Khu vực miền Tây đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn

Các cơ sở giáo dục ở miền Tây đã có những bước đi 'bắt nhịp' trong việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn.

Sản phẩm của ngành bán dẫn đang trở thành "tâm điểm" phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ.

Sản phẩm của ngành bán dẫn đang trở thành "tâm điểm" phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ.

Theo các chuyên gia công nghệ, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại; để đáp ứng nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển thiết kế vi mạch bán dẫn đang rất ít, chưa đảm bảo được nhu cầu của thị trường.

Các trường "nhanh tay" nắm bắt xu thế

Trường ĐH Cần Thơ được xem là trường nhiều tiềm năng nhất cho việc phát triển đào tạo nhân lực vi mạch tại ĐBSCL. Trường hiện có nguồn nhân lực gần 2.000 cán bộ, giảng viên, trong đó có gần 1.200 giảng viên trình độ TS, chiếm 55%, GS, PGS chiếm 17%, và 45 ngàn sinh viên, đào tạo đa ngành, chuyên sâu, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp hiện đại, đại diện Trường ĐH Cần Thơ cho biết.

Nói về việc phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: “Trong đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030” do Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng; trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Trường ĐH Cần Thơ đã mở ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn với thời gian đào tạo 4,5 năm.

Trường ĐH Cần Thơ đã mở ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn với thời gian đào tạo 4,5 năm.

Trường ĐH Cần Thơ vinh dự là một trong 18 trường ĐH được phân công, giao chỉ tiêu đào tạo kỹ sư lĩnh vực vi mạch điện tử. Đây là cơ hội cũng là thách thức đối với nhà trường”.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trường ĐH Cần Thơ với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Đồng thời, là cầu nối năng động, tin cậy và hợp tác trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước.

Chia sẻ về tiềm năng trong việc phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại miền Tây, TS Lương Vinh Quốc Danh, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Bách khoa (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Nắm bắt xu thế, Trường ĐH Cần Thơ mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính với thời gian đào tạo 4,5 năm.

Trường ĐH Cần Thơ có đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện tử nói chung và thiết kế vi mạch nói riêng được đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Hiện nhà trường cũng đã hợp tác với một số tập đoàn lớn về thiết kế vi mạch của Hoa Kỳ (như Cadence, Synopsys) trong quá trình đào tạo nhằm cung cấp cho các kỹ sư tương lai kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo số liệu thống kê do Cộng đồng vi mạch Việt Nam công bố tháng 7/2023, Trường ĐH Cần Thơ thuộc Top 5 các trường ĐH cung cấp nhân lực làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Cùng với đó, các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Trà Vinh, trường ĐH Nam Cần Thơ cũng mở mới chuyên ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, tại ĐBSCL cũng có một số trường đại học có đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực điện tử như: Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, trường Đại học Trà Vinh, Trường ĐH Kỹ thuật - Công Nghệ Cần Thơ, Trường ĐH Cửu Long, Trường ĐH Tây Đô. Nhân lực này cũng sẽ góp phần tích cực vào việc "tạo đà" phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cho khu vực.

Trường ĐH Cần Thơ đã có kinh nghiệm đào tạo kỹ sư lĩnh vực kỹ thuật điện tử trên 30 năm (từ năm 1991). Riêng ngành Kỹ thuật máy tính (là ngành có nội dung đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn) đã được nhà trường tổ chức đào tạo từ năm 2008. Trong hơn 15 năm qua, đã có hàng trăm kỹ sư tốt nghiệp từ chương trình đào tạo này.

Tăng cường hợp tác, đầu tư xứng tầm

Thông tin về hoạt động đẩy mạnh hợp tác phát triển KH&CN tại địa phương, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ cho biết: Thực hiện quyết định 1519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó thành phố được phê duyệt khu công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư về khoa học công nghệ để thu hút các nhà đầu tư lớn tiềm năng.

Theo đó, định hướng TP Cần Thơ phải đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho một số doanh nghiệp; đặc biệt là chuẩn bị cho khu công nghiệp VSIP Cần Thơ và một số đối tác khi đầu tư vào thành phố.

Nhân lực cho ngành bán dẫn đang là vấn đề được các chuyên gia nhà khoa học quan tâm để phát triển khoa học công nghệ.

Nhân lực cho ngành bán dẫn đang là vấn đề được các chuyên gia nhà khoa học quan tâm để phát triển khoa học công nghệ.

Vừa qua, Sở KH&CN TP Cần Thơ, Trường Bách Khoa (thuộc Trường ĐH Cần Thơ), Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn giữa các đơn vị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tạo tiền đề, tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về điện tử và vi mạch bán dẫn tại TP Cần Thơ và ĐBSCL.

“Đây là cơ hội để các bạn được đào tạo tiếp cận với tri thức với các nhóm nước phát triển. Việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực này góp phần cho phát triển của thành phố trong thời gian tới”, ông Tín nói.

Theo các chuyên gia, để đào tạo nhân lực phục vụ phát triển cho ngành khá tốn kém và đòi hỏi cao về hạ tầng tốt, phần mềm đủ chuẩn và giảng dạy chuyên sâu…

Theo TS Nguyễn Cao Quí, giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, chuyên môn Kỹ thuật điện tử và lĩnh vực chuyên sâu Thiết kế vi mạch, chia sẻ qua 20 năm công tác ông nhận thấy, việc đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch cần được quan tâm dành nguồn lực lớn. Do phần mềm giảng dạy thiết kế vi mạch có giá rất cao (có phần mềm giá 1 triệu USD/năm).

Đây cũng là một trong nhiều lý do khó phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch. Theo TS Quí để phát triển đội ngũ nhân lực ngành thiết kế vi mạch cần quan tâm hơn về vấn đầu tư cơ sở vật chất trong triển khai kế hoạch đào tạo.

Theo Bộ KH&CN, hiện Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển... Đến nay, đã thu hút trên 40 doanh nghiệp đến từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... cùng nhiều công ty trong nước như: Viettel, FPT, VNChip... tham gia vào thị trường này.

Theo lãnh đạo Bộ KH&CN việc hợp tác phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư cho TP Cần Thơ cũng như vùng Tây Nam Bộ.

Thành Thật

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khu-vuc-mien-tay-day-manh-hop-tac-dao-tao-nhan-luc-nganh-vi-mach-ban-dan-post683493.html