Kiểm toán môi trường - công cụ quản lý hiệu quả nhưng 'còn mới mẻ' ở Việt Nam

Việc luật hóa hoạt động kiểm toán môi trường thể hiện hoạt động này đang được xem là xu thế trong quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở Việt Nam trong thời gian tới.

Công nhân chăm sóc, cắt tỉa cây xanh ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Kiểm toán môi trường không còn xa lạ ở các nước có nền công nghiệp hiện đại nhưng lại rất mới mẻ đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cùng với các công cụ quản lý truyền thống, kiểm toán môi trường được ghi nhận như một công cụ hiệu quả trong công tác quản lý môi trường và là một kênh cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.

Công cụ hiệu quả

Kiểm toán môi trường là khái niệm rộng, tùy theo từng quốc gia, tổ chức quốc tế và tùy theo mục đích (đánh giá hậu quả tác động môi trường hoặc đánh giá sự tuân thủ các quy định pháp luật trong công tác quản lý môi trường) hoặc đối tượng cần kiểm toán. Hiện chưa có định nghĩa duy nhất về kiểm toán môi trường.

Ngân hàng Thế giới cho rằng kiểm toán môi trường là hoạt động kiểm tra tổ chức, cơ sở hoặc địa điểm nhằm xác định mức độ tổ chức, cơ sở này đạt các tiêu chí về quản lý môi trường.

Theo Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kiểm toán môi trường nhằm xác định ưu, nhược điểm của hệ thống quản lý môi trường của cơ sở; đánh giá mức độ tuân thủ của cơ sở đối với các quy định về môi trường của quốc gia/địa phương hoặc quốc tế và giảm thiểu tác động đối với con người, môi trường do các vấn đề ô nhiễm, sự cố môi trường, cải thiện công tác quản lý môi trường.

Trong giai đoạn đầu, kiểm toán môi trường tập trung vào đánh giá sự tuân thủ của các cơ sở đối với các văn bản pháp luật, những quy định về môi trường trong các văn bản pháp luật.

Sau này, khi các vấn đề môi trường ngày càng mở rộng và phức tạp, kiểm toán môi trường được phát triển và bao trùm nhiều dạng khác nhau như kiểm toán năng lượng, kiểm toán chất thải, kiểm toán nguyên vật liệu, kiểm toán vận chuyển, kiểm toán tác động.

Trên thế giới hiện có hai loại hình kiểm toán môi trường là kiểm toán đánh giá tuân thủ và kiểm toán hệ thống quản lý. Kiểm toán đánh giá tuân thủ là loại hình phổ biến nhất nhằm xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ luật pháp của công ty/tổ chức/dự án trong quá trình vận hành.

Nhật Bản là quốc gia có chương trình kiểm toán môi trường phát triển nhất ở châu Á. Theo các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), năm 1997 Bộ Môi trường Nhật Bản đã tiến hành những dự án nghiên cứu đầu tiên về kiểm toán môi trường.

Bộ Môi trường và Bộ Công thương Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong quá trình hướng dẫn và thúc đẩy triển khai ứng dụng kiểm toán môi trường tại các doanh nghiệp.

Trong hai năm 1999-2000, Bộ Môi trường Nhật Bản nghiên cứu và công bố hướng dẫn kiểm toán môi trường tập trung vào kế toán chi phí môi trường và lợi ích môi trường cho mục đích báo cáo ra bên ngoài. Đây là những hướng dẫn mang tính tự nguyện không bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Đầu năm nay, Đoàn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 22 Nhóm Công tác về Kiểm toán Môi trường INTOSAI WGEA tại Phần Lan. (Ảnh: TTXVN phát)

Song song với quá trình nghiên cứu và hướng dẫn của Bộ Môi trường, Bộ Công thương Nhật Bản cũng tiến hành nghiên cứu các dự án về kiểm toán môi trường phục vụ cho mục đích quản trị nội bộ.

Thực hiện kiểm toán môi trường, hai tập đoàn hàng đầu Nhật Bản là Toyota và Canon đã thu hàng tỷ Yên mỗi năm do cắt giảm năng lượng sử dụng, giảm thiểu chi phí chế biến chất thải và công nghệ sản xuất sạch hơn.

Lợi ích lớn

Ở Việt Nam, mặc dù kiểm toán môi trường đã được một số tổ chức, đơn vị thực hiện nhưng đến nay chưa có hướng dẫn kỹ thuật chung nhất. Do vậy, trong một số trường hợp, các nội dung kiểm toán môi trường được lồng ghép vào các cuộc kiểm toán tài chính hay quy trình thanh tra, kiểm tra.

Với mục tiêu đưa kiểm toán môi trường trở thành công cụ quản lý sắc bén và hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về nội dung kiểm toán môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, kiểm toán môi trường là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 74 quy định chi tiết một số nội dung về thực hiện kiểm toán môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện kiểm toán môi trường mà chưa có yêu cầu bắt buộc.

Mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể tự thực hiện kiểm toán môi trường nếu có đầy đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật hoặc thuê một đơn vị tư vấn có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và các điều kiện khác tư vấn, lập báo cáo kiểm toán môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự kiểm toán môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Việc luật hóa này thể hiện kiểm toán môi trường đang được xem là xu thế và là định hướng trong hoạt động quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở Việt Nam thời gian tới.

Thạc sỹ Hàn Trần Việt (Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo) cho rằng thực hiện kiểm toán môi trường giúp cơ sở phát hiện ra những vấn đề rủi ro liên quan tới sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên vật liệu, phế liệu; từ đó có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất.

Tình nguyện viên nhặt rác tại khu vực bờ kè biển Vĩnh Trường, sát bến tàu du lịch Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Các cơ sở tính toán, kiểm tra, quản lý được thành phần và khối lượng chất thải phát sinh để giảm chi phí cho việc xử lý chất thải, xử lý, khắc phục ô nhiễm.

Các cơ sở rà soát, cải thiện việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần hỗ trợ các cơ sở thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện kiểm toán môi trường hỗ trợ cơ sở phát hiện điểm mạnh, điểm yếu trong hệ thống quản lý môi trường, vận hành khác liên quan đến môi trường để liên tục cải tiến.

Đặc biệt, thông qua thực hiện kiểm toán môi trường, Chính phủ sẽ thấy được mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường của đơn vị; phát hiện những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường như việc chấp hành chế độ thu, chi, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường.

Kiểm toán môi trường cũng chỉ ra những bất cập của các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường.

Trên cơ sở những tồn tại, bất cập phát hiện được, kiểm toán viên sẽ đưa ra kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo đang lấy ý kiến góp ý hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự kiểm toán môi trường của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Việc xây dựng và ban hành “Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự kiểm toán môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” nhằm cung cấp thông tin tổng quan về quy trình thực hiện, nội dung và phương pháp để hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện kiểm toán môi trường, hướng tới mục tiêu áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.

Bà Abe Fumika, Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá việc ban hành hướng dẫn kiểm toán môi trường là một bước rất quan trọng trong phát triển và hợp tác, quản lý môi trường của JICA và Việt Nam.

JICA cam kết hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam trong lĩnh vực môi trường nói chung và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm triển khai kiểm toán môi trường nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kiem-toan-moi-truong-cong-cu-quan-ly-hieu-qua-nhung-con-moi-me-o-viet-nam-post945416.vnp