Khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng: Tiếp tục dùng cát lậu để lấn biển

Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam - ông Bh’riu Liếc - đã cật lực phản đối việc chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị quốc tế Đa Phước - The Sunrise Bay, TP.Đà Nẵng thông báo sử dụng nguồn cát hợp pháp, khai thác từ huyện miền núi Tây Giang để san lấp dự án lấn biển này.

Vị trí mà Cty Trung Nam và CTy Tây Trường Sơn khai trong hồ sơ là mỏ cát ở Tây Giang thực tế là công trình chỉnh trị sông A Vương. Ảnh: T.H

Đặc biệt, thông tin nhà thầu - Cty CP Trung Nam đã hợp đồng, mua cát của Cty CP ĐT&XD Tây Trường Sơn mà khu mỏ lấy cát từ huyện Tây Giang. Ông Liếc khẳng định, Tây Giang không có bất cứ mỏ cát nào, mọi hợp đồng, giấy phép khai thác nếu có đều là giả mạo. Huyện Tây Giang đang đề nghị cơ quan chức năng điều tra...

Cát vẫn trái phép, và hồ sơ vẫn giả

Sau khi báo chí phát hiện việc Cty CP Trung Nam ký hợp đồng vận chuyển 3 triệu m3 cát với 3 Cty (Tuấn Sinh, Phạm Tải, Hoàng Dương Doanh) từ Cửa Đại, Hội An là hợp đồng ngụy tạo để hút trộm nguồn cát trái phép để san lấp dự án lấn biển tại Đà Nẵng, Công an Quảng Nam đã điều tra. Đồng thời Sở XD TP. Đà Nẵng cũng đình chỉ thi công dự án KĐT Đa Phước - The Sunrise Bay từ chiều 27.3.2017.

Gần một tháng sau - 21.4, Sở XD TP. Đà Nẵng đã có văn bản cho phép dự án KĐT Đa Phước - The Sunrise Bay tiếp tục thi công vì đã có nguồn vật liệu san lấp hợp pháp. Theo đó, chủ đầu tư dự án này, Tập đoàn Novaland cũng cho biết nguồn cát dùng lấn biển lần này được khai thác tại huyện Tây Giang, Quảng Nam. Hồ sơ thể hiện nhà thầu - Cty CP Trung Nam đã ký hợp đồng với Cty CP ĐT&XD Tây Trường Sơn cung ứng 1 triệu m3 cát.

Thông tin trên lập tức bị dư luận phản ứng. Đặc biệt là lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tây Giang đã phản đối gay gắt vì thực tế hiển nhiên là huyện miền núi này chỉ có sông, suối nhỏ với toàn ghềnh thác và đá sỏi. Ngay cát để xây dựng hạ tầng, công trình, nhà ở cũng phải mua, vận chuyển từ miền xuôi lên thì lấy đâu ra 1 triệu m3 cát để bán.

Tuy nhiên, Cty CP Trung Nam đã cung cấp hồ sơ gồm hợp đồng mua cát từ Cty Tây Trường Sơn, hóa đơn VAT và kèm theo Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc “gia hạn khai thác cát vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực xã A Tiêng - huyện Tây Giang - Quảng Nam” để chứng minh Cty này đang sử dụng nguồn cát hợp pháp san lấp mặt bằng KĐT Đa Phước - The Surise Bay Đà Nẵng.

Trước thông tin này, Trưởng phòng TNMT huyện Tây Giang, ông A Buôn đã bác bỏ, Tây Giang không có mỏ cát, nên QĐ 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 là có khả năng giả mạo. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang ông Bh’ling Mia cũng khẳng định là Tây Giang chưa từng có mỏ cát nào cho khai thác thương mại. Vài chục m3 cát XD cũng phải mua từ miền xuôi, vận chuyển hơn 150km ngược lên đây thì lấy đâu ra cát để bán cả triệu khối.

Truy ngược số Quyết định 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 mà Cty Trung Nam cung cấp, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đây là một quyết định có nội dung khác: “Gia hạn khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu mỏ đá Khe Rọm - thị trấn Thạch Mỹ - huyện Nam Giang, Quảng Nam” cho Cty CP Kim Toàn, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Huỳnh Khánh Toàn ký.

Một thực tế khác, Cty Tây Trường Sơn tại thôn AG Rồng, xã A Tiêng - huyện lỵ Tây Giang hiện đã ngừng hoạt động, trụ sở đang cho thuê làm hàng quán. Tuy vậy, hồ sơ vẫn thể hiện GĐ - bà Đỗ Thị Hành vẫn sử dụng để ký hợp đồng kinh tế với Cty CP Trung Nam do ông Bùi Xuân Định làm Tổng GĐ, “mua bán cát san nền” với khối lượng 1 triệu m3 cát; đơn giá 45.000đ/m3; thành tiền là 45 tỉ đồng. Cty bà Hành cũng đã xuất cả hóa đơn VAT với nội dung bán cát từ Tây Giang.

Tiếp tục ngụy biện

Ngay sau khi bị báo chí phản ánh, lãnh đạo huyện Tây Giang phản ứng về nguồn cát được cho là khai thác từ A Tiêng, nhà thầu Cty Trung Nam đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí, “phủi” trách nhiệm. Trung Nam nêu rõ hợp đồng kinh tế đã ràng buộc cụ thể, Cty Tây Trường Sơn phải đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý của nguồn vật liệu cát khai thác và cung cấp (bán) cho bên A (tức Trung Nam). Cty Tây Trường Sơn phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng, trước pháp luật về nguồn cát khai thác. Vậy là “trái bóng” trách nhiệm bị đá cho đối tác - Cty Tây Trường Sơn.

Ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, gần 8 năm nay không thấy Cty Tây Trường Sơn hoạt động cát sỏi, vật liệu gì ở địa bàn huyện ngoài một ngôi nhà cho thuê nay đã xuống cấp.

Trong khi đó, chủ đầu tư KĐT Đa Phước, ông Nguyễn Kiên Cường - TGĐ Công ty TNHH Sunrise Bay cũng ký một văn bản gửi đến báo chí, khẳng định việc thượng tôn pháp luật. Văn bản này cũng ghi rõ: Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu ngay lập tức ngừng sử dụng nguồn cát liên quan đến xã A Tiêng, huyện Tây Giang - Quảng Nam, đồng thời thay thế bằng nguồn cát hợp pháp.

Các động thái này cho thấy, một lần nữa dự án KĐT lấn biển The Sunrise Bay đã sử dụng nguồn cát trái phép để san lấp mặt bằng. Cty Trung Nam cũng là nhà thầu liên tiếp cung ứng nguồn vật liệu không rõ nguồn gốc và khai thác trái phép dù vụ việc trước (khai thác cát trái phép tại Hội An để phục vụ san lấp The Sunrise Bay) đang trong quá trình điều tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/khu-do-thi-da-phuoc-da-nang-tiep-tuc-dung-cat-lau-de-lan-bien-661399.bld