Khuyến khích đại biểu QH xây dựng luật

Thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội(QH) nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều ý đại biểu cho rằng cần phải coi trọng sáng kiến cá nhân của đại biểu QH...

Đưa 2 dự án luật vào chương trình dự bị

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc-Hà Tĩnh nêu ý kiến phải coi trọng sáng kiến của các cá nhân đại biểu QH vì đã lâu lắm rồi mới có các đại biểu đề xuất xây dựng luật.

Trước đó, có đại biểu Nguyễn Minh Hồng-Nghệ An đề xuất xây dựng Luật Phát triển Văn học. Rồi tới đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đề xuất xây dựng Luật về bảo vệ quyền riêng tư, và hai dự án này đã được QH đưa vào chương trình dự bị.

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến-Long An, đề xuất xây dựng luật bảo vệ quyền riêng tư-Ảnh P.H

Theo đại biểu Lê Thanh Vân -Hải Phòng, nên khuyến khích sáng kiến pháp luật của các đại biểu QH, đó là những cộng sự tích cực để hỗ trợ việc xây dựng luật, pháp lệnh được hoàn chỉnh hơn

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương -TP.HCM đề xuất xây dựng Luật từ chức.Theo ông Đương, dự án Luật từ chức đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch...

Tuy nhiên theo đại biểu Huỳnh Thế Kỳ -Ninh Thuận, cho rằng "Luật của chúng ta sản xuất quá nhiều. Trên cơ sở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đề xuất, rồi cơ sở của các bộ, ngành đề xuất, đến cá nhân đề xuất cũng đưa thành dự thảo luật, sẽ làm cho chương trình xây dựng luật quá tải, mà luật thì cần phải có thời gian nghiên cứu"..

Xây dựng luật gắn với sống kinh tế -xã hội

Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011 – 2016) gồm có 115 dự án luật, pháp lệnh. Trong đó có 3 bộ luật, 104 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 6 pháp lệnh và 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tán thành với đề nghị của Chính phủ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệmkỳ Quốc hội khóa XIII, các ý kiến đại biểu QH đều cho rằng các luật, pháp lệnh được xây dựng trong chương trình rất thiết thực với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên do, số lượng luật, pháp lệnh được đề xuất là khá lớn,nên lựa chọn những người có chuyên môn cao về luật vào ban soạn thảo luật và cần mời nhiều chuyên gia thẩm định kỹ các luật, pháp lệnh trước khi ban hành, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa Thừa Thiên -Huế nêu ý kiến.

Theo đó,cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng ban hành luật, pháp lệnh, cần có những quy chế hết sức chặt chẽ, cụ thể trong luật và có tính khả thi cao. Các thông tư, nghị định hướng dẫn kèm theo luật rất nhiều nhưng vẫn có nhiều thông tư, nghị định trái với luật ban hành...Theo đại biểu Trần Đình Nhã để công tác xây dựng luật gắn với thực tiễn, cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới

Về các dự án liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật hoạt động Giám sát của Quốc hội (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND vào danh mục các dự án luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII.

Đối với dự án Luật Biểu tình, một số ý kiến cho rằng: quyền được biểu tình của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1992. Do đó, cần phải ban hành Luật Biểu tình để công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời Nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình.

Các ý kiến đề nghị trong luật cần phải được xây dựng một cách chặt chẽ, phù hợp để tránh những hậu quả khó lường. Ngoài ra, ở Việt Nam đã có Luật Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì thế cũng cần phải quy định rõ trong trường hợp nào thì áp dụng Luật Biểu tình hoặc Luật Bảo đảm trật tự an toàn xã hội...

Riêng dự án Luật bảo vệ quyền riêng tư, Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa nên đưa vào chương trình nhiệm kỳ này mà cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa. Hơn nữa, hiện nay đã có nhiều văn bản luật quy định về quyền công dân được bảo vệ bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín, chỗ ở...như: Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí...

Hà Phương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=2933