Kiểm tra sau thông quan: Nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

(HQ Online)- Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn nhưng công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ qua số cuộc KTSTQ và số tiền truy thu về cho NSNN. Đặc biệt quan trọng hơn, công tác này đã theo dõi, đánh giá việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của DN tham gia hoạt động XNK, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN.

CBCC Chi cục KTSTQ - Cục Hải quan Hà Nội làm việc với DN tại trụ sở Chi cục. Ảnh: Hồng Vân

Ưu tiên KTSTQ các sai phạm

Theo báo cáo tại Hội nghị chuyên đề về KTSTQ tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 14 và 15-8, trong 7 tháng đầu năm 2013, toàn Ngành thực hiện 1.154 cuộc KTSTQ, trong đó có 153 cuộc tại trụ sở DN. Qua KTSTQ phát hiện, ấn định truy thu thuế 1.025 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN 801,4 tỷ đồng, đạt 70% chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phát hiện vi phạm trên tổng số cuộc KTSTQ trong 7 tháng đầu năm đạt cao (41,33%), cao hơn cùng kỳ năm 2012 (30,8%) và cao hơn mức trung bình năm 2012 (33,47%). Tỷ lệ số thực thu vào NSNN/tổng số quyết định ấn định chiếm tỷ lệ lớn (67,59%), cao hơn trung bình năm 2012 (64,19%).

Công tác KTSTQ tại các địa phương đã được triển khai có hiệu quả, tỷ lệ thu NSNN qua hoạt động KTSTQ cũng tương đối đồng đều giữa các cục hải quan tỉnh, thành phố, hầu hết các đơn vị đều đạt tỷ lệ từ 70 đến 90%. Trong đó phải kể đến một số đơn vị có số thu cao như: TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Huế, Tây Ninh, Đà Nẵng… Đặc biệt, một số đơn vị như Thanh Hóa (107,99%), Quảng Bình (94,45%)...

Đại diện Cục KTSTQ cho biết qua công tác theo dõi, đánh giá việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của DN tham gia hoạt động XNK cho thấy, tính tuân thủ pháp luật của DN ngày càng được nâng cao. Tính từ đầu năm đến 31-7-2013, qua theo dõi 1.115 DN thì có 422 DN tuân thủ tốt, 398 DN tuân thủ chưa tốt và 298 DN tuân thủ ở mức độ trung bình.

Có được kết quả như trên là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng KTSTQ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc xây dựng kế hoạch đã được Cục KTSTQ và các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai như: Kiểm tra các lĩnh vực có rủi ro cao, thực hiện các chuyên đề KTSTQ đối với các loại hình, mặt hàng trọng điểm. Cùng với đó, tập trung nguồn lực KTSTQ những DN có dấu hiệu vi phạm, thủ đoạn gian lận, trốn thuế gây thất thu NSNN, kịp thời phối hợp với các đơn vị để sửa đổi các quy định, chính sách phù hợp…

Tập trung những lĩnh vực rủi ro cao

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và nỗ lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của cả năm 2013, thời gian tới, lực lượng KTSTQ toàn Ngành sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp.

Đó là tăng cường thực hiện KTSTQ tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao, mặt hàng, DN trọng điểm. Theo đó, lãnh đạo các đơn vị cần chỉ đạo quyết liệt công tác KTSTQ, xem xét, bổ sung cán bộ có chuyên môn phù hợp trong các lĩnh vực để tham gia các đoàn kiểm tra. Đồng thời nghiên cứu, triển khai các đoàn kiểm tra có sự phối hợp giữa khâu trong và sau thông quan…

Đẩy mạnh tiến độ các cuộc KTSTQ, khẩn trương xử lý kết luận các cuộc kiểm tra ở giai đoạn hoàn thành, nhanh chóng củng cố hồ sơ, căn cứ pháp lý để ban hành quyết định ấn định thuế và xử phạt vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục KTSTQ sẽ chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện dứt điểm các cuộc KTSTQ có số thu lớn để kịp thời truy thu tiền thuế về NSNN. Các đơn vị cũng đã quyết tâm trong thu hồi nợ đọng lên hàng đầu, tập trung vào những đối tượng có khả năng nộp thuế, đối với đối tượng trây ỳ phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt.

