Kiểm tra tham nhũng trong nội bộ: Sợ “đối mặt” bị xử lý trách nhiệm

Chiều ngày 7/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể lần thứ 2 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016. Chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi…

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2017, Chính phủ kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Cơ chế xin - cho là điều kiện “dung dưỡng” tham nhũng

Trình bày báo cáo của Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân.

Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước.

Những con số trong phòng, chống tham nhũng

- 1.004.231người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2015, đạt tỷ lệ 99,1%; đã công khai 993.127 bản kê khai, đạt tỷ lệ 98,9%.

- 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

- 0 có trường hợp nào được phát hiện vi phạm quy định về nộp quà tặng.

- 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng (Bộ Tài chính 4 người; Sơn La 3 người; Quảng Nam 2 người; Gia Lai 1 người).

- 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý (Bộ Tài chính 4 người; TP Hồ Chí Minh 1 người; TP Hà Nội 8 người; Thừa Thiên Huế 1 người; Quảng Ngãi 2 người, Tây Ninh 2 người).

- 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng được ngành Thanh tra phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- 236 vụ án, 609 bị can phạm tội về tham nhũng được cơ quan điều tra thụ lý điều tra từ tháng 01/10/2015 đến tháng 31/7/2016.

- 236 vụ, 548 bị can về các tội danh tham nhũng được Viện KSND các cấp đã truy tố.

- 325 vụ với 873 bị cáo về các tội danh tham nhũng được TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm; đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 402 bị cáo về các tội danh tham nhũng

- 12% bị cáo về các tội danh tham nhũng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.

- 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.

- 240 tỷ đồng, 838m2 đất bị thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng trong năm 2016

- 92 tỷ 460 triệu đồng đã được thu hồi và kê biên 7 bất động sản, đạt tỷ lệ 38,3%.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

“Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...”, ông Đạt nói.

Xử người đứng đầu còn ít

Theo ông Đạt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật.

Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn…Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến.

Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý.

“Biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị”, ông Đạt cho biết.

Nhìn toàn diện những nguyên nhân yếu kém trên, Chính phủ đánh giá, do chủ quan là chủ yếu. Cục trưởng Cục Chống tham nhũng liệt kê như, một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm, bao che cho tham nhũng.

Cùng với đó, việc quán triệt, chấp hành các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Cơ chế, biện pháp, trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN thiếu tính khả thi, không đề cao vai trò đánh giá độc lập của xã hội…

Chính phủ quyết không để tham nhũng phức tạp hơn

Chính phủ dự báo, trong năm 2017 và các năm tiếp theo tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền.

Theo ông Đạt, qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam.

“Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”, báo cáo của Chính phủ chốt lại.

Trong năm 2017, Chính phủ kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác PCTN, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này, Chính phủ kiến nghị sớm xem xét, thông qua Luật PCTN mới, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng ngay từ khâu hoạch định chính sách, thể chế.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; chỉ đạo bổ sung các quy định của pháp luật về vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp trong công tác PCTN....

Chính phủ cũng kiến nghị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, báo chí và nhân dân tiếp tục thường xuyên phối hợp chặt chẽ cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương kiên quyết, kiên trì thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí...

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/kiem-tra-tham-nhung-trong-noi-bo-so-doi-mat-bi-xu-ly-trach-nhiem_t114c67n108825