Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh gia tăng

Sau 3 tháng bùng phát, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và còn có nguy cơ leo thang căng thẳng sau khi Saudi Arabia ngày 9-9 tuyên bố dừng mọi hoạt động đối với Qatar.

Bên cạnh đó, Riyadh cáo buộc Doha “bóp méo sự thật” ngay sau khi xuất hiện thông tin về một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước – một động thái có thể đem lại bước đột phá trong cuộc khủng hoảng này.

Theo thông tin được truyền thông nhà nước của Saudi Arabia và Qatar đăng tải trước đó, hôm 8-9 (giờ địa phương), Hoàng Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Mohammed bin Salman đã thực hiện cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và các nước láng giềng Arab tại vùng Vịnh. Đây là lần liên lạc công khai đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Theo hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia, trong cuộc điện đàm, Quốc vương Qatar bày tỏ mong muốn tiến hành đối thoại và thảo luận về các yêu cầu của 4 quốc gia Arab để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Chi tiết sẽ được công bố sau khi Vương quốc Saudi Arabia thảo luận và có sự nhất trí của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập.

Hoàng Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Mohammed bin Salman.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước QNA của Qatar đưa tin, cuộc điện đàm trên được tiến hành dưới sự điều phối của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó cả Quốc vương Qatar và Hoàng Thái tử Saudi Arabia đều “nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường đối thoại để đảm bảo sự đoàn kết và ổn định của các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)”.

Cũng theo QNA, Quốc vương Qatar hoan nghênh đề xuất của Thái tử Mohammed trong cuộc điện đàm “giao cho 2 phái viên giải quyết các vấn đề gây tranh cãi theo cách không ảnh hưởng đến chủ quyền của các nước”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, SPA dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố nước này bác bỏ thông tin của QNA, khẳng định cuộc điện đàm diễn ra sau khi Qatar yêu cầu được đối thoại với 4 nước láng giềng Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE.

Vị quan chức trên gọi những gì được QNA đăng tải là hành động tiếp tục “bóp méo sự thật” của Doha. Theo SPA, Saudi Arabia quyết định đình chỉ đối thoại hoặc liên lạc với giới chức ở Qatar cho tới khi một tuyên bố rõ ràng được đưa ra nhằm làm sáng tỏ quan điểm của Saudi Arabia trước công luận.

Trong diễn biến liên quan, ngày 8-9, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Qatar Khalid Al-attiyah, trong đó tái khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Washington và Doha.

Tiết lộ về nội dung điện đàm, bà White nêu rõ 2 bộ trưởng đã thảo luận về quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong vấn đề an ninh cũng như tái khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và trao đổi việc tăng cường hợp tác song phương.

Trước đó, hôm 7-9 (giờ địa phương), phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tiểu vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah tại thủ đô Washington, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, các bên sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận.

Về phần mình, Tiểu vương Kuwait cho rằng, điều quan trọng là các bên phải ngăn chặn bất cứ hành động quân sự nào. Ông al-Sabah cùng ngày cho biết đã nhận được bức thư từ Qatar, thể hiện sẵn sàng thảo luận về danh sách 13 yêu cầu từ các quốc gia láng giềng. Theo ông, không phải tất cả 13 yêu cầu này là hợp lí, vì có một số vấn đề ảnh hưởng đến chủ quyền của Qatar. Tuy nhiên, phần lớn các yêu cầu này sẽ được giải quyết.

Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar từ ngày 5-6, tạm ngưng các tuyến giao thông hàng không, hàng hải với quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, và là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực.

4 quốc gia Arab trên cáo buộc Doha hỗ trợ Iran và các phần tử Hồi giáo cực đoan, lãnh đạo Qatar bác bỏ tất cả các cáo buộc trên. Kể từ khi khủng hoảng xảy ra Kuwait đã nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/khung-hoang-ngoai-giao-vung-vinh-gia-tang-457426/