Kích cầu tiêu dùng nội địa

Xuất khẩu hụt hơi, do vậy để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thì việc kích cầu tiêu dùng trong nước phải là trọng tâm của những tháng cuối năm 2023.

Nhiều cửa hàng quần áo giảm giá sâu nhưng vẫn vắng người mua. Nguồn: Công thương.

Nhiều tiểu thương các chợ Ngọc Lâm, Gia Lâm, Quan Hoa, chợ Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết buôn bán rất ế ẩm. Tại các kênh phân phối hiện đại, sức mua có tăng nhưng mức tăng không cao và không ổn định. Chị Nguyễn Thị Phương - chủ một siêu thị tư nhân ở phố Đội Cấn cho biết không dám nhập nhiều hàng do tiêu thụ rất chậm.

Chấp nhận giảm giá để kích cầu

Nhiều ý kiến cho rằng cần thêm giải pháp tăng sức mua cho thị trường, kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ từ nhà nước và cả doanh nghiệp (DN); đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, DN cần chấp nhận giảm giá để kích thích thị trường.

Trong khi đầu tư xuất khẩu suy giảm thì chắc chắn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, phải tiếp tục coi tiêu dùng trong nước là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các tập đoàn bán lẻ, thiết lập các chuỗi phân phối thuận tiện hơn.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa, hiện trên thị trường các nhà bán lẻ, DN đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để vừa chia sẻ bớt áp lực chi tiêu của người tiêu dùng (NTD). Điển hình như tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op, giảm giá trực tiếp nhiều sản phẩm nhu yếu như rau củ, quả, thịt, cá, gạo...

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc chuỗi vận hành hoạt động Co.opmart cho biết, năm nay, trong bối cảnh sức mua thị trường xuống thấp, người dân thắt chặt chi tiêu, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung “Shopping Season” từ 15/6 đến 15/9. Chương trình kỳ vọng sẽ tạo cú hích để kích thích mua sắm.

Hay tại Vinmart, khách hàng thành viên được được mua hàng với giá ưu đãi đặc biệt, tùy theo ngành hàng... Ngoài bán hàng trực tiếp, các đơn vị bán lẻ cũng đã đẩy mạnh kênh mua sắm online, giao hàng tận nhà với thời gian nhanh nhất, để giữ chân khách hàng.

Các địa phương cũng đã chủ động tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, tạo chuỗi liên kết, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng thời gian qua đã hỗ trợ DN ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để giữ vững thị trường nội địa và phát triển đi vào chiều sâu không phải đơn giản, muốn giữ vững và phát triển được thị trường trong nước, cần tạo môi trường kinh doanh sản xuất cạnh tranh bình đẳng, giảm các thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm chi phí cho DN. Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh công khai minh bạch, tăng cường việc bán hàng đa kênh ở thị trường nội địa. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết giữa sản xuất phân phối, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, hệ thống các sàn giao dịch nông sản nằm trong các chợ đầu mối vùng để tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa và tính minh bạch công khai ở trên thị trường.

Chú trọng thị trường trong nước

Bà Lê Thị Hiền - Vụ Thống kê Tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) cho rằng để “thúc” tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong những tháng cuối năm cần tập trung triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở. Ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung cầu trên nền tảng số.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ DN, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng. Trong đó, cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, DN, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư.

Còn theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam, để tránh gây bất ổn thì kích cầu phải đúng đối tượng, đó là hướng vào đối tượng có nhu cầu chi tiêu cao, hướng vào hàng hóa nội địa. Chú trọng hơn tới thị trường trong nước, phát triển năng lực của DN trong cung ứng cho hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, không để mất thị phần về hàng hóa, dịch vụ ngay trên sân nhà.

Thời gian qua khi xuất khẩu khó khăn, nhiều DN đã chủ động quay lại thị trường trong nước. Tuy nhiên nói như ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cộng đồng DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề về thị trường, vốn, pháp lý, thủ tục hành chính. Cần có các chính sách cụ thể để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hoạt động. Việc ban hành các chính sách, văn bản tránh tạo thêm các thủ tục, hoặc có nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho hoạt động của DN vốn đang gặp nhiều khó khăn.

TS Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) đánh giá, các Nghị quyết đúng đắn của Quốc hội và nỗ lực của Chính phủ đã giúp DN phần nào vơi bớt khó khăn. Trong đó, Quốc hội đã có quyết sách giảm thuế VAT xuống 2%... Gần đây Chính phủ cũng có Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19… đã gia tăng niềm tin cho DN. Những động thái tích cực đó cũng tạo ra đòn bẩy, kích cầu cho sự phát triển của DN và nền kinh tế…

Theo TS Nguyễn Thị Minh Thảo, để DN phục hồi và phát triển mạnh mẽ, bên cạnh việc ban hành các quyết sách đúng đắn, phù hợp cũng cần nâng cao hiệu quả việc giám sát của quy trình lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, DN và các bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách mới, đặc biệt là chính sách thuế có tác động sâu rộng tới kinh tế, xã hội.

H.Hương-M.Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kich-cau-tieu-dung-noi-dia-5725160.html