Kiên cường như vợ người lính

Nỗi đau về những người lính trên máy bay CASA-212 và Su-30MK2 đang dần nguôi ngoai với người dân cả nước. Nhưng nỗi đau mất mát, niềm tiếc thương vẫn hiện hữu trong mỗi căn nhà thiếu vắng người chồng, người cha, người con. Những người vợ liệt sĩ đang phải mạnh mẽ, kiên cường thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, nuôi dạy các con...

Đại diện Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động chia sẻ cùng vợ liệt sĩ Lê Đức Lam. Ảnh: HN

Vượt nỗi đau

Tới thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Đình, trên bàn thờ anh có bức ảnh về chiếc máy bay tuần thám CASA-212 lồng trong lá Quốc kỳ tung bay trên biển. Chị Đỗ Thị Thắm - vợ liệt sĩ Đình - kể: Anh Đình mê bay lắm, đến nỗi anh ấy đặt mua và treo duy nhất bức ảnh về chiếc máy bay tuần thám CASA-212 này. Cứ sau mỗi chuyến bay, về nhà anh lại say mê đứng ngắm bức ảnh.

Anh Đình, chị Thắm cưới nhau tháng 10.2012. Trong 4 năm chung sống họ phải chuyển chỗ ở tới 6 lần và mới chuyển về căn chung cư trong Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội). Anh chị còn nợ tới 90% tiền nhà. Lấy nhau với hai bàn tay trắng, khi “vỡ kế hoạch” sinh bé thứ 2 thì cả ba mẹ con phải chuyển lên Thái Nguyên ở cùng mẹ đẻ anh Đình để ông bà giúp đỡ, chăm sóc. Kinh tế còn eo hẹp, để cố gắng lo cho vợ con, mỗi ngày trong khẩu phần ăn phi công của mình anh lại bớt sữa để dành cuối tuần mang lên cho con. Chủ nhật trước khi bay chuyến bay cuối cùng, anh Đình về tổ chức sinh nhật 2 tuổi cho bé Hạ Bình và hứa sau khi công tác về sẽ lên đón ba mẹ con về Hà Nội sống.

Dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn chịu thương, chịu khó, động viên nhau chăm chỉ làm việc. “Lấy nhau từng ấy năm, trải qua nhiều vất vả nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ anh to tiếng hay buông lời trách cứ. Lúc nào anh ấy cũng nhẹ nhàng động viên, chăm sóc vợ con chu đáo. Ngay từ lúc yêu rồi đến khi lấy anh ấy luôn dặn em, làm vợ lính, đặc biệt là lính không quân, em phải xác định cứng rắn lên, khi anh lên máy bay có thể mất tín hiệu bất cứ lúc nào. Và nếu xảy ra sự cố thì khó có thể quay trở về bình an” - vừa ôm bé Bình Minh (đứa con trai bé bỏng mới 3 tháng tuổi) trong tay, chị Thắm vừa rưng rưng. Con gái lớn Lê Hạ Bình (2 tuổi) của anh chị đôi mắt trong veo, vẫn vô tư chạy ra, chạy vào, rồi chắp tay vái lạy trước bàn thờ bố và luôn miệng hỏi “Bà ơi, mẹ ơi, sao bố Đình chưa về?”. Quá bé bỏng, Hạ Bình vẫn chưa thể biết được nỗi đau mất cha.

Trong suốt cuộc trò chuyện, thi thoảng bé Bình Minh lại khóc thét lên vì giật mình. Lo lắng, mong mỏi về sự tìm kiếm kéo dài, cộng thêm sự ra đi của chồng khiến chị Thắm bị mất sữa. Đứa con trai bé bỏng đành phải dùng sữa bột. “Chẳng ai mong muốn điều bất trắc đến với người thân, nhưng làm vợ người lính không quân phải luôn chuẩn bị tâm lý cho những điều không hay xảy ra. Chồng em đã hy sinh vì đất nước, bây giờ em sẽ cố gắng thay chồng để chăm lo cho con, cho bố mẹ chồng” - chị Thắm tâm sự.

