Khuất xa những ngày hè

Khí hậu có biến đổi đến đâu, thời tiết trái khoáy, cực đoan đến mấy thì vẫn cứ bốn năm lại dôi ra một tháng nhuận. Năm nay, nhuận rơi vào tháng sáu, có nghĩa là mùa hè sẽ dây dưa, kéo dài. Nhuận sắc hoa hàng bằng lăng tím biếc, da diết níu bước chân trên những con phố thân quen. Có năm nhuận tháng hai, cây gạo cổ thụ dưới chân Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, nhuận sắc đỏ rực như lửa cháy, rụng trong màn sương mù bảng lảng ven hồ Hoàn Kiếm. Cây gạo ấy giờ không còn. Đôi lần một mình bơ vơ chỗ gốc cây xưa, anh vẫn như thấy mầu hoa đỏ trong mắt ai, ngơ ngác, thẫn thờ…

Mỗi người sống trong một con phố. Mỗi phố lại “sống” với một loài cây, loài hoa. Trông cây lại nhớ tới người, nhớ cồn cào từ thuở cắp sách đến trường, vô lo, vô nghĩ. Hồi ấy, thành phố bé nhỏ, đi một chuyến tàu điện leng keng ngót một tiếng là qua hết mọi phố phường từ đầu ô tới ven đô. Thủ đô chưa mở mang, vươn cao, bề thế như bây giờ. Thuở ấy, tuổi học trò trải dài khắp mọi con phố, mọi hàng cây. Có cây cho hoa, cây cho quả. Nhiều cây không cho hoa cũng chẳng cho quả, mà cho bóng râm mát rợp vỉa hè, lòng đường. Cho người ở gần nương bóng, người đi xa nhớ da diết. Suốt ba tháng hè, cái tuổi “trèo me, trèo sấu”, cây cối bên đường thân thuộc như trong vườn nhà. Thuộc từng gốc sấu rậm rì sóng hàng đôi trên đường Phan Đình Phùng, Ngô Quyền, trĩu trịt những chùm quả xanh. Mùa sấu chưa kịp chín vàng đã tới mùa me, mùa bàng. Lang thang hết phố này sang phố khác. Leo chán những cây bàng già vươn cành, xòa tán che rợp phố Tràng Thi, lại rủ nhau cuốc bộ lên mãi tận đường Yên Phụ, nơi bàng chín sớm nhất, hạt bùi ngậy. Lên đây, đám học trò mới được thỏa sức vẫy vùng. Rặng ổi la đà, ngả rạp thân sát mép nước hồ Tây rộng mênh mông chẳng khác gì “vườn địa đàng” của tuổi ấu thơ. Những tháng hè nắng giội lửa, leo trèo giữa rừng ổi rợp mát, lọ mọ vạch lá tìm những quả chín bói. Ổi Quảng Bá là giống ổi đào, chỉ nhỉnh hơn quả bóng bàn mà thơm nức, ngọt lịm. Đầu mùa, thích nhất là cả đám trẻ hì hụi chuyền cành tìm những cành ổi non có dáng chữ U, chữ Y. Rồi dùng dây thép uốn buộc gò lại. Đến giữa hè, ổi chín ửng hồng, rồi vàng rộm. Lồng lộng gió hồ Tây đưa mùi ổi chín ngào ngạt dọc triền đê. Khi ấy, mới kéo nhau lên cắt lấy chạc ổi cứng cáp làm súng cao-su. Thỏa thuê ăn ổi no nê chẳng còn nghĩ tới cơm nhà. Từ sáng tinh mơ đến xâm xẩm tối, qua rặng ổi lại tới hàng cây cơm nguội ửng vàng, túi quần, vạt áo túm đầy quả chín, đói sao được! Vả lại, còn có cả bãi khoai mênh mông ven sông Hồng. Ngày ấy, nước tràn trề, đầy ắp, mấp mé chân đê. Học trò lớn bé rủ nhau ra đó tập bơi. Chỉ việc ôm cây chuối, đập chân, khua tay, uống vài ngụm nước, đứa lớn đỡ đứa bé, chả mấy chốc là đã tự bơi sang bên kia bờ cát. Ở đó có nương dâu xanh mướt mải trải dài hút tầm mắt. Mê mải tìm những chùm quả chín tím sậm ngỡ như bị lạc giữa rừng rậm. Loay hoay mãi, chợt nghe tiếng sáo bạn thổi mới định thần tìm được lối ra. Gió đưa tiếng sáo lẫn cả mùi khoai lang nướng xém vỏ ngọt bùi…

Những ngày tháng hè ấy đã khuất xa rồi, chỉ còn lại mãi mùi sấu, bàng, ổi chín quyện với nắng hè, phù sa thấm vào da thịt. Nhớ lại những mùa hè tuổi học trò càng thấy thương những đứa trẻ giờ đây quẩn quanh giữa bốn bức tường cớm nắng. Chỉ biết cắm cúi vùi đầu vào trò chơi điện tử, điện thoại hay phim hoạt hình cho hết những ngày hè nhạt nhẽo, vô vị. Hè này đến muộn hơn mọi năm. Rặng phượng chưa trổ hoa đỏ rực trời, nắng cũng nhợt nhạt, kém sắc. Ngay cả tiếng ve giữa trưa hè nghe cũng thưa vắng, trầm lắng hơn. Thời gian như nước trôi qua cầu, cuốn đi những kỷ niệm, ký ức, làm sao tìm lại được!

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32972402-khuat-xa-nhung-ngay-he.html