Khung thuế tài nguyên cần chặt chẽ, hợp lý hơn

(Chinhphu.vn) – Luật thuế tài nguyên phải thực sự trở thành công cụ quản lý vĩ mô quan trọng để vừa khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo được.

Xây dựng khung thuế suất; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; các trường hợp miễn, giảm thuế; kê khai nộp thuế là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến trong thảo luận tổ sáng 21/10 về Luật thuế tài nguyên. Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), Hoàng Minh Nhất (Hà Giang) đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa khung thuế suất; đảm bảo xây dựng khung thuế chặt chẽ, hợp lý đối với các loại tài nguyên; đồng thời mở rộng đối tượng chịu thuế, làm rõ hơn căn cứ tính thuế tài nguyên bao gồm sản lượng thực tế khai thác, giá cả tính thuế và thuế suất. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng thực tế khai thác do các doanh nghiệp tự kê khai. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc kê khai và nộp thuế. Theo nhiều đại biểu, việc kiểm soát sản lượng khai thác thực tế của cơ quan chức năng còn nhiều sơ hở, bất cập… Do đó, dự thảo Luật cần xem xét để bổ sung các quy định cần thiết, tạo cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn; có các chế tài đủ mạnh để góp phần hạn chế tình trạng này. Đại biểu Củng Thị Mẩy (Hà Giang), cho rằng dự thảo luật nên làm rõ về giá tính thuế đối với tài nguyên xuất khẩu để tránh hiện tượng lách luật trốn thuế; đồng thời xây dựng chính sách thuế phù hợp với các loại tài nguyên không tái tạo được. Về biên độ khung thuế suất, một số đại biểu cho rằng, khung thuế suất đối với các loại tài nguyên có biên độ khá rộng. Việc mở rộng khung thuế tuy tạo sự linh hoạt song lại không bảo đảm tính chặt chẽ trong việc quy định thuế suất, có thể dẫn đến không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng, giữa các thời điểm khác nhau. Vì vậy, đề nghị xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất; đồng thời phân loại, quy định chi tiết từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt, bảo đảm không mở quá rộng khung thuế suất nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý việc khai thác tài nguyên trong từng thời kỳ. Đối với chính sách miễn, giảm thuế, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP. Hồ Chí Minh), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề nghị bỏ quy định về miễn giảm thuế đối với “một số loại tài nguyên khác theo quy định của Chính phủ”, cho rằng việc miễn, giảm thuế, đối tượng được miễn, giảm thuế phải do luật quy định nhằm tạo sự minh bạch, cụ thể trong ban hành, thực thi pháp luật. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Việt Dũng cũng đề nghị xây dựng chính sách thuế đối với tài nguyên nước ngầm theo từng vùng miền. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng lý giải, có thể ở các vùng nông thôn, việc khai thác tài nguyên nước ngầm không có ảnh hưởng lớn tới đời sống dân cư; song ở một số tỉnh, thành phố lớn, có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm đã dẫn tới tình trạng sụt lún, sạt lở đất làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cư dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đó./. Nguyễn Hoàng – Quỳnh Hoa

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/khung-thue-tai-nguyen-can-chat-che-hop-ly-hon/200910/23556.vgp