Khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh viêm não

Nhiều trường hợp viêm não sau quá trình điều trị sẽ để lại biến chứng nặng hoặc di chứng như chân tay co quắp, di chuyển khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc giao tiếp, học tập, lao động của người bệnh.

Trẻ bị viêm não Nhật Bản điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Trẻ bị viêm não Nhật Bản điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Bác sỹ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho hay, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 27 ca bệnh viêm não. So với bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng thì bệnh viêm não rất khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao hơn.

Nhiều trường hợp viêm não sau quá trình điều trị sẽ để lại biến chứng nặng hoặc di chứng như chân tay co quắp, di chuyển khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc giao tiếp, học tập, lao động của người bệnh.

Trước tình hình bệnh viêm não diễn biến phức tạp, ngành y tế Cà Mau đã triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh viêm não song hành với bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng như tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đối tượng là điều dưỡng, y sỹ, bác sỹ về công tác chuyên môn, nhất là quy trình tiếp nhận, chăm sóc điều trị bệnh nặng, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị; các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, bố trí giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu các trường hợp bệnh nặng.

Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đẩy mạnh tuyên tuyền tới người dân về các biện pháp phòng bệnh, khuyến cáo phụ huynh tự giác đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm vắc xin để phòng ngừa căn bệnh viêm não.

Trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản đang được chăm sóc điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện sản- nhi Cà Mau. Ảnh: Kim Há – TTXVN

Năm 2017, tỉnh Cà Mau chưa ghi nhận trường hợp tử vong liên quan đến bệnh viêm não, song hầu hết các trường hợp nhập viện cấp cứu điều trị viêm não là bệnh nặng, chủ yếu là trẻ em. Bác sỹ Nguyễn Thanh Dân khuyến cáo các gia đình, phụ huynh không nên chủ quan xem nhẹ việc phòng bệnh viêm não.

Ngoài việc đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm chủng đủ liều, đủ mũi, cần làm tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng và tiêu độc khử trùng ở nơi chuồng trại chăn nuôi gia súc theo khuyến cáo của ngành y tế.

Ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giúp người dân có đầy đủ kiến thức phòng bệnh viêm não và các bệnh nguy hiểm khác; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch nhỏ mới phát sinh, không để bệnh lây lan ra diện rộng./.

Kim Há/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/khuyen-cao-cac-bien-phap-phong-benh-viem-nao/53876.html