Kiếm sống theo đơn hàng

Trong số hơn 70 hội viên thuộc chuyên ngành điêu khắc của Hội Mỹ thuật TPHCM, chỉ có khoảng 1/3 sáng tác, số còn lại hầu hết không làm nghề vì nhiều lý do

Xưởng điêu khắc của nhóm điêu khắc Sài Gòn (nằm trên đường Kha Vạn Cân, Q. Thủ Đức - TPHCM) lúc nào cũng rộn ràng. Mỗi người đảm trách một việc, cùng nhau hoàn thành những bộ tượng, những công trình trang trí. Nhưng đó không phải là những công việc tâm huyết đúng nghĩa của họ, mà nói như nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh: “Chúng tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng để kiếm sống thôi”. Khó sống được với nghề Nhà điêu khắc Lê Minh Huy, Trưởng Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, nói rằng để theo đuổi nghề điêu khắc lâu dài, nghệ sĩ cần phải có một niềm yêu thích thật sự và muốn thành danh thì cũng phải mất ít nhất 5 năm. “Phải lăn lộn với nghề, tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật và không chú trọng đến lợi ích kinh tế mới có thể thành công được – mà đó chỉ là thành công về mặt sáng tạo” - anh nhận xét. Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật TPHCM, cũng đồng thuận với góc nhìn này. Ông nói: “Điêu khắc không dễ sống được với nghề, trong số hơn 70 hội viên thuộc chuyên ngành điêu khắc của Hội Mỹ thuật TP, chỉ có khoảng 1/3 đội ngũ là còn sáng tác, còn lại hầu hết không theo đuổi nghề. Những người trẻ sau khi ra trường cũng không sống được với nghề. Nếu yêu nghề, họ phải làm song song một công việc khác vài ba năm mới có thể quay trở lại sáng tác được”. Thật vậy, lực lượng nghệ sĩ điêu khắc bao nhiêu năm qua vẫn chỉ có những thành viên đam mê tận tụy với nghề. Các thế hệ sinh viên ra trường hằng năm cũng không bổ sung được vào lực lượng sáng tác. Có người làm công việc liên quan chút ít đến điêu khắc nhưng chủ yếu là làm chi tiết cho các công trình xây dựng, kiến trúc. Trong khi đó, có người phải làm những công việc không liên quan gì đến điêu khắc để kiếm sống. Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh nói vui: “Không ai làm giàu được với điêu khắc nhưng dân điêu khắc theo nghề, làm việc làng nhàng theo đơn đặt hàng cũng tạm sống được”. Nghệ sĩ điêu khắc chỉ có thể sống với nghề bằng cách “làm theo đơn đặt hàng”. Trong ảnh: Điêu khắc gia Nguyễn Anh On đang tạc bức tượng theo đơn đặt hàng của một nhà thờ ở Mỹ Tuy nhiên, anh bộc bạch rằng với một nghệ sĩ điêu khắc, hạnh phúc lớn nhất là được sáng tạo. Cũng vì vậy mà hằng năm. Nhóm Điêu khắc Sài Gòn vẫn cùng nhau tổ chức sáng tác, triển lãm, bằng nỗ lực của từng cá nhân để có một không gian cho niềm đam mê thật sự. Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nhìn nhận: “Nghệ sĩ phải hy sinh rất nhiều nhưng có thể nói điêu khắc đang bị bỏ quên và sự thật là nghệ sĩ điêu khắc hiện nay không thể sống được với nghề”. Hầu hết các nhà điêu khắc thuộc nhóm Điêu khắc Sài Gòn và Nhóm Không gian mới hiện nay đều làm việc tại xưởng điêu khắc riêng, với các sản phẩm theo đơn đặt hàng là chính. Đó cũng là cách để họ sống đàng hoàng với công việc của mình. Tuy vậy, họ cũng ưu tư: “Khi nghệ sĩ không sống được với chính niềm đam mê của họ thường xuyên thì sự đam mê sáng tạo nghệ thuật sẽ bị mài mòn...”. Đưa điêu khắc vào quy hoạch đô thị Một trong những nguyên nhân khiến các tác phẩm điêu khắc cứ bị trôi vào quên lãng sau các cuộc triển lãm, theo nhiều nhà điêu khắc, chính là việc không chú trọng đưa tác phẩm ngoài trời vào quy hoạch các công trình công cộng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thiếu chính sách đãi ngộ, hỗ trợ sáng tác cho các nghệ sĩ điêu khắc. Các xưởng điêu khắc được thành lập cũng chỉ do những nhóm điêu khắc tự thân vận động, xin giấy phép của Hội Mỹ thuật TPHCM để có thể chính thức hoạt động. Bản thân người làm nghề cũng tự xoay vốn, tự tạo nguồn để duy trì hoạt động của xưởng và sáng tác nghệ thuật. Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn cho biết TP cũng có cấp kinh phí hỗ trợ cho nghệ sĩ trong những dịp mở trại sáng tác nhưng chỉ lác đác, luân phiên và không đủ vào đâu so với kinh phí thực hiện tác phẩm. Họa sĩ Uyên Huy đặt vấn đề: “Nhà nước nên quy định mỗi công trình xây dựng cần có quy hoạch không gian cho nghệ thuật điêu khắc. Bên cạnh đó, cũng nên phát triển mảng tượng danh nhân, tượng công viên thay vì chỉ chú trọng vào mảng tượng đài lịch sử, đồng thời phân vùng trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương để công tác bảo quản được tốt hơn”. Theo đúc kết của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn thì: “Đã đến lúc cần phải đặt vấn đề văn hóa nghệ thuật cho không gian sống tại TP chứ không chỉ quan tâm về kinh tế. Nếu có môi trường thích hợp, tôi tin rằng điêu khắc sẽ phát triển bền vững và góp phần tạo nên sắc thái mới mẻ cho TPHCM”. Hình thành thị giác thẩm mỹ của công chúng Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn dẫn chứng ở nhiều nước phát triển, nhà nước quy định dành từ 1% đến 5% kinh phí công trình cho trang trí nghệ thuật (điêu khắc và hội họa) và chủ đầu tư phải tuân thủ. Đó là cách xây dựng mỹ quan đô thị và hình thành thị giác thẩm mỹ của công chúng. Ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, điêu khắc rất được quan tâm, hầu như công trình nào, đường phố nào cũng có bóng dáng các tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Vì vậy mà hoạt động của các nhà điêu khắc ở đây cũng sôi nổi hơn. “Nhiều nơi tại TPHCM, các tác phẩm điêu khắc và cảnh quan phải nhường chỗ cho nhu cầu xây dựng tràn lan. Điều đó xảy ra là vì chúng ta chưa ý thức được vai trò quan trọng của các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng đối với đời sống cư dân đô thị”– nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn nhận định. 192.168.4.115

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100902112021533p0c1020/kiem-song-theo-don-hang.htm