Đôn đốc DN nộp đủ số tiền thuế đã ấn định vào NSNN. Đồng thời khi lựa chọn DN để KTSTQ cần có sự phân tích và tính tới khả năng thu để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.

Cùng với các mục tiêu, giải pháp về nghiệp vụ, vấn đề đầu tư trang thiết bị và xây dựng lực lượng cũng có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, Cục KTSTQ sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực KTSTQ đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020” theo tiến độ và kế hoạch đã được phê duyệt.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh quy định về KTSTQ và DN ưu tiên tại Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Hải quan (sửa đổi), Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi… để củng cố chính sách pháp lý về hoạt động KTSTQ.

Ông Nguyễn Trọng Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM:

KTSTQ là hậu kiểm, sau khi hàng hóa đã thông quan, đã thanh toán... Vì vậy hệ thống pháp lý về hoạt động KTSTQ phải đủ mạnh, trao quyền hơn nữa cho công tác KTSTQ. Cần có những cơ chế tương tự như cơ chế chống buôn lậu để tạo điều kiện cho hoạt động KTSTQ và cơ chế chi phối hợp, thưởng - phạt phù hợp để khuyến khích cán bộ.

Đặc biệt là vấn đề đào tạo nhân lực. Ngoài nghiệp vụ KTSTQ phải có nghiệp vụ kế toán, kiểm toán để so sánh, đối chiếu, tìm ra mâu thuẫn, bất hợp lý để đấu tranh với DN gian lận… Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho CBCC hoạt động KTSTQ, cùng với đó là hoàn thiện giáo trình và chương trình đào tạo.

Ông Mai Chí Dũng- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hóa:

Vướng mắc của hoạt động KTSTQ hiện nay là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Hiện chưa có chế tài bắt buộc đối với trường hợp cơ quan Hải quan mời DN đến làm việc nhưng không đến, hoặc khi kiểm tra ấn định thuế mà DN không chấp hành. Vì vậy, rất khó cho việc truy thu thuế và càng khó khăn khi không có cơ chế xử lý những trường hợp này. Bên cạnh đó, còn có khó khăn trong sự phối hợp giữa cục Hải quan địa phương với Cục KTSTQ. Vì vậy, cần tăng cường phối hợp để thông tin được đầy đủ hơn.

Đặc biệt, Cục KTSTQ cần tổ chức tập huấn nhiều hơn nữa để Hải quan địa phương cập nhật nghiệp vụ kịp thời, nắm được những vi phạm của DN, phương pháp, kinh nghiệm trong các vụ việc..., để tăng cường năng lực và kinh nghiệm hơn nữa cho cán bộ KTSTQ.

Ông Nguyễn Tiến Thọ- Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng:

Hoạt động KTSTQ là một hoạt động nghiệp vụ đặc thù, đòi hỏi CBCC thực hiện phải có kinh nghiệm và chuyên môn sâu. Nếu không có cơ sở vững chắc và không thống nhất giữa các cục hải quan thì rất khó truy thu thuế, khó trong việc đánh giá DN. Vì vậy, ngoài việc đào tạo, nâng cao trình độ cho CBCC, nếu cần thiết, đề nghị Cục KTSTQ trực tiếp vào cuộc, xử lý các vụ truy thu liên quan đến nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Sỹ Tráng- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng:

Sự đồng bộ, thống nhất cao trong KTSTQ giai đoạn vừa qua đã giúp cho hoạt động KTSTQ của từng địa phương đi vào nề nếp. Tuy nhiên, để hoạt động KTSTQ đạt hiệu quả hơn nữa thì việc giao chỉ tiêu KTSTQ cho các địa phương cần phải được nghiên cứu cho phù hợp. Bởi bên cạnh mục tiêu chống thất thu thuế thì các vấn đề khác như nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN cũng cần được xem như là một trong những chỉ tiêu quan trọng.

T.T (Lược ghi tại Hội nghị chuyên đề KTSTQ)

Thu Trang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-tra-sau-thong-quan-nang-cao-tinh-tuan-thu-phap-luat-cua-doanh-nghiep.aspx