Kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp còn quá rộng, thiếu mã số HS

Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trong lĩnh vực nông nghiệp còn tồn tại ở hầu hết các mảng kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) lẫn kiểm tra chất lượng.

CBCC Hải quan cảng Hải phòng KVII kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Q.Hùng

Còn danh mục thiếu mã số HS

Theo của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) - cơ quan thường trực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và KTCN, trong lĩnh vực kiểm tra ATTP hàng hóa XNK, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP trước thông quan kèm mã số HS tại Quyết định số 4069/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/10/2015. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm hàng chưa chi tiết tên hàng và mã số HS. Cụ thể như sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm có chứa mật ong, sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa, dụng cụ, vật liệu, bao gói chứa đựng thực phẩm… Danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan cũng rất rộng.

Về kiểm dịch, Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật và Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản trước khi thông quan được ban hành theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT. Thế nhưng các danh mục này chưa chi tiết tên hàng và chưa có mã số HS nên dẫn đến phạm vi hàng hóa phải kiểm dịch rất rộng. Ví dụ: Các sản phẩm từ thịt, các sản phẩm từ sữa…

Theo kết quả thống kê của Tổng cục Hải quan trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, năm 2016, có trên 400.000 tờ khai XNK phải kiểm dịch. Trong đó có 49 tờ khai phát hiện vi phạm, chiếm 0,01% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra.

Trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng, hiện nay, Danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định tại Thông tư 50/2009/TT-BNNPTNT ngày 18/8/2009 và Thông tư 50/2010/TT-BNNPTNT ngày 30/8/2010. Tuy nhiên, Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng trước thông quan có phạm vi quá rộng, bao trùm gần như toàn bộ hàng hóa thuộc diện quản lý của Bộ này.

Bên cạnh đó, Danh mục cũng chưa chi tiết tên hàng và chưa kèm mã HS theo Danh mục hàng hóa XNK. Nhiều hàng hóa phải kiểm tra nhưng chưa quy định quy trình, thủ tục kiểm tra, chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật. Điều này gây khó khăn cho cả DN lẫn cơ quan hải quan khi thực thi.

Chồng chéo trong kiểm tra ATTP và kiểm dịch

Bên cạnh vấn đề danh mục hàng hóa phải kiểm tra quá rộng, hiện có nhiều mặt hàng vừa thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch, vừa thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP.

Cụ thể như mặt hàng sữa chua, sữa bột, phô mai, bột mì… vừa phải kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phải kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Công Thương.

Nhiều mặt hàng vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra ATTP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện như thịt và các sản phẩm từ thịt, sữa, sản phẩm từ sữa, thực phẩm có nguồn gốc thực vật chưa chế biến sâu…

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành (Y tế và Công Thương) rà soát Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch và Danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP trước thông quan theo hướng: Chỉ áp dụng một hình thức kiểm tra trước thông quan, rút gọn danh mục hàng hóa phải kiểm tra đặc biệt đối với các mặt hàng đã qua chế biến sâu.

Trường hợp đối với mặt hàng có độ rủi ro cao cần phải thực hiện cả 2 loại hình kiểm tra thì thống nhất đưa về một đơn vị/cơ quan đầu mối. Tránh việc DN phải đến hai cơ quan kiểm tra cho cùng một mặt hàng NK.

Đối với những bất cập về danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng còn quá rộng, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP, theo đó quy định rõ 2 loại danh mục: Hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan (có độ rủi ro cao) và hàng hóa kiểm tra trước khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ (có độ rủi ro thấp). Với danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan cần ban hành chi tiết tên hàng và đầy đủ mã số HS.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị cần thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa NK theo hướng quản lý trên cơ sở đánh giá theo mức độ rủi ro của hàng hóa XNK và mức độ tuân thủ pháp luật của DN, áp dụng chế độ DN ưu tiên. Chuyển thời điểm kiểm tra sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan, trừ trường hợp mặt hàng NK có nguy cơ cao về ATTP. Đồng thời áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận.

Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý, KTCN với hàng hóa XNK tại Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thú y theo hướng áp dụng phương thức QLRR trên cơ sở mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của DN.

Tại Quyết định 2026/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung 49 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN đối với hàng hóa XNK. Theo kết quả rà soát của Bộ Tài chính tính đến ngày 20/8/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sửa đổi, bổ sung được 41/49 văn bản. Tuy nhiên, có 2 văn bản đã ban hành thay thế văn bản cũ nhưng chưa đáp ứng đúng theo yêu cầu (danh mục hàng hóa chưa có mã số HS), cụ thể: Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch thay thế Quyết định 45/2006/QĐ-BNN; Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch thay thế Thông tư 32/2012/TT-BNNPTNT. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện sửa đổi 8 văn bản còn lại, trong đó có 6 văn bản pháp quy và 2 Danh mục hàng hóa.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hang-hoa-kiem-tra-chuyen-nganh-linh-vuc-nong-nghiep-con-qua-rong-thieu-ma-so-hs.aspx