Khủng hoảng Vùng Vịnh và những bài học lớn

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson liên tục có những chuyến đi như con thoi đến Vùng Vịnh với nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng giữa Qatar và 4 quốc gia Arab, mọi việc cho đến nay không có dấu hiệu lắng dịu.

Cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh nổ ra vào ngày 5-6, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến khu vực. Mọi nghi ngờ vì vậy đổ dồn vào Washington. Bất chấp nỗ lực ngoại giao tích cực của ông Tillerson, những tranh cãi dường như không có hồi kết. Bởi lẽ, các nước Arab đều nghĩ rằng, Qatar sẽ nhanh chóng đầu hàng với đòn trừng phạt siết chặt của liên minh. Nhưng không…Doha vẫn bất khả chiến bại. Đây có phải là điều quá bất ngờ hay không? Liệu chúng ta đã học được gì từ cuộc khủng hoảng lần này?

Thứ nhất, rõ ràng là có những giới hạn đối với vai trò lãnh đạo trong khu vực của Saudi Arabia và UAE. Sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho giới lãnh đạo các nước Arab và Hồi giáo với sự tham dự của Tổng thống Trump, Saudi Arabia và UAE rõ ràng mong đợi một chiến thắng nhanh chóng trong vấn đề Qatar. Tuy nhiên, nỗ lực chứng minh sức mạnh của Saudi Arabia - UAE đối với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Trung Đông lại cho thấy những rạn nứt nghiêm trọng giữa các quốc gia đồng minh thân cận của Washington.

Thứ hai, không ai hiểu được chính sách của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng - và các vấn đề của nó là gì. Chính quyền Tổng thống Trump đã gửi những thông điệp mâu thuẫn về cuộc khủng hoảng. Chính ông Trump đưa ra một số tuyên bố ủng hộ hành động của Riyadh. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã nói rõ, họ không có ý định chuyển căn cứ quân sự ra khỏi Qatar. Cho đến nay, thủ lĩnh ngoại giao Mỹ vẫn tập trung vào hòa giải và làm dịu cuộc khủng hoảng, thận trọng ký kết một thỏa thuận với Qatar về chống khủng bố.

Thứ ba là vấn đề của cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố” thực sự là gì? Cuộc khủng hoảng Qatar được xem như một phần của cuộc chiến tranh ủy nhiệm (cuộc chiến qua tay nước khác) vốn đã bùng nổ trong khu vực kể từ cuộc nổi dậy của người Arab năm 2011. Trong các cuộc chiến ủy nhiệm này, các quốc gia Vùng Vịnh thường hỗ trợ các bên mà họ ủng hộ. Ngay từ khi chiến tranh Libya bắt đầu, Qatar và UAE đã chuyển tiền và súng cho các nhóm vũ trang mà họ ủng hộ. Điều đó đã có tác động phá hoại sâu sắc lên quỹ đạo Vùng Vịnh cho đến nay.

Cuộc khủng hoảng Qatar chứng minh rằng, xung đột giữa các nước Sunni tiếp tục căng thẳng và những lo ngại về an ninh vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của họ. Điều này khiến các thông điệp hỗn động từ chính quyền Tổng thống Trump đặc biệt nguy hiểm tại một thời điểm quan trọng ở Trung Đông.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_169220_khu-ng-hoa-ng-vu-ng-vi-nh-va-nhu-ng-ba-i-ho-c-lo-n.aspx