Kiến nghị sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em

GD&TĐ - Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ xâm hại trẻ em khiến dư luận bức xúc.

Để bảo vệ trẻ em từ xa và hoàn toàn có cơ sở cũng như căn cứ pháp lý để xử lý hình sự các hành vi tình dục đối với trẻ em, vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức tọa đàm pháp lý chủ đề “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?”.

Đề xuất bổ sung thêm 4 tội danh

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, thì trẻ em được bảo vệ đầy đủ một cách tối đa nhất về sức khỏe, giáo dục và môi trường sống an toàn nhất. Vì vậy, tất cả những hành vi làm tổn hại đến trẻ em cần phải được lên tiếng và bảo vệ.

Luật sư Lê Luân (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Mặc dù, tội dâm ô với trẻ em (Điều 116), nay được quy định thành “tội dâm ô với người dưới 16 tuổi” (Điều 146) về cơ bản chỉ khác nhau về tên gọi nhưng về mặt cấu thành, khung hình phạt và nội dung là tương đồng nhau”. Do đó khiến cho việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn.

Về mặt nội hàm pháp lý, Luật sư Lê Luân đề xuất đưa ra khái niệm cụ thể và phân hóa một cách rõ ràng đối với hành vi “dâm ô”.

Đó là “dâm ô” không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp đến cơ thể nạn nhân, mà có thể là bất kì hành vi quấy rối tình dục gián tiếp nào như gạ gẫm, gợi ý rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận các hành vi tính dục một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn thì đều được hiểu đó là hành vi dâm ô có dấu hiệu tội phạm.

Để đảm bảo tính thực tiễn và tương thích với quy định quốc tế và trong nước, Luật sư Luân đề xuất bổ sung thêm 4 tội danh liên quan đến xâm hại tình dục ở trẻ em là Tội chủ định gặp trẻ em với mục đích dâm ô; Tội chủ ý khiêu dâm với trẻ em; Tội chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục và Tội chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em.

Luật sư Lê Luân cũng cho rằng: Các tội danh liên quan đến tình dục phải bị cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận trẻ em, đồng thời phải theo dõi, công khai tên tuổi, danh tính thủ phạm trên trang thông tin quốc gia, cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nếu đối tượng tái phạm hoặc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn với trẻ em sẽ bị bắt giam trở lại (hoặc thiến hóa học).

Thay đổi cách điều tra phá án

Liên quan đến việc tìm bằng chứng phạm tội xâm hại trẻ em, Luật sư Lê Luân cho biết: Để bắt loại tội phạm này có thể dùng bẫy, cần được sự cho phép của Tòa án hoặc Viện Kiểm sát cùng cấp để đảm bảo tính khách quan, công khai... Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc bẫy để bắt tội phạm sẽ khó khăn nếu như 4 tội danh mới được đề xuất nêu trên không được đưa vào luật.

Luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc Công ty Luật Fanci - cho rằng: “Việc “gài bẫy” để bắt tội phạm sẽ khó khăn nếu như 4 tội danh nêu trên không được đồng ý đưa vào luật. Một khó khăn khác là, ai sẽ là “diễn viên” tham gia việc gài bẫy khi nạn nhân của các vụ việc thường còn rất nhỏ? Việc làm diễn viên có quá nguy hiểm với trẻ không?”.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh) cũng cho rằng, cần tạo ra một quy trình cho phép trinh sát hoặc bộ phận điều tra các vụ việc xâm hại tình dục được phép quay phim, ghi âm ghi hình trong quá trình thu thập chứng cứ.

Ngoài ra, tại tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các vụ xâm hại tình dục trẻ em như mức độ nhạy cảm khi đăng tải vụ án trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội; tên tuổi các các nhân vật liên quan trong vụ án trước khi có kết luận của cơ quan điều tra; sử dụng camera giấu kín trong quá trình điều tra; các vấn đề liên quan đến xâm hại người khuyết tật...

Các ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được Ban tổ chức tọa đàm tổng hợp và gửi đến các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/kien-nghi-sua-doi-cac-toi-danh-xam-hai-tinh-duc-tre-em-3105419-b.html