Khủng hoảng khiến người Nga “thắt lưng buộc bụng”

Gần đây, báo cáo điều tra mới nhất của Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Nga cho thấy, khủng hoảng tài chính toàn cầu đang âm thầm thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân Nga. Người Nga trước kia quen chi tiền không tiếc tay, tiêu dùng xa hoa thì bây giờ cũng đã bắt đầu “thắt lưng buộc bụng”, hơn nữa còn tích cực gửi tiền vào các ngân hàng.

Báo cáo mới nhất này của Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Nga còn tiết lộ, tổng số tiền gửi tiết kiệm trong cả năm 2009 của người dân Nga đã lên tới 7464 tỷ RUB, với biên độ tăng là 26,8%, tăng thêm 1579 tỷ RUB so với năm 2008, đây cũng là năm có mức tăng trưởng nhanh nhất về số tiền dự trữ của người dân Nga trong vài năm qua. Theo báo cáo này, từ tháng 1 – tháng 10/2009, tổng số tiền gửi của người dân Nga bình quân tăng 2,9 tỷ RUB/ngày. Từ trung tuần tháng 11/2009, tốc độ gửi tiền của người dân Nga tăng rõ rệt. Theo phân tích của các chuyên gia tại Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Nga, biên độ tăng này có liên quan mật thiết tới việc phát tiền thưởng cuối năm của các công ty, doanh nghiệp Nga. Chỉ trong một tháng rưỡi từ trung tuần tháng 11/2009 đến cuối tháng 12/2009, số tiền gửi vào các ngân hàng của người dân Nga đã tăng ròng 52 triệu RUB. Điều này cho thấy, rất nhiều người dân Nga đều đã gửi hết số tiền thưởng cuối năm của mình vào ngân hàng chứ không dùng để ăn Tết như mọi năm. Từ ngày 1/1/2010, mặc dù lãi suất tiền gửi bằng đồng RUB của các ngân hàng Nga đều hạ thấp: lãi suất tiền gửi hạn mức 100000 RUB từ 9,9%/năm xuống còn 8,9%/năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm hạn mức 700000 RUB từ 10,1%/năm xuống còn 9%/năm. Nhưng, độ nhiệt tình trong việc gửi tiền của người dân Nga vẫn chưa vì thế mà bị tác động, mức tiền gửi vào các ngân hàng Nga vẫn tăng bình ổn. Đồng thời với việc tiết kiệm tiền, người dân Nga còn chú ý hơn đến việc “đa dạng hóa” các loại tiền tệ dự trữ. Báo cáo cho thấy, dự trữ ngoại tệ của người dân Nga trong các sổ tiết kiệm đầu năm 2009 chiếm tới 26,7% trỏng tổng số tiền gửi dự trữ, tỷ lệ này vào ngày 1/4/2009 còn tăng tới 32,9%, sau khi tỷ giá đồng RUB từ mùa xuân 2009 bắt đầu ổn định, được “hấp dẫn” từ lãi suất tiền gửi khá cao, người dân Nga mới bắt đầu mạnh dạn gửi tiền bằng đồng RUB. Tuy nhiên, từ ngày 1/12/2009 đến nay, tiền gửi bằng đồng USD và đồng EUR trong các khoản tiết kiệm của người dân Nga vẫn chiếm tới 27,9%. Song song với việc tiết kiệm tiền, người dân Nga còn bắt đầu có ý thức chi tiêu ăn uống dè sẻn. Kết quả điều tra dân ý của Trung tâm điều tra dư luận xã hội Nga hồi trung tuần tháng 2 vừa qua cho thấy, chi tiêu thực tế năm 2009 của người dân Nga giảm đáng kể so với năm 2008. Có 46% người dân Nga đã cắt giảm chi tiêu cho các khoản mua sắm quần áo, giày dép, 52% người dân giảm chi tiêu cho các hoạt động vui chơi giải trí, 46% số người hủy bỏ các kế hoạch nghỉ dưỡng và du lịch. Cũng theo cuộc điều tra dân ý nói trên, chỉ có 29% người dân Nga cho rằng “kinh tế Nga bắt đầu thoát đáy”, khá nhiều người được phỏng vấn còn lại cho rằng “kinh tế Nga vẫn đang chạm đáy”. Từ tháng 1/2010, điện, giao thông, viễn thông và các mặt hàng nhu yếu phẩm của Nga liên tục tăng giá, điều này đã khiến người dân Nga mất đi một phần lòng tin, tỏ ý nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế Nga. Cho nên việc gửi tiền tiết kiệm đã trở thành phương thức sống chủ yếu của người dân Nga trong thời gian này.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news.aspx/detail/380470/khung-hoang-khien-nguoi-nga-that-lung-buoc-bung