Kiểm tra hiệu suất năng lượng: Sẽ xem xét áp dụng quản lý rủi ro

(HQ Online)- Liên quan đến những khó khăn của DN về vấn đề dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất tối thiểu, ngày 26-4, Báo Hải quan đã có công văn gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương).

Theo quy định hiện hành các sản phẩm điện lạnh là một trong nhiều mặt hàng phải dán nhãn năng lượng. Ảnh: S.T.

Sau hơn 1 tháng chờ đợi, ngày 31-5, Tổng cục Năng lượng đã có công văn “phúc đáp” Báo Hải quan. Trước đó, ngày 30-6-2015, Báo Hải quan cũng đã có công văn gửi tới cơ quan này đề nghị trả lời phản ánh của một DN NK mặt hàng bóng điện led gặp khó khăn do quá trình thực hiện kiểm tra hiệu suất năng lượng quá nhiêu khê, tốn kém nhưng không có câu trả lời. Lần này tuy đã có trả lời báo chí nhưng các câu trả lời của cơ quan này rất chung chung và không cụ thể! Phải chăng DN vẫn phải tiếp tục chờ Bộ Công Thương "cải cách"?

Theo quy định của Tổng cục Năng lượng, DN không được sử dụng phiếu thử nghiệm của lô trước để thực hiện kiểm tra cho lô hàng sau, mặc dù hàng hóa NK giống hệt, cùng số serial/model, nhà sản xuất, xuất xứ. DN cho rằng quy định này gây tốn kém chi phí, đi ngược với Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Quan điếm của Tổng cục Năng lượng về vấn đề này?

Theo quy định tại Phương thức 7 của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá chứng nhận sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: “Phương thức 7: Căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hóa được lấy theo phương pháp xác suất thống kê cho lô sản phẩm, hàng hóa để ra kết luận về sự phù hợp của lô. Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa cụ thể và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo” và “Kết luận về sự phù hợp: Lô sản phẩm, hàng hóa đuợc xem là phù hợp với quy định nếu số lượng mẫu thử nghiệm có kết quả không phù hợp nằm trong giới hạn cho phép”. Như vậy, theo quy định của Thông tư số 28 thì mỗi lô hàng hóa đều phải lấy mẫu thử nghiệm.

Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK; Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của DN, rà soát và đơn giản hóa các thủ tục, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng quy trình kiểm soát rủi ro. Theo đó, đề xuất thực hiện kiểm tra xác suất các lô hàng hóa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng (cơ chế kiểm tra giảm) nhằm giảm thiểu các thủ tục chứng nhận chuyên ngành, vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu kiểm soát chất lượng hàng hóa XNK theo các quy định hiện hành.

Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu thiếu và chưa cụ thể. Xin cho biết ý kiến của Tổng cục Năng lượng về vấn đề này?

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu chi tiết như sau:

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21-11-2007; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một sỗ điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mói; Thông tư số 07/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng; Thông tư số 09/2012/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng; Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN quy định yêu cầu, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Căn cứ để đánh giá hiệu suất năng lượng là Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và được Bộ chủ quản quản lý quy định áp dụng. Như vậy hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quy chuẩn và hợp quy đã được xây dựng đầy đủ và chi tiết.

Được biết về nội dung sử dụng phiếu thử nghiệm trong trường hợp sản phẩm của DN đã được giám sát chất lượng tại nơi sản xuất, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Bộ Công Thương ban hành mẫu phiếu thử nghiệm trong trường hợp sản phẩm của DN đã được kiểm tra giám sát chất lượng tại nơi sản xuất ở nước ngoài để cơ quan Hải quan có cơ sở thực hiện. Cho đến nay, vấn đề này đã được thực hiện thế nào?

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Thông tư số 28 và TCVN7790-1:2007, việc kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa tại nhà máy sản xuất do cơ quan quản lý nhà nước của hàng hóa chuyên ngành thực hiện, đây không phải chức năng của của đơn vị thử nghiệm.

Đề xuất của Tổng cục Hải quan về ban hành mẫu phiếu thử nghiệm đối với trường hợp sản phẩm chứng nhận tại nguồn là do có sự nhầm lẫn giữa chức năng đơn vị thử nghiệm và chức năng của cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Thông thường, để đảm bảo kết luận đánh giá độc lập khách quan đối với chất lượng hàng hóa, việc thử nghiệm và chứng nhận được tiến hành độc lập. Hơn nữa công tác thử nghiệm và công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa được thực hiện tại các thời điểm khác nhau và tần suất kiểm tra khác nhau. Do đó sản phẩm được chứng nhận tại nhà máy sản xuất chỉ có thể do cơ quan chức năng thực hiện. Đối với sản phẩm đã được chứng nhận tại nguồn, cơ quan Hải quan cần sử dụng các Quyết định chứng nhận nhãn năng lượng thay cho Phiếu thử nghiệm như đề xuất.

Tại Quyết định 2026/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, Tổng cục Năng lượng có giải pháp gì để tạo thuận lợi cho DN, đơn giản hóa thủ tục dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu hàng hóa NK?

Trong thời gian tới, để thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu rà soát và đơn giản hóa các thủ tục thông qua việc xây dựng quy trình kiểm soát rủi ro. Theo đó, đề xuất thực hiện kiểm tra xác suất các lô đối với hàng hóa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng (cơ chế kiểm tra giảm) nhằm giảm thiểu các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tuy nhiên cơ chế kiểm tra xác suất vừa phải đáp ứng được yêu cầu kiểm soát chất lượng hàng hóa NK với giới hạn chất lượng chấp nhận được, vừa phải tính đến yếu tố rủi ro trong đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng .

Như vậy, với hàng hóa nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng hóa được sản xuất bởi DN đã được đánh giá có đủ năng lực sẽ được giảm tần suất kiểm tra thử nghiệm.

Tại Hội nghị đối thoại và gặp gỡ các doanh nghiệp vừa qua, chỉ ra một số hạn chế, Thủ tướng cho rằng, việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để doanh nghiệp phải chờ đợi; có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp; thực tế triển khai các cải cách chưa đạt như mục tiêu đề ra...

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố định kỳ hàng quý phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn. Quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trong đó có các giấy phép con; nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định của pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền. Thủ tướng cũng tán thành với đề xuất về việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp và cho biết sẽ chi đạo xây dựng một Nghị quyết riêng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.

(Nguồn: vietnamplus)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-tra-hieu-suat-nang-luong-se-xem-xet-ap-dung-quan-ly-rui-ro.aspx