu và rạn san hô, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những giá trị sinh thái ngay tại một quận nội thành, và là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu.

Theo các thống kê đã có, đây là nơi cư ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với 985 loài thực vật bậc cao, gần 380 loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn.

Khu vực biển xung quanh còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài cỏ biển. Điểm đặc biệt của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà còn nhờ có loài đặc hữu của khu vực Đông Dương là Voọc chà vá chân nâu.

Đây là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu - loài đẹp nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới do có nhiều màu sắc nhất trong các loài voọc, có giá trị bảo tồn toàn cầu.

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn lại khoảng 1.500 cá thể thì Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có 300 cá thể. Đây còn là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, là bức bình phong chặn gió bão cho thành phố biển Đà Nẵng.

Những tác động tiêu cực

Sự bùng nổ của du lịch đang đặt áp lực và đe dọa sự bền vững của hệ sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Với ba mặt giáp biển, một mặt tiếp giáp đô thị, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không có cơ hội mở rộng diện tích, trái lại đã bị thu hẹp tới 41% diện tích theo quy hoạch so với thời điểm được công nhận là rừng cấm quốc gia năm 1977, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của Khu bảo tồn này.

Chỉ số đa dạng loài ở các quần xã rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn là tương đối cao, tuy vậy mức độ đa dạng sinh học đang có chiều hướng giảm xuống. Quần thể Voọc chà vá chân nâu gồm khoảng 12 bầy nhưng đang bị tách rời ở hai khu vực Đông và Tây của Khu bảo tồn do sự phát triển của các khu du lịch, nhà hàng và đường giao thông.

Các rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng ven biển bán đảo Sơn Trà đang ở trong tình trạng suy thoái do hoạt động phát triển kinh tế xã hội, các công trình lấn biển, thay đổi sinh cảnh tự nhiên, sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai, trong đó ô nhiễm môi trường được coi là nguyên nhân gây nên sự suy thoái các rạn san hô quanh khu bảo tồn, suy giảm độ phong phú các loài cá rạn san hô.

Hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn còn gây nguy hiểm cho các loài sống nơi đây.

Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt Nam cho biết, vài năm gần đây, các tổ chức và chuyên gia bảo tồn linh trưởng của Việt Nam và quốc tế đã nỗ lực lên tiếng, đối thoại với chính quyền địa phương, triển khai các hoạt động nghiên cứu, giám sát với hi vọng sẽ bảo tồn được nơi ở và đời sống hoang dã của quần thể “nữ hoàng linh trưởng” Voọc chà vá chân nâu.

Phải tích hợp giữa bảo tồn và phát triển

Kiến trúc sư Hoàng Sừ cho rằng, hiện giữa bảo tồn và phát triển đang có mâu thuẫn rất lớn. Nên có giải pháp nhằm vừa bảo tồn thiên nhiên thật tốt, đồng thời không phí phạm lợi thế có một không hai cho du lịch của Đà Nẵng bằng một quy hoạch tổng thể tích hợp cả quy hoạch bảo tồn và phát triển hài hòa.

Trong đó, phần quy hoạch phát triển du lịch đặc biệt không phương hại đến bảo tồn các loài động vật, thực vật, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, các kiến trúc phải được ẩn mình trong thiên nhiên.

Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên bằng cách hạn chế tối đa các dự án chiếm diện tích lớn trên các sườn núi, chỉ lựa chọn một số thung lũng, sườn núi kín để xây dựng tập trung.

Đặc biệt tránh các khu vực nhạy cảm quốc phòng, không cho phép xây dựng dự án quy mô nằm ở những đỉnh đồi và các điểm cao của bán đảo, trên sườn núi phía Nam hướng về thành phố. Tạo các điều kiện hạ tầng cho các hoạt động khám phá tài nguyên, dã ngoại, đi bộ, bơi lội, lặn biển…

Nhóm các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khuyến nghị rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/Khu bảo tồn thiên nhiên sang “đất khác”; tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá Môi trường Chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà; xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên; xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận.

Chính quyền thành phố cần xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà; xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà, nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria (Australia) và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol (Philippine)./.

Minh Nguyệt/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/khu-bao-ton-thien-nhien-son-tra-lam-gi-de-can-doi-giua-bao-ton-va-phat-trien-/45064.html