Kiện bản quyền từ một sự hiểu lầm

Vừa qua, giới làm sách xôn xao vì thông tin Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam (SPN) tố cáo Nhà xuất bản Thanh Niên và Nhà sách Thăng Long đã vi phạm bản quyền khi xuất bản và phát hành “Nguyễn Quang Lập - Truyện ngắn chọn lọc” - một tác phẩm mà SPN đã mua bản quyền. Thế nhưng, sự thật lại không phải như vậy.

Ai là người vi phạm?

Ngày 21-12-2012, SPN đã ký hợp đồng với nhà văn Nguyễn Quang Lập, độc quyền sử dụng toàn bộ tác phẩm của ông trong đó có tác phẩm Nguyễn Quang Lập - Truyện ngắn chọn lọc. Thế nhưng, sau đó SPN phát hiện trên thị trường xuất hiện tác phẩm trên nhưng là do NXB Thanh Niên và Nhà sách Thăng Long liên kết xuất bản và thời điểm in là năm 2013.

Phản ứng trước việc này, vừa qua SPN đã gửi thông cáo đến các cơ quan báo chí và văn bản đến các cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc điều tra xử lý với những cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, ngay khi nhận được thông tin của SPN, Nhà sách Thăng Long và NXB Thanh Niên đã có phản ứng, cho rằng việc SPN buộc tội hai đơn vị này vi phạm bản quyền là không đúng sự thật. Ngày 1-8-2013, ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên biên tập viên NXB Thanh Niên, là người đã trực tiếp liên hệ và làm việc với nhà văn Nguyễn Quang Lập để thực hiện tác phẩm trên đã có thư giải thích việc xuất bản cuốn sách.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Lập đang gây hiểu lầm về bản quyền.

Theo đó, vào năm 2010, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã ký hợp đồng với NXB Thanh Niên để xuất bản tác phẩm trên, khi đó có tên gọi là Nguyễn Quang Lập - Tuyển tập truyện ngắn. Đến đầu năm 2012, NXB Thanh Niên một lần nữa liên hệ với tác giả để xin tái bản với tựa mới và đã được tác giả chấp nhận.

Vào tháng 8-2012, NXB Thanh Niên ký với Nhà sách Thăng Long hợp đồng liên kết xuất bản một số tác phẩm trong đó có cuốn sách trên. Sau một thời gian thực hiện, tháng 11-2012, sách được in xong và ngày 27-11-2012, ông Bình đã liên hệ qua mail với tác giả để gửi sách và nhuận bút. Đến lúc này, ông mới được nhà văn thông báo (nguyên văn): “Từ nay em không in sách của anh nữa nhé. Anh đã bán cái cho Nhà sách Phương Nam rồi”. Theo ông Bình, sau khi được tác giả thông báo, NXB Thanh Niên đã chấm dứt sử dụng mọi bản thảo của nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Tuân thủ nghiêm Luật Xuất bản

Như vậy, về mặt thời gian khi cuốn sách được lên kế hoạch xuất bản (8-2012) và khi sách đã in xong (11-2012) thì NXB Thanh Niên vẫn đang là đơn vị được tác giả trao quyền hợp pháp để xuất bản tác phẩm (theo một hợp đồng miệng). Phải một tháng sau khi sách được in và phát hành, nhà văn Nguyễn Quang Lập mới chính thức ký hợp đồng bản quyền với SPN.

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Theo thông tin từ SPN, trên sách xuất hiện ngoài thị trường đều ghi thời gian xuất bản là năm 2013 và SPN cho rằng như vậy đây là sách được in và xuất bản vi phạm bản quyền vì khi đó SPN mới là đơn vị sở hữu hợp pháp bản quyền tác phẩm này.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thực ra tác phẩm Nguyễn Quang Lập - Truyện ngắn chọn lọc đã được in xong từ cuối tháng 11-2012. Lý giải việc sách in 2012 lại đề là 2013, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho biết đây là một thủ thuật thông thường của các đơn vị xuất bản khi ra sách vào dịp cuối năm. Khi đó, họ sẽ đẩy thời gian in ghi trên sách qua năm mới nhằm tránh để bạn đọc nhầm tưởng đây là sách cũ. Ví dụ sách in tháng 11 hoặc 12 năm 2012 nhưng khi đến tay bạn đọc vào đầu năm 2013 thì bạn đọc lại dễ nhầm tưởng sách làm từ cách nay một năm vì trên sách không ghi tháng mà chỉ ghi năm xuất bản.

Như vậy, thực tế vụ việc này là sự hiểu nhầm do một thủ thuật trong lĩnh vực xuất bản bắt nguồn từ việc chưa tuân thủ nghiêm Luật Xuất bản. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy quy định về ghi thông tin trên sách cần cụ thể hơn để vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh vừa rõ ràng tránh các hiểu lầm. Về phía tác giả, từ vụ việc lùm xùm của việc bản quyền này cũng có một phần trách nhiệm của tác giả. Lẽ ra, trước khi ký hợp đồng với PNC, nhà văn phải tiến hành hủy các hợp đồng khác, hay ít nhất là thông báo cho đối tác hiện tại của mình là SPN về tình trạng bản quyền các tác phẩm của mình để có biện pháp xử lý.

Theo luật sư Vân Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý các tranh chấp bản quyền xuất bản, thì ở đây có một vấn đề. Theo luật nước ngoài, sau khi ký hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định, nếu tác phẩm không được thực hiện thì hợp đồng coi như hết giá trị. Thế nhưng, Luật Xuất bản Việt Nam lại không quy định cụ thể điều này. Chính vì thế, dù thời gian từ lúc NXB Thanh Niên ký hợp đồng với tác giả cho đến khi hợp đồng này được thực hiện (xuất bản sách) kéo dài và không có yêu cầu hủy bỏ hay thanh lý nào thì hợp đồng này vẫn có giá trị pháp lý.

TƯỜNG VY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2013/8/324953/