Kiểm tra đồ biến đổi gen, dân phải chi 13 triệu đồng

- Quy chế quản lý an toàn sinh học với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen đã được ban hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, hiện chưa có một phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế về đánh giá sự có mặt thực phẩm biến đổi gen (GMO) khiến việc quản lý loại thực phẩm này rất khó khăn.

700 USD Theo GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, không thể phân biệt được thực phẩm GMO bằng mắt thường, chỉ có cách đưa chúng vào phòng thí nghiệm. Mỗi chỉ tiêu phân tích, ít cũng vài chục nghìn, nhiều lên đến tiền triệu. Để kết luận một mẫu thực phẩm có phải là thực phẩm GMO hay không phải dựa vào hàng chục chỉ tiêu, số tiền phân tích là không nhỏ. Là người rất tâm huyết và nhiều năm làm trong lĩnh vực này, PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện chi phí kiểm định thực phẩm GMO đang là cản trở lớn cho công tác quản lý. Giá giám định khoảng 250 USD/ một mẫu định tính, 450 USD/ mẫu định lượng. Nếu cả định tính và định lượng phải mất 700 USD (tương đương 13,3 triệu đồng). Tại Việt Nam việc kiểm định định tính mẫu thực phẩm GMO được thực hiện khá nhiều Viện nghiên cứu, tuy nhiên, số đơn vị làm được mẫu định lượng đếm chưa đủ đầu ngón tay số lượng. “Có thể do chí phí đầu tư trang thiết bị quá đắt. Một máy phân tích GMO có giá trên 1 tỷ đồng, nhưng có máy thôi chưa đủ, cần phải một hệ thống các thiết bị hỗ trợ kèm theo trị giá cũng gần đó tiền nữa. Như vậy, với số tiền hơn 2 tỷ đồng cho 1 phòng thí nghiệm, không phải đơn vị nào cũng có đủ tiền để đầu tư”- PGS.TS Lê Huy Hàm nói. Chưa có phòng thí nghiệm GMO đạt tiêu chuẩn thế giới PGS Hàm cũng nhấn mạnh, điều chúng ta thiếu, thậm chí cực thiếu hiện nay là một phòng thí nghiệm đánh giá sự có mặt của GMO trong thực phẩm. Ông phân tích: Có thể nguyên lý ai cũng nắm rõ và thực hiện trôi trảy, tuy nhiên, nếu chúng ta không liên kết với các phòng thí nghiệm trên thế giới để được công nhận lẫn nhau thì kết quả của chúng ta chỉ có giá trị tại Việt Nam mà thôi. Điều này rất bất lợi cho việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm ra thế giới. PGS Hàm cảnh báo, Trung Quốc đã tuyên bố sản xuất được gạo biến đổi gen, và chắc chắn sẽ xuất khẩu loại thực phẩm này. Chỉ tương lai gần thôi, gạo Việt Nam nếu không được kiểm tra và cấp chứng nhận không phải là thực phẩm GMO thì sẽ rất phức tạp trong hoạt động xuất khẩu. Đã không ít câu chuyện tương tự xảy ra với các loại nông sản, thực phẩm của ta khi xuất khẩu bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn thế giới như tôm chứa kháng sinh, hoa quả chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm… PGS Hàm cũng thú thật, hiện có rất nhiều đơn vị xuất khẩu thực phẩm đến Viện xin được xét nghiệm mẫu có chứa GMO hay không, nhưng ông cũng chỉ dám “nói nhỏ” với họ chứ không dám công bố bởi kết quả đó đâu có giá trị với quốc tế. Về điều này, GS.TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội KHCN Lương thực Thực phẩm Việt Nam, khá bức xúc khi cho rằng, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như những ảnh hưởng của thực phẩm GMO đối với đời sống kinh tế xã hội trong tương lai gần. “Cần nhấn mạnh, hiện 75% đậu tương và 30% ngô trên thế giới là cây chuyển gen”- GS Diên khẳng định, không thể không đặt dấu hỏi với những loại thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam có chứa GMO hay không? Những cảnh báo đã rõ nhưng nhìn lại những gì mà chúng ta đã làm thì không khỏi sốt ruột. Bởi, theo như lời hứa của các cơ quan quản lý nhà nước, năm 2009 sẽ hoàn tất hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành vào tháng 8/2005. Thời điểm này đã là 2010, vẫn chưa thấy dấu hiệu nào của sự có mặt những văn bản đó. Vậy phải đợi đến bao giờ? Thu Ba

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/2981/201004/Kiem-tra-do-bien-doi-gen-dan-phai-chi-13-trieu-dongII-1750256/