Khúc tráng ca trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

(ĐCSVN) - Tàu HQ 606, đoàn M71 Hải quân cùng cán bộ, nhân viên cụm Kinh tế – Khoa học – dịch vụ (DK1) được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc từ nhiều năm qua và đã có những con người ngã xuống cho sự bình yên của vùng biển, đảo này.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã nhiều lần cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của con tàu và các nhà giàn phải vượt qua khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho. Trong những ngày làm nhiệm vụ vô cùng khó khăn gian khổ đó, đã có những con người ngã xuống cho sự bình yên trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc và sự hy sinh anh dũng của họ dù đã xảy ra hơn mười năm ( ngày 13 tháng 12 năm 1998 ) nhưng với tôi ( hồi đó tôi là thuyền phó chính trị tàu HQ 606) vẫn như là mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Sự hy sinh của họ đã để lại mãi niềm khâm phục trong tôi. Chống chọi với bão dữ Cơn bão số 8 là một cơn bão mạnh có diễn biến phức tạp, di chuyển với tốc độ rất nhanh, từ 20 đến 25 km/h và đang có xu hướng tràn qua khu vực Trường Sa và DKI, cộng với gió mùa Đông Bắc mạnh cấp 7-8 đang tràn xuống phía Nam. Để tránh bão, đảm bảo an toàn cho con tàu, nhận lệnh của Sở chỉ huy, 19 giờ ngày 11 - 12 tàu khẩn trương xuất phát, mở hết vận tốc để tránh bão. Tàu càng chạy vào gần đất liền thì sóng gió càng lớn. Đến trưa ngày 12- 12 tàu còn cách Vũng Tàu khoảng 120 hải lý, do ảnh hưởng của bão cộng với không khí lạnh tăng cường nên ở khu vực này gió mùa Đồng Bắc đã mạnh lên cấp 9 - cấp 10. Những con sóng lừng lững đổ ào xuống tung bọt trắng xóa, như muốn hất ngược con tàu lại. Gió gào rít mỗi lúc một mạnh, bầu trời đen kịt mây. Càng về chiều, sóng gió càng lớn, những cơn sóng như những con đê thi nhau dâng con tàu lên rồi bất thần hạ xuống sâu, sóng trùm lên trắng xóa cả con tàu. Con tàu rung lên bần bật, chao nghiêng có lúc gần đến 50 độ. Con tàu lúc này thật bé nhỏ trước cơn cuồng phong của biển cả, nó chẳng khác gì một vật nhỏ nhoi trong trò chơi tung hứng của gã khổng lồ. Trong lúc cực kỳ nguy hiểm đó, toàn bộ BCH tàu đã dồn hết lên đài chỉ huy, vừa chỉ huy chống bão, vừa động viên bộ đội quyết tâm chịu đựng gian nguy, bám máy, bám vị trí. Trong lúc vô cùng nguy nan đó, tất cả các đồng chí đảng viên được phân công những vị trí khó khăn để vừa bám máy, bám vị trí vừa động viên bộ đội. Với tinh thần quyết tâm chống chọi với cơn bão để bảo vệ tài sản của Quân đội, Nhà nước và tính mạng của mình, tất cả cán bộ, chiến sĩ rất cố gắng. Đồng chí Lai, bị những cơn lắc của tàu hất vật ngã, xô vào một góc sàn máy, mình mẩy đau điếng nhưng vẫn cố gắng bò dậy tiếp tục bám máy chỉ huy và động viên bộ đội. Đồng chí Lợi, đồng chí Kiên vừa mới được biên chế xuống tàu đi chuyến đầu tiên nên đã bị say sóng và nôn liên tục nhưng hai đồng chí vừa nôn, vừa kiên quyết bám vị trí. Gió Đông Bắc thổi mạnh, cộng với từng cơn mưa quất xuống lạnh thấu xương; nhưng bộ phận quan sát vẫn cương quyết bám trụ, căng mắt ra để quan sát, kịp thời thông báo cho chỉ huy những cơn sóng lớn để nhanh chóng đánh lái giữ ổn định cho con tàu. Khúc tráng ca trên biển Khoảng 3 giờ đêm ngày 13 - 12, tổng đài sở chỉ huy Quân chủng “Sông Đà” không còn liên lạc được với nhà giàn lô 2 Phúc Nguyên nữa (A2), nhà giàn lô1 (A1) báo về ra-đa không bắt được mục tiêu nhà lô 2 nữa, chỉ còn thấy đèn sáng tờ mờ, lòng chúng tôi nóng như lửa đốt, không biết giờ đây trong cơn điên cuồng của biển cả này, đồng đội của chúng tôi ở nơi ấy có làm sao không? Một lúc sau, lòng chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi "Sông Đà" bắt lại được liên lạc với nhà giàn A2, văng vẳng bên tai chúng tôi tiếng nói của đồng chí Vinh và tiếng nói của chị thông tin viên