Với tuổi đời còn quá trẻ, chị Đỗ Thị Thúy Nga (SN 1990, vợ thượng úy Lê Đức Lam) phải chịu thiệt thòi hơn khi đến giờ này vẫn chưa tìm thấy thi hài anh Lam. Căn nhà trong khu công vụ T59 Pháp Vân, Bộ Quốc phòng (Hà Nội) của vợ chồng liệt sĩ Lê Đức Lam (Lữ đoàn 918) tĩnh lặng, vắng vẻ. Trong căn nhà nhỏ ấy, người vợ trẻ với cái thai hơn 7 tháng trong bụng vẫn dõi theo các thông tin tìm kiếm. Chị Nga kể về người chồng hết mực yêu thương của mình: Anh Lam là con cả trong gia đình có 4 anh em trai. Sinh và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Chư Sê (Gia Lai), tuổi thơ của thượng úy Lam gắn liền với những nỗi nhọc nhằn, vất vả. Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng ai từng tiếp xúc đều có ấn tượng tốt về anh, một chàng trai chăm chỉ học tập, yêu lao động, sống hòa nhã, có trách nhiệm với mọi người. Theo chị Nga, do bận công việc nên đã 4 năm rồi anh chưa có cơ hội về thăm nhà tại Gia Lai. Kể từ khi nhận tin dữ, bố mẹ Lam cũng từ Gia Lai bay ra Hà Nội để ngóng tin con. Bố anh ít nói hơn và chỉ ở nhà, còn mẹ thì đang ốm nằm viện. Kể về chồng, đôi mắt chị Nga vẫn ánh lên những hy vọng về sự tìm kiếm.

Thay chồng làm cha

Căn hộ trong khu chung cư Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) của gia đình liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chu - phi công, kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 - giờ đây vắng bóng người chồng. Kể từ khi nhận tin dữ máy bay tuần thám của chồng gặp tai nạn trên biển, chị Thu Trang (SN 1981, vợ của anh Chu) vẫn chưa thể đi làm trở lại. Chị Trang cho biết, nhận nhiệm vụ bay, anh Chu rất phấn chấn, quyết tâm bởi đây không phải là chuyến bay thông thường mà là đi tìm kiếm đồng đội. Được biết, anh chị có hai cháu nhỏ, con lớn năm nay lên lớp 2, một bé mới 6 tháng tuổi. Trước khi gặp nạn, mỗi ngày anh đều tranh thủ đưa đón con đi học, giúp con đánh răng, pha sữa và đọc truyện cho con ngủ. Bây giờ, những công việc này chị sẽ thay chồng đảm nhận. “7 tuổi nhưng đứa lớn nó biết cả đấy. Chúng nó quấn bố lắm. Ban ngày, có họ hàng, đồng nghiệp đến chơi có người nọ, người kia thì bọn trẻ còn vui đùa chứ đến đêm, nó toàn tỉnh dậy khóc đòi bố thôi. Có hôm đi mua đồ ở siêu thị dưới nhà, con bé lớn nói với mẹ bảo mọi người mang hết đồ đi đi, con chỉ muốn bố thôi” - chị Trang tâm sự. Không khí trầm buồn, yên lặng, chúng tôi lắng nghe câu chuyện mà đau quặn lòng, thi thoảng, thêm vào là những tiếng thở dài.

Hầu hết các chiến sĩ gặp nạn trên máy bay CASA-212 vừa qua đều có tuổi đời còn trẻ, con cái còn nhỏ và kinh tế vẫn hạn chế nên những người vợ trẻ đang một mình gánh vác nhiều trọng trách nặng nề. Chị Đào Ngọc Tuyết - vợ thượng úy Nguyễn Bá Thế - vừa chăm sóc 2 con nhỏ thơ dại, cũng vừa cố gắng chăm lo cho mẹ chồng ở quê sống một mình còm cõi và bố đẻ cũng đang bị bệnh ung thư. Trong căn nhà cấp bốn chừng 30m2 mới cất còn chưa sơn sửa hết, chị Tuyết kể: Căn nhà là món quà anh tặng vợ khi vừa sinh con gái thứ 2. Trước chuyến công tác, anh hẹn sẽ dành trọn những ngày nghỉ cuối tuần để về tranh thủ sơn sửa hoàn thiện căn nhà, nhưng giờ người vắng, nhà trống... Đôi mắt thâm quầng từ ngày chồng gặp nạn, chị Tuyết cố nén nỗi đau vào trong: “Dù thế nào em vẫn sẽ có gắng để vừa làm cha, làm mẹ nuôi dạy các con khôn lớn và phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Em cũng sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe và ăn uống đầy đủ để không bị mất sữa còn nuôi cháu nhỏ mới 7 tháng tuổi” - người vợ trẻ kiên cường cho biết.

