Kiểm tra tài sản

Gần đây, số cán bộ cao cấp bị các cơ quan chức năng điểm mặt vì những sai phạm của họ so với quy định của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) có chiều hướng tăng.

Những cán bộ này (đều bị phát hiện sai phạm từ việc kiểm kê tài sản) có người đương chức, có người đã nghỉ hưu nhưng đều là bộ trưởng, thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy hoặc tương đương; nghĩa là việc chống tham nhũng không có vùng cấm, không chừa một ai.

Như thế là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đang được thực hiện quyết liệt, có bài bản, quy trình, không phải nghị quyết xong rồi để đó, Nhân dân xói mòn lòng tin như một số người nghĩ.
Kiểm tra tài sản là một biện pháp chống tham nhũng. Những cán bộ cao cấp, những người sắp được bổ nhiệm hay bị xem xét kỷ luật trước tiên phải kiểm tra tài sản. Kiểm tra tài sản để phát hiện trước khi được đề bạt hay xem xét kỷ luật, tài sản có bao nhiêu, nguồn gốc từ đâu mà có, có hợp pháp không và trong thời gian giữ chức vụ, tài sản biến động thế nào, tăng là bao nhiêu, bao nhiêu có nguồn gốc chính đáng, bao nhiêu do tham nhũng, tham ô, lợi dụng chức quyền mà có.
Mặt tích cực thì đã rõ. Nếu không đụng đến biệt phủ mênh mông của ông Phạm Sĩ Quý - Giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái thì làm sao biết được ông ta đã xây dựng biệt phủ ấy bằng tiền nào, tiền tham nhũng hay nuôi lợn, gà vịt, vào rừng khai thác chổi đót?
Nếu không kiểm tra tài sản thì sao biết ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ phải làm đầu tắt mặt tối đến “thối móng tay” ở tỉnh Bến Tre để có tiền xây biệt phủ nổi tiếng khắp nước hay không.
Nếu không kiểm tra tài sản thì UBKT Trung ương làm sao có thể xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vì trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, đã tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có nhiều vi phạm như ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân; ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh... Đó là chưa kể bà Mỹ Thanh còn kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Nếu không có kiểm tra tài sản thì làm sao mà biết được, nói ra được trước thiên hạ về bà Hồ Thị Kim Thoa - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 – 5/2010), đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng. Bà còn thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, TP Hồ Chí Minh với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ của Công ty... Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm…
Kê khai tài sản, nhất là quyết định kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng… nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, mới đụng chạm đến một nhóm người không nhiều. Còn bao trang trại, biệt phủ, nhà cửa, chung cư hiện đại của hàng vạn cán bộ, đảng viên trên khắp cả nước đang ngang nhiên tồn tại, bất chấp dư luận và pháp luật và ngoài bất động sản ra, còn hàng vạn cây vàng, hàng tấn tiền vẫn im lìm trong két sắt. Có những nguyên nhân khách quan: Ở nước ta, việc đóng thuế, buôn bán, sử dụng đất đai… chưa được quy định rõ ràng, chi tiết trong pháp luật. Việc quản lý tiền mặt, quản lý thị trường còn lỏng lẻo… Nhưng không thể chối bỏ rằng, tình trạng không công khai, minh bạch vẫn còn phổ biến, đó là chưa kể các cơ quan chức năng chưa tận dụng tốt tai mắt của dân, pháp luật còn nhiều sơ hở… Trong kiểm tra tài sản, phương pháp tiếp cận lâu nay chưa phải đã tốt, tài sản nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí không ít trường hợp hầu như ít bị kiểm soát và trên thực tế, việc lạm dụng còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp nên bị coi thường việc kiểm tra và kiểm tra cũng chẳng để làm gì.
Nay qua một vài vụ việc, từ người về hưu đến người đương chức, từ người có quyền lực nhỏ đến cao hơn, xã hội đã thấy động, Nhân dân đã phấn khởi. Cần làm rốt ráo hơn nữa, nghiêm khắc hơn nữa, để niềm tin không có vùng nào cấm, không có chức nào được chừa ra được củng cố.

Vũ Duy Thông

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kiem-tra-tai-san-292943.html