Kiếm tiền tỷ nhờ làm giàu từ cây 'ai dùng cũng khỏe'

Nói về làm giàu, 'vua sâm' ước tính bình quân 20 gốc sâm 12 đến 15 tuổi sẽ cho một kg thì cả vườn của ông có khoảng 6,5 tấn sâm củ, tương đương 250 tỷ đồng.

Giá trị của nhân sâm - "ai dùng cũng khỏe"

Nhân sâm có rất nhiều thành phần bổ dưỡng: acid amin, acid béo, nguyên tố đa vi lượng, và đặc biệt nhiều chất chống oxy hóa. Nhưng quan trọng nhất, nhân sâm chứa một hóa chất mang tên saponin. Khi vào đến cơ thể, saponin sẽ sản sinh ra một số hoạt chất mang tên ginsenoside. Chất này tăng cường trực tiếp đến hệ miễn dịch, hệ chuyển hóa, nội tiết và cả hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể hoạt động cực kỳ hiệu quả.

Nói cách khác, saponin giúp thanh lọc mạch máu và cơ quan giống như được rửa bằng xà bông (Saponin xuất phát từ Sapona trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là xà phòng).

Nhưng saponin trong nhân sâm lại là những loại vô cùng đặc biệt, có công dụng mạnh hơn rất nhiều so với các loại cây thông thường. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng nhân sâm có thể chữa được cả ung thư. Và đó chính là lý do vì sao nhân sâm là một trong những dược liệu có giá thành đắt đỏ và được ưa chuộng nhất trên thế giới.

Sâm Ngọc Linh có giá thành khoảng 50 triệu đồng/kg. Ảnh: Vnexpress

Theo ghi nhận từ Bộ Y tế Việt Nam, sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định. Chính yếu tố này đã đưa sâm Ngọc Linh thành loại sâm có hàm lượng saponin lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 14 acid béo, 16 acid amin (trong đó có 8 acid amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa vi lượng.

Cũng vì quý hiếm và nhiều công dụng thực tiễn, nhu cầu tiêu thụ sâm Ngọc Linh tăng cao kéo theo sự khai thác triệt để của con người trong khi loại sâm này mất tới 10 năm để trưởng thành. Bởi vậy, giá sâm Ngọc Linh vô cùng cao, có khi hơn sâm Hàn Quốc tới cả chục lần.

Làm giàu bạc tỷ nhờ trồng nhân sâm

Anh Hà Văn Đại, sinh năm 1981 là một trong những gương tiêu biểu của huyện Kon Plong (Kon Tum) trong quá trình khởi nghiệp. Năm 2002, một mình từ Nghệ An vào Kon Tum tìm việc, Hà Văn Đại luôn nung nấu ước mơ làm giàu từ cây dược liệu. Năm 2009, anh Đại kinh doanh cây dược liệu bằng việc ăn chênh lệch nhờ mua đi bán lại củ sâm dây. Sau một thời gian, nhận thấy nguồn hàng khan hiếm, anh Đại mạnh dạn nghĩ đến phương pháp nhân giống sâm dây.

Nói là làm, anh Đại lên phía thượng nguồn vùng đất Kon Plong, tìm hiểu khí hậu, thổ nhưỡng và đầu tư mua 7ha đất rừng với giá 350 triệu đồng để thực hiện dự án nhân giống cây dược liệu của mình. Hiện nay, anh Đại đã trồng gối lứa liên tục gần 500.000 cây giống sâm dây và sâm đương quy mỗi năm. Chia sẻ về kỹ thuật trồng sâm, anh Đại cho biết trong quá trình gieo trồng anh gặp nhiều khó khăn, phải tập trung cải tạo, xử lý đất, gieo hạt rồi cho phủ lá thông lên bề mặt đất để giữ đủ độ ẩm cho cây sâm giống phát triển.

Từ hai bàn tay trắng, đến nay anh Đại đã có tổng diện tích ươm trồng gần 7ha các loại sâm dây, sâm đương quy và một số loại cây dược liệu khác tại xã Đăk Long, huyện Kon Plông (Kon Tum) cho thu nhập trên 800 triệu đồng mỗi năm.

Đại gia Hồ Văn Du làm giàu từ nhân sâm. Ảnh: Vnexpress

Cũng nhờ hơn 30 năm trồng sâm ở vùng núi Ngọc Linh (Quảng Nam) mà đến nay, những người dân Xê Đăng sống ở huyện nghèo nhất nước đã trở thành đại gia khi sở hữu vườn sâm trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Ông Hồ Văn Du là người tiên phong trong trồng sâm làm giàu. Ở vùng Ngọc Linh, người dân vẫn gọi ông là “vua sâm”.

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nhận thấy cây sâm gần như tuyệt chủng nên ông Du bắt đầu đi rừng tìm cây này về nhân giống, cứ như vậy đến bây giờ, ông Du sở hữu vườn sâm rộng đến 5 ha.

Vườn sâm Ngọc Linh của ông Du có gần 130.000 gốc, trong đó trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi. Cây sâm càng nhiều tuổi càng giá trị. Thấp nhất loại sâm trên 5 tuổi khoảng 40 triệu đồng một kg, loại hơn 10 tuổi giá gấp đôi. "Vua sâm” ước tính bình quân 20 gốc sâm 12 đến 15 tuổi sẽ cho một kg thì cả vườn của ông có khoảng 6,5 tấn sâm củ, tương đương 250 tỷ đồng.

Ở xã Trà Linh, 500 hộ thì đến 95% hộ là trồng sâm. Ngoài ông Du còn có Hồ Văn Dê (em trai ông Du), Hồ Văn Hình… cũng được xem là đại gia, sở hữu hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh có giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Lượng, một đại gia của xã năm 2016 trồng khoảng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh, trong đó khoảng 3.000 gốc 6 năm tuổi chờ thu hoạch. Thời gian đó, anh đã xuất bán 1.000 gốc sâm gần 10 năm tuổi cho các thương lái ở TP HCM và Hà Nội. Nhờ có kinh nghiệm thực tế nên mỗi năm, anh có thể nhân ra hàng trăm gốc sâm giống. Vì vậy, vườn sâm cứ rộng dần theo thời gian. Cũng vì diện tích trồng sâm ngày càng rộng ra nên anh Lượng phải thuê 10 nhân công về chăm sóc.

Có tiền trong tay, có mối quan hệ với bạn hàng nên từ vùng đất gần như biệt lập này, anh Lượng đã có những chuyến bay ra Hà Nội để làm việc và tính chuyện làm ăn lớn với đối tác. Đó là việc mà trước đây có nằm mơ, những người dân Xê Đăng này cũng không thấy.

Dũng Linh (T/h)

Nên đọc

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/kiem-tien-ty-nho-lam-giau-tu-cay-ai-dung-cung-khoe-d119961.html