Những người lính đã ở chân trời rất xa, còn lại đây những khắc khoải nhớ thương trong mỗi người mẹ, người vợ, những chờ đợi của con thơ và vẫn còn lại bao ước mơ dang dở… Trên vai những người vợ trẻ, bây giờ là gánh nặng cơm áo hằng ngày và cuộc sống của những đứa con còn thơ dại nhưng đã mất cha.

Tự cho mình vô can

Nội dung văn bản ngày 14.7 của Cty FHS vừa gửi đến một số bộ, ngành và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, tại điểm 6, điều 11 trong Hợp đồng “thu gom, vận chuyển, và xử lý bùn bánh của tổ xử lý nước thải công nghiệp Formosa Hà Tĩnh (bên A) ký với Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh (bên B) đã viết rõ “Giấy chứng nhận bùn bánh của xưởng xử lý nước thải công nghiệp Công ty Formosa là chất thải công nghiệp thông thường do Sở TNMT Hà Tĩnh cấp”. Do đó, văn bản khẳng định “chất thải mà Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh vận chuyển từ nhà máy của FHS là chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Công văn viện dẫn, tại điều 6 trong hợp đồng có viết rõ: Bên B phải đưa bùn bánh đến xử lý ở các khu xử lý chất thải trong tỉnh Hà Tĩnh đã được Sở TNMT Hà Tĩnh cấp phép hoạt động... Nghiêm cấm tự ý vứt bỏ, hoặc xử lý không đúng với quy định trong hợp đồng... Công văn tiếp tục nêu: Tại điều 9 về xử lý vi phạm hợp đồng, bùn bánh đã đưa ra khỏi nhà máy của bên A, nếu phát hiện vi phạm ô nhiễm môi trường thì sẽ do bên B chịu toàn bộ trách nhiệm, không liên quan đến bên A.

Formosa thừa nhận rằng do biết Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh không có chức năng xử lý chất thải nên hợp đồng đã ghi rõ “bên B phải đưa bùn bánh đến xử lý ở khu xử lý chất thải trên địa bàn Hà Tĩnh đã được Sở TNMT Hà Tĩnh cấp phép hoạt động. Trong quá trình vận chuyển, xử lý nếu có vi phạm ô nhiễm môi trường thì bên B phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, không liên quan gì đến FHS. Sau khi tự mổ xẻ, viện dẫn như thế, FHS mong các cơ quan hữu quan xem xét lại, trước khi có những thông báo, bình luận về sự việc này.

Trước đó, báo Lao động cũng đã có bài viết “Nhà thầu tự ý đưa máy ghi hình vào Formosa sẽ bị phạt, tiêu hủy thiết bị” đã mổ xẻ những điều khoản cho thấy Cty này đã quá cao mưu trong ràng buộc điều khoản hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải với Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh để phòng khi xảy ra sự cố thì họ sẽ vô can. Còn phía đối tác thì dễ “dính” lỗi ngay từ khi vào nhận chất thải trong Cty FHS này nhưng khó có bằng chứng. Bởi, điều 12 hợp đồng nói trên có điều khoản “nếu không xin phép trước và được bên A đồng ý, bên B tự ý đưa thiết bị có chức năng ghi hình vào Cty Formosa, thì sẽ bị phạt 3,5 triệu đồng/lần và bị tiêu hủy thiết bị, không được có ý kiến gì”.

Hãy soạn tin nhắn: “CS” gửi 1408 để thiết thực giúp đỡ gia đình các liệt sĩ CASA-212.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/kien-cuong-nhu-vo-nguoi-linh-573453.bld