động viên: "A2 chúng tôi luôn luôn bên cạnh các đồng chí, các đồng chí hãy bình tĩnh chuẩn bị mọi mặt...". Trong lúc khó khăn nguy hiểm, lời động viên của đồng chí Vinh và chị Vân làm cho chúng tôi vô cùng xúc động vô lo lắng cho anh em ở A2. Bỗng 3 giờ 45 phút đầu dây của A2 vang lên "Chào Sông Đà, chào tất cả mọi người,chúng tôi đi đây". - Sông Đà gọi A2 . - Tôi là Thủy, người Đô Lương, nhờ chị.... tiếng nói bỗng im bật. - Sông Đà gọi A2... Sông Đà gọi A2, giọng chị Vân lạc đi, tôi nghe như chị đang khóc. - Cháu Thủy, cháu Thủy, những tiếng gọi khẩn thiết của đồng chí Vinh trên máy. Lời gọi của đồng chí Vinh không còn là lời gọi của cấp trên nữa mà là lời gọi của người cha-người chú với những đứa con, đứa cháu của mình đang gặp nguy nan. Nghe những câu cuối cùng của đồng chí Thủy: "Chào Sông Đà...", chúng tôi bất giác nghĩ đến lời thề của những người lính trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và bao nhiêu người lính đã ngã xuống để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Tiếng nói của đồng chí Thủy, đồng chí Vinh, giọng nói của chị Vân, đã làm cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu vô cùng xúc động, mọi người đều lặng đi, mắt đỏ hoe, cổ họng như nghẹn lại, nước mắt chảy trên má hòa với hơi nước biển lăn xuống miệng mặn chát. Đất nước đã hòa bình hơn 20 năm, nhưng vẫn có những người lính ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc. Lệnh của SCH Quân chủng: Biên đội 02 tàu HQ 606, HQ 624 khẩn trương hành quân đến tọa độ X cứu với đồng đội, mặc dù sóng gió tiếp tục hoành hành, gầm thét, trời tối đen như mực, bản thân số phận của con tàu, biên đội như ngàn cân treo sợi tóc, song vì mạng sống của đồng đội và sự thôi thúc của trái tim người lính, biên đội đã nhanh chóng trao đổi và quay hướng tàu cơ động về tọa độ nói trên. Ngay sau khi tàu chuyển hướng, mệnh lệnh đài chỉ huy lập tức được phát ra: "Toàn tàu khẩn trương làm công tác cấp cứu". Các tổ nhanh chóng được thành lập: tổ quan sát, tổ cấp cứu, cùng các dụng cụ phao áo cá nhân, dây mồi, quần áo, thuốc men... được chuẩn bị khẩn trương. Lúc này hướng đi của tàu gần ngược với sóng gió và dòng chảy. Gió vẫn gào thét vì vậy tàu tiến lên rất chậm chạp và khó khăn. Thời gian trôi đi phút nào, lòng anh em trên tàu lại nóng thêm chừng ấy. Lệnh của thuyền trưởng: "Tăng vận tốc tàu lên", con tàu và biên đội vẫn nhọc nhằn vượt từng cơn sóng, từng con sóng một, vừa tránh từng cơn sóng lớn để đảm bảo an toàn cho tàu vừa cố gắng cơ động vượt lên. Khoảng gần 17 giờ thì biên đội cơ động được đến tọa độ quy định. BCH tàu đã hội ý tính toán hướng sóng gió, dòng chảy, thời gian A2 bị nạn và trao đổi với HQ 624 để chia làm hai nhánh hình chữ V đón dòng chảy, hy vọng vớt được anh em. Các tổ căng mắt ra quan sát, nhưng đến tọa đội quy định vẫn không thấy một dấu hiệu nào. Qua quan sát và theo dõi máy đo sâu thì thấy rằng đây không phải là vị trí A2 bị nạn bởi vì mực nước rất sâu. Trước tình hình trên, tàu đã điện cho A1 đề nghị A1 cho phương vị và khoảng cách của A2 so với A1. Có được phương vị 15 độ, khoảng cách 7,8 hải lý đồng chí Hồng-thuyền phó quân sự đã khẩn trương tác nghiệp và tìm ra vị trí bị nạn của A2. BCH tàu lại chụm đầu, căng óc ra để tính toán. Lúc này trời đã gần tối, phải cố gắng tìm kiếm đồng đội trước khi trời tối hẳn. Đồng chí Muộn, thuyền trưởng ra lệnh: - Phải 5 độ... đi hướng 140 độ, máy tiến III, các tổ quan sát tăng cường quan sát. Tất cả các đèn pha ở trên tàu được bật lên, quét ra mặt biến tìm kiếm, những cơn sóng thi nhau đổ trắng xóa mặt biển, gió Đông Bắc vẫn gầm rít, trời đang tối dần lại, nhìn mặt biển, lòng chúng tôi nặng trĩu lo âu, không biết bây giờ các anh ở đâu, liệu các anh có chịu nổi những cơn sóng gió dập vùi này không? Tàu đang tiếp tục quan sát, sục sạo mặt biển thì bỗng