Kiến nghị cho xe 2 bánh được chạy vào đường dẫn cao tốc TP.HCM - Dầu Giây

Đó là một nội dung trong kiến nghị được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi lên Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét việc tổ chức giao thông trên đoạn đường dẫn vào đường cao tốc Cát Lái - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn thành phố.

Đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây

Kết nối giao thông giảm kẹt xe

Theo HoREA lý giải, đường cao tốc Cát Lái - Long Thành - Dầu Giây đã góp phần tăng cường năng lực giao thông kết nối TP.Hồ Chí Minh với sân bay Long Thành trong tương lai, và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đây cũng là nhân tố thúc đẩy thị trường bất động sản TP phát triển về phía đông.

HoREA cho rằng hiện nay đoạn đường dẫn vào đường cao tốc (từ nút giao cắt đường Mai Chí Thọ lên đến nút giao thông đường Vành đai 2 - Võ Chí Công) có chiều dài khoảng 4,5km, gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp, chỉ cho xe ô tô được phép lưu thông với vận tốc tối đa 80km/giờ. Đoạn đường dẫn này cũng giúp cho xe ô tô từ hướng quận 2 đi về quận 9 (và ngược lại) được thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, việc cấm xe 2 bánh (xe máy), không cho lưu thông trên đoạn đường dẫn lên đường cao tốc Cát Lái - Long Thành trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, như: lưu lượng xe qua lại chưa nhiều, chưa khai thác hết năng lực giao thông của đoạn đường này.

Sơ đồ phân bổ giao thông

Ngoài ra nhu cầu đi lại của người sử dụng xe máy khu vực quận 2, quận 9 rất lớn do hiện nay chưa có tuyến đường song hành phía bắc và phía nam của đoạn đường dẫn lên đường cao tốc Cát Lái - Long Thành; đồng thời, tuyến đường Vành đai 2 - Đỗ Xuân Hợp và đường Nguyễn Duy Trinh chưa được mở rộng theo quy hoạch, nên chưa có đủ quỹ đường giao thông phục vụ dân sinh.

Vì vậy, HoREA đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận cho tổ chức lại giao thông trên đoạn đường dẫn lên đường cao tốc Cát Lái - Long Thành theo tính chất "đường đô thị", cho phép lưu thông hỗn hợp cả xe ô tô và xe máy theo phương án: Trên mỗi hướng đi của đoạn đường dẫn lên đường cao tốc bố trí 2 làn đường xe ô tô (mỗi làn rộng 3,75m); còn làn dừng khẩn cấp (rộng 3m) được chuyển đổi thành làn đường dành cho xe máy để tạo điều kiện khai thác tối ưu năng lực giao thông của đoạn đường này, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực phía đông thành phố.

Chính quyền TP.HCM từng đề nghị

Vào thời điểm cuối tháng 10.2016, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận chủ trương kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với hệ thống giao thông đô thị thành phố tại trạm thu phí phường Long Phước, quận 9.

Tại nội dung văn bản kiến nghị, Ủy ban đã đề xuất giao Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu thực hiện giải pháp kết nối các điểm khác với hệ thống giao thông trên địa bàn.

Được biết tại quyết định phê duyệt dự án, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có kết nối với hệ thống giao thông đô thị của thành phố tại các vị trí đường Mai Chí Thọ, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3.

Theo đó, trong giai đoạn 1 cao tốc này đã kết nối với đường Mai Chí Thọ, đường Vành đai 2 và chỉ bố trí trạm thu phí (đoạn đi trên mặt đất) tại phường Long Phước, quận 9. Tuy nhiên hiện tại đoạn đường dẫn vào cao tốc này vẫn chưa kết nối với hệ thống đường giao thông khu vực.

Sơ đồ quy hoạch giao thông trên đia bàn quận 9

Còn theo quy hoạch xây dựng đô thị tại khu vực phường Long Phước (quận 9) có bố trí các đơn vị chính gồm Khu giáo dục - đào tạo đại học, Trung tâm thể dục thể thao quốc phòng 5, Hải đội tàu và nhà công vụ, Nhạc viện thành phố, Học viện tư pháp, Khu công viên khoa học và công nghệ thành phố...

Tuy nhiên, hiện trạng kết nối giao thông về trung tâm thành phố chỉ thông qua tuyến Long Phước - Long Thuận - Nguyễn Duy Trinh với tổng chiều dài là 23km, mặt đường nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

UBND TP.HCM đã cho rằng việc kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với hệ thống giao thông đô thị thành phố tại khu vực phường Long Phước, quận 9 là phù hợp và cần thiết, nhằm rút ngắn quãng đường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông đô thị và hoạt động của các đơn vị tại khu vực trên.

Quang Huy

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/kien-nghi-cho-xe-2-banh-duoc-chay-vao-duong-dan-cao-toc-tphcm-dau-giay-50394.html