Khủng hoảng Syria bao trùm hội nghị G20

(TBKTSG Online) - Khủng hoảng Syria không nằm trong nghị trình chính thức của hội nghị thượng đỉnh G20 tại St. Petesburg, Nga, khai mạc hôm qua ngày 5-9 nhưng bao trùm các cuộc thảo luận bên lề hội nghị này.

Phúc Minh

Người Mỹ biểu tình phản đối chính phủ can thiệp vào Syria. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn tìm kiếm sự hậu thuẫn rộng rãi hơn, cả trong và ngoài nước, cho cuộc tấn công quân sự Syria vì cho rằng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân. Tổng thống Obama nói, không phản ứng trước việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria sẽ làm gia tăng rủi ro vũ khí này được sử dụng lại.

Một ngày trước hội nghị thượng đỉnh G20, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ phê chuẩn nghị quyết tấn công có giới hạn nhưng loại trừ việc sử dụng bộ binh tại Syria. Nghị quyết này sẽ được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vào tuần tới.

Nga, Trung, EU và dân Mỹ phản đối Mỹ tấn công Syria

Ngày 5-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các cuộc tấn công không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) là hành vi xâm lược. Ông Putin kêu gọi Mỹ trình bày cho LHQ bằng chứng thuyết phục về vũ khí hóa học.

Nga là nước chủ yếu cung cấp vũ khí cho Syria, nước này cùng với Trung Quốc đã bác 3 nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria.

Phát biểu tại hội nghị ngày 5-9, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu nói bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Syria sẽ làm tăng giá dầu và tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng giải pháp quân sự không phải là phương thức đúng để chấm dứt khủng hoảng Syria và thúc giục cộng đồng quốc tế tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói: "Chỉ có giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria. Người dân Syria xứng đáng được hưởng cơ hội khôi phục hòa bình, hòa giải và tái thiết đất nước”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso nói: "Chúng ta cần đạt được sự nhất trí trong cộng đồng quốc tế về phản ứng trước những diễn biến mới nhất cũng như cách chấm dứt cuộc xung đột tại Syria. Tình hình Syria là một thảm kịch nhân đạo trong thời đại chúng ta”.

Một cuộc thăm dò dư luận của tờ Washington Post và hãng tin ABC cho thấy 59% người Mỹ phản đối các vụ tấn công bằng phi đạn của Mỹ nhắm vào Syria, so với 36% người tán đồng. Nhiều người Mỹ hối thúc các nhà lập pháp tập trung vào các vấn đề khác như kinh tế và chăm sóc sức khỏe, có lợi hơn cho người dân.

LHQ hy vọng vào giải pháp chính trị

Giới chức LHQ tiếp tục hy vọng giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria. Đặc sứ LHQ và Liên đoàn Ả-rập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, ngày 5-9 đến Nga để thúc đẩy tổ chức hội nghị hòa bình Syria.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từng tuyên bố mọi vụ sử dụng vũ khí hóa học đều là “tội ác” và kêu gọi HĐBA đoàn kết, đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý. Tuy nhiên, ông nói giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng là cách tốt đẹp nhất phù hợp với hiến chương LHQ.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/thegioi/ghinhan/102158/