tổ quan sát báo cáo "Phía trước mũi tàu hình như có vật trôi nổi". - Trái 15 độ, máy tiến II... máy tiến I, dừng máy, máy lùi I... dừng máy. Tàu tiến được vài mét nữa thì nhìn thấy đồng đội của mình đang trên một chiếc phao bè chống chọi với sóng gió. Mọi người mừng vui khôn xiết, không ai bảo ai đều hô lên: "Đồng đội ơi! Chúng tôi đã đến đây rồi, anh em hãy bình tĩnh..." Trở về trong vòng tay đồng đội Mọi người nhìn nhau nước mắt cứ ứa ra, muốn kêu lên nữa nhưng cổ cứ nghẹn lại. Lệnh từ đài chỉ huy truyền xuống: "Các tổ cấp cứu, dây mồi... khẩn trương tiến hành công việc". Sóng gió to, việc vớt người rất khó khăn, tàu phải cố gắng tránh sóng, vòng lại mấy vòng mới tiếp cận được gần phao bè, dây mồi được tung ra... Anh em trên tàu xúm vào kéo từng người lên và khẩn trương đưa vào trong phòng thay quần áo, xoa dầu, đắp chăn... Những bộ quần áo của cán bộ, chiến sĩ tới tấp được đưa đến. Nhìn những cảnh ấy, lòng tôi lại xúc động khôn tả và hiểu hơn tình nghĩa đồng đội trong lúc khó khăn, gian nguy. Nhìn những gương mặt dần dần hồi tỉnh, lòng chúng tôi lại cồn cào như muối xát vì còn thiếu 3 đồng đội nữa, bây giờ các anh đang trôi dạt ở chỗ nào? Sau khi sơ cứu cho 6 anh em vừa được vớt lên, toàn thể cán bộ, chiến sĩ lại cùng con tàu lao vào màn đêm dày đặc, tìm kiếm sục sạo, quần đảo với từng cơn sóng để giành giật lại mạng sống từ tay tử thần cho đồng đội của mình. Qua mấy mươi tiếng đồng hồ vật lộn chống chọi với bão tố, cán bộ, chiến sĩ trên tàu ai cũng đói khát và mệt mỏi rã rời, nhưng vì tính mạng của đồng đội, mọi người vẫn lao vào công việc, tiếp tục bám máy, bám vị trí con tàu lại lao vào sục sạo tìm kiếm, cả biên đội chia thành đội hình hàng dọc lệch, hàng ngang, liên tục cày xới tìm kiếm khu biển trong mấy ngày đêm . Tàu HQ 606 còn tổ chức tìm xác A1 và tranh thủ sóng êm, lặn xuống quan sát nhưng vẫn không tìm thấy 3 đồng đội còn lại. Chúng tôi không muốn tin, nhưng có lẽ các anh đã mãi mãi nằm lại nơi biển xanh. Nghĩ đến các anh, lòng chúng tôi quặn đau. Trong 3 đồng chí, trường hợp đồng chí An cứ mỗi khi nghĩ đến chúng tôi lại không sao kiềm được lòng mình. Vợ An ở nhà vừa mới sinh con trai đầu lòng được 1 tháng. Anh dự định Tết này anh sẽ xin phép cấp trên cho anh nghỉ phép để về thăm nhà, để anh được ôm ấp, vuốt ve "cục cưng" (kết quả tình yêu giữa anh và người vợ thủy chung lam lũ ở quê nhà) và anh sẽ đi cám ơn gia đình họ hàng, làng xóm đã giúp vợ anh "vượt cạn", rồi những lúc khó khăn khi anh vắng nhà. Anh sẽ đặt tên con là Hải Sơn, để mong con mình lớn lên sẽ mạnh mẽ, vững chãi như ngọn núi trước phong ba bão tố của biển khơi. Anh đã không kịp thực hiện ước mơ nhỏ nhoi của mình, nhưng tôi tin rằng: cháu bé lớn lên, cháu sẽ rất tự hào về người cha của mình, người đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, người đã cùng đồng đội chiến đấu đến phút cuối cùng với thiên tai địch họa để góp phần gìn giữ và bảo vệ thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu. Viết đến đây, lòng tôi lại nghĩ về những người cha, người mẹ, người vợ ở hậu phương. Vâng, chính họ, chính họ, những người mẹ còn mặc áo sờn vai ở trong những căn nhà đơn sơ dưới lũy tre làng, những người vợ còn ăn những bữa cơm đạm bạc, tần tảo vất vả một nắng hai sương, những em nhỏ còn phải mặc quần áo vá đến trường.Trong cuộc sống còn đầy lo toan, vất vả của đời thường nhưng họ đã sinh ra những đứa con, nuôi dạy các anh, cùng với Đảng quân đội giáo dục rèn luyện, động viên để họ trở thành những người "lính Cụ Hồ" có ý chí sắt đá, lòng dũng cảm kiên cường, kiên quyết chống lại thiên tai địch họa, sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu. Họ đang kế tục xứng đáng lớp cha anh đi trước, tiếp tục viết lên truyền thống vẻ vang anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=364875&co_id=30692