Kích hoạt thương vụ M&A quy mô trong năm 2017

20 diễn giả cùng hơn 400 lãnh đạo cao cấp từ các cơ quan nhà nước, tập đoàn, quỹ đầu tư... dự Diễn đàn M&A 2017 cùng chung nhận định rằng, 2017 là năm của các giao dịch quy mô lớn liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiêp lớn.

Diễn đàn M&A 2017 diễn ra tại TP.HCM là sự kiện thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư và Công ty AVM đồng tổ chức từ năm 2009.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A.

“Đang có những yếu tố để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) suy nghĩ và khám phá, tự nắm bắt lấy các cơ hội để quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho các dự án đầu tư của mình bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức M&A”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi tại Diễn đàn.

Các diễn giả, nhà đầu tư trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Chí Cường

Các diễn giả, nhà đầu tư trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Chí Cường

Các yếu tố được Bộ trưởng nhắc tới là sự ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; các bộ luật quan trọng mang tính đột phá như Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (được Quốc hội thông qua tháng 6/2017); Dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10/2017; nỗ lực thực hiện cổ phần hóa DN nhà nước...

“Tôi cho rằng, như vậy là đã đủ điều kiện để chúng ta không chỉ có tư duy đột phá, mà còn hành động đột phá trong lĩnh vực M&A đầy tiềm năng này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Kích nổ các thương vụ M&A lớn

Một thông tin quan trọng mà ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2017 là Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020 theo Quyết định 1001/2017/QĐ-TTg vừa được công bố. Theo đó, có 5 DN thực hiện cổ phần hóa - thoái vốn, 2 DN được SCIC tiếp tục giữ vốn, 132 DN thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020.

Hiện Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan quy trình đấu giá, các phương pháp thoái vốn và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 - 9/2017 cùng các nội dung sẽ thực hiện được ngay, không cần chờ thông tư hướng dẫn.

Theo Deloitte Việt Nam, nếu các giao dịch lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk, PVOil… được “kích nổ” theo đúng tiến độ, thị trường M&A Việt Nam năm 2017 hoàn toàn có thể vượt qua kỷ lục 5,82 tỷ USD của năm 2016.

Sẽ xuất hiện nhiều thương vụ M&A trong các lĩnh vực mới

Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới sẽ xuất hiện những thương vụ ở những lĩnh vực mới ở các ngành giàu tiềm năng như sản xuất điện mặt trời, dược phẩm...

Theo nhận định của ông Trần Vinh Dự, Phó tổng giám đốc phụ trách tư vấn M&A của Ernst and Young Việt Nam, trong thời gian tới sẽ xuất hiện các thương vụ M&A mới lạ.

Kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2017
Vinamilk sẽ bán tiếp 3,33% vốn điều lệ, tương đương 6.500 - 7.000 tỷ đồng;
Bán vốn lần 2 của Sabeco, dự kiến thu về 16.000 tỷ đồng;
Bán 100% vốn tại Habeco thu về khoảng 9.000 tỷ đồng;
Cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), với giá trị phần vốn nhà nước ước tính 33.556 tỷ đồng;
Cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) có giá trị DN được xác định là 4.980 tỷ đồng;
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đang trình phê duyệt kế hoạch bán đến 64,9% vốn nhà nước;
Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) sẽ bán hết 108 triệu cổ phần Nhà nước đang nắm giữ (chiếm 36% vốn điều lệ).

Theo ông Dự, lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ mở mũi đột phá. Lý do là, theo lộ trình cải tổ thị trường điện của Chính phủ, thị trường điện sẽ không còn độc quyền của EVN. Giá điện vì thế sẽ dần vận hành theo cơ chế thị trường và “sân chơi” ngành điện sẽ rộng cửa cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, logistics đang hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực diễn ra nhiều thương vụ lớn trong thời gian tới. Với quy mô 1.300 DN, tổng chi phí dịch vụ kho vận Việt Nam gần đây đã đạt mức gần 40 tỷ USD, Việt Nam đang trở thành “cứ điểm sản xuất” của Samsung, LG, Panasonic, Bridgestone…, nên nhiều công ty kho vận Việt Nam đang trong tầm ngắm của DN nước ngoài.

Một ngành khác cũng là “miền đất hứa” cho các thương vụ M&A là lĩnh vực y - dược. Theo BMI Research, trong năm 2016, mức chi tiêu của ngành dược đạt 4,7 tỷ USD, dự báo tăng lên 7,2 tỷ USD vào năm 2020 và sẽ duy trì đà tăng trưởng trên 10% trong 5 - 10 năm tiếp theo. Còn ở lĩnh vực y tế, theo ghi nhận của BMI, mức chi tiêu cũng tăng rõ rệt, từ 13,9 tỷ USD năm 2015 lên đến 14,9 tỷ USD trong năm 2016.

Cần đột phá chính sách

Theo ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corp, hiện vẫn còn một số lĩnh vực chưa mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, như dịch vụ bán lẻ, hậu cần và dịch vụ tài chính. Khi thị trường mở cửa nhiều hơn sẽ thu hút vốn đầu tư nhiều hơn, trong đó có thông qua hoạt động M&A.

Còn theo ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), rào cản lớn với M&A tại Việt Nam là vấn đề chính sách.

“Việt Nam cần hoàn thiện các quy định liên quan đến các chính sách, bao gồm cả quy định liên quan đến giao dịch M&A. Những chính sách này cần đảm bảo quyền lợi cho cả phía Việt Nam và DN nước ngoài, tránh những thủ tục rườm rà và không cần thiết. Hơn nữa, việc giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng cũng cần phải chặt chẽ, minh bạch hơn để đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng”, ông Hong Sun nói.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/kich-hoat-thuong-vu-ma-quy-mo-trong-nam-2017-d67899.html