Kịch Lưu Quang Vũ - Những vấn đề của đời sống

Nhà viết kịch đầy tài năng Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) ra đi đã tròn 25 năm. Sân khấu Việt Nam cho đến hôm nay vẫn chưa có một tác giả nào có thể lấp được khoảng trống Lưu Quang Vũ để lại.

Cố NSND Trọng Khôi và NSƯT Mỹ Dung trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.

Hiện tượng Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ đến với sân khấu khi sân khấu đang đòi hỏi hết sức khẩn thiết phải đổi mới. Hiện thực cuộc sống được phơi bày. Cái tốt có, cái xấu có. Cái lý tưởng đang dần phai nhạt và cái tầm thường đang trỗi dậy, có cơ lấn lướt... Trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 1980, Lưu Quang Vũ còn là tác giả trẻ và mới, thì đến năm 1985 “hiện tượng Lưu Quang Vũ” là một phát hiện hiếm thấy. Tám vở kịch của anh tham gia hội diễn thì 6 vở được tặng thưởng Huy chương vàng, 2 vở Huy chương bạc. Đây là con số kỷ lục.

Sự xuất hiện rực rỡ của một tài năng mới đã gây được sự chú ý đặc biệt trong dư luận. Cho đến lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Lưu Quang Vũ đã viết trên 50 vở kịch, hầu hết đều đã được dàn dựng. Đây cũng lại là con số kỷ lục của một tác giả, khi tuổi đời vừa tròn 40.

Lưu Quang Vũ có một khả năng quan sát, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của đời sống một cách nhanh nhạy, sắc sảo và tinh tế cùng với tri thức giàu có về nhiều mặt. Lưu Quang Vũ rất tài trong việc đưa những chi tiết có thật trong cuộc sống trở thành những chi tiết nghệ thuật mang sức khái quát, có ý nghĩa mà không sống sượng; đồng thời đưa tác phẩm nghệ thuật phổ biến vào đời sống một cách thoải mái như cuộc sống đang được trung thực tái hiện lại.

Hơi thở cuộc sống

Kịch của Lưu Quang Vũ, ngoài sự phát hiện, xây dựng nên những nhân vật mang dáng nét con người mới hôm nay và ngày mai, tác giả còn không ngần ngại phê phán các kiểu nhân vật tiêu cực có thật trong đời sống, thuộc đủ mọi giai tầng, những nhân vật trước kia người ta thường né tránh. Thế giới nhân vật kịch của Lưu Quang Vũ rộng lớn. Từ cổ tích, dân gian như: Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá... Từ lịch sử, dã sử như: Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa hay lịch sử hiện đại như Sống mãi tuổi 17, Hẹn ngày trở lại, Chết cho điều chưa có, Nữ ký giả, Vách đá nóng bỏng...

Nhưng chủ yếu nhất vẫn là những tác phẩm về đề tài hiện đại. Có thể thấy trong kịch Lưu Quang Vũ có mặt nhiều ngành nghề, công việc của đời sống hôm nay như công nghiệp, sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp... (Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa), ngành y tế (Nguồn sáng trong đời, Hạnh phúc của người bất hạnh), ngành giáo dục (Mùa hạ cuối cùng)...

Vở kịch Tôi và chúng ta là quá trình đấu tranh tìm ra chỗ đứng chân chính của mỗi người trong cuộc sống. Tiếp theo mạch Tôi và chúng ta là Khoảnh khắc và vô tận, đây là một vở kịch có dung lượng đời sống được dồn nén, ắp đầy. Những vấn đề bức thiết của cuộc sống, có thể nói chưa bao giờ được Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu ào ạt như trong năm 1988. Chỉ trừ có Ngọc Hân công chúa là soi vào lịch sử, còn mọi vở diễn đều mang hơi thở cuộc sống được trình diễn, xem xét ở những bình diện khác nhau. Quyền được hạnh phúc tập trung những tư tưởng dân chủ cao nhất của Lưu Quang Vũ, được xây dựng bằng những chuyện có thật trong cuộc đời. Ông không phải bố tôi là sự đan xen xót xa giữa quá khứ ấu trĩ vừa qua và hiện tại cuộc sống hôm nay. Ai đã từng xem Lời thề thứ chín mà không khỏi băn khoăn trước cuộc sống hiện tại. Mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương, người lính đang cầm súng bảo vệ Tổ quốc và gia đình của người lính... Chỉ đến vở Lời thề thứ chín mới được nhìn nhận một cách khá toàn diện, xác thực.

Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt là đỉnh cao trong kịch Lưu Quang Vũ, và có lẽ cũng là đỉnh cao của kịch nói nước nhà cho đến hôm nay. Vở được Lưu Quang Vũ xây dựng bằng phương pháp ẩn dụ. Ý nghĩa câu chuyện không được trình bày thẳng băng, cụ thể; mà thông qua cuộc đấu tranh hết sức khốc liệt, phức tạp giữa phần hồn và phần xác; tác giả muốn đề cập đến vấn đề mang tầm khái quát cao, đó là: sự tha hóa của con người tốt trong môi trường xấu. Có thể thấy một điều: con người đang làm hỏng dần cuộc sống và đối lại, cuộc sống đang hủy diệt những phần tốt đẹp của con người. Vở kịch triết lý sâu sắc về cuộc sống ở mọi tầng ý nghĩa của nó.

Nắm bắt được những vấn đề bức thiết của đời sống, do vậy, kịch của anh phản ánh được những vấn đề thời sự nóng bỏng trong cuộc sống, cũng như nhìn thấy những mâu thuẫn đang tồn tại, nên kịch Lưu Quang Vũ đã nói được nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Khi nghệ thuật đồng hành được cùng “tâm trạng xã hội “thì tác dụng của nó đối với đời sống to lớn biết chừng nào. Lưu Quang Vũ đã làm được điều ấy. Anh viết vở kịch cuối cùng Điều không thể mất là một lời nhắn gửi, tin tưởng vào cuộc đời, vào con người...

CAO MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/sankhau/2013/8/325849/