Kiến nghị Trung ương có quy định đặc thù cho quy hoạch đô thị TP.HCM

Do chưa có quy định về loại quy hoạch và trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị đối với 'Thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương', nên Đồ án quy hoạch chung Thủ Đức đang phải vận dụng theo quy định 'Thành phố thuộc tỉnh - Thành phố loại I'…

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM báo cáo giám sát thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2023.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ảnh: Hữu Khoa

Tại báo cáo này, UBND TP.HCM đã kiến nghị các cơ quan Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, các quy chuẩn quy hoạch mới, có quy định đặc thù (ngoại lệ) cho TP.HCM; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách công tác quy hoạch xây dựng tại các địa phương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cấu trúc dữ liệu chuẩn cần tích hợp trong GIS ở các cấp độ quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh, để sau khi các loại quy hoạch được lập và quyết định hoặc phê duyệt thì có thể tích hợp thành dữ liệu chung (big data) ở cấp độ quốc gia, cấp vùng, nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch.

“Hiện nay công tác lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào công tác quản lý chuyên ngành còn chưa cao và việc phối hợp các sở - ngành thành phố thực hiện các nhiệm vụ để triển khai các quyết định của các bộ ngành Trung ương liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu còn lúng túng.

Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng sớm triển khai danh mục chương trình, dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến 2025 và hướng dẫn thực hiện để các tỉnh thành có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện”, văn bản đề cập.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, riêng huyện Cần Giờ, do chủ trương giữ “lá phổi xanh” của thành phố nên tăng trưởng phụ tải ở đây khá thấp, hầu như là không có. Ảnh: Quỳnh Trần

UBND TP.HCM cho biết, Luật Xây dựng không quy định về điều chỉnh cục bộ đối với các đồ án quy hoạch nông thôn. Do đó, đối với các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, sau khi rà soát cần điều chỉnh cục bộ thì không thể thực hiện, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị về kinh phí lập quy hoạch, thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu tư vấn lập quy hoạch còn rườm rà, làm kéo dài thời gian ký hợp đồng với đơn vị tư vấn, cũng gây không ít khó khăn cho các đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

Hiệu quả của các đồ án được phê duyệt nhìn chung còn một số hạn chế do các nguyên nhân:

Nội dung quy hoạch chưa gắn kết với chương trình, kế hoạch thực hiện (chưa có chương trình phát triển đô thị được duyệt), nhất là đối với các khu vực quy hoạch công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông dự phóng hoặc mở rộng, công viên cây xanh… chưa xác định được nguồn lực thực hiện.

Trong khi các chính sách về quản lý nhà, đất trong xây dựng - sửa chữa nhà, tách thửa đất ở, mua bán, chuyển nhượng, thế chấp tài sản… còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự công bằng giữa nhà, đất trong khu vực quy hoạch và nhà, đất ngoài khu vực quy hoạch có cùng điều kiện tạo lập, đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư trong các khu vực quy hoạch.

Chất lượng các đồ án quy hoạch được phê duyệt còn chưa cao, nguồn thông tin, số liệu, dữ liệu… phục vụ nghiên cứu lập quy hoạch còn lạc hậu, chưa cập nhật kịp thời, chưa tích hợp đồng bộ các loại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực (do thời điểm phê duyệt khác nhau); công tác dự báo trong quy hoạch về dân số, động lực phát triển, nhu cầu đầu tư… chưa xác hợp; năng lực, phương pháp làm việc của một số đơn vị tư vấn còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hội nghị lấy ý kiến giai đoạn 1 “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 12.9.2023. Ảnh: VIUP

Đến nay, UBND TP.HCM đã phê duyệt gần phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với khoảng 600 đồ án, tổng diện tích khoảng 88.262,81 ha, gồm:

- 283 đồ án, diện tích 47.266 ha được phê duyệt theo Nghị quyết số 16 (phê duyệt trước ngày 30.9.2013), trong đó có 179 đồ án lập mới, diện tích 31.657 ha và 104 đồ án điều chỉnh, diện tích 15.609 ha.

- 290 đồ án, diện tích 35.992,91 ha (bao gồm đồ án lập mới và điều chỉnh) đã được phê duyệt trước Nghị quyết số 16 (phê duyệt từ năm 2011 trở về trước).

- 27 đồ án, diện tích 5.003,9 ha được phê duyệt sau Nghị quyết số 16 (phê duyệt từ năm 2014 đến nay).

UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp các quận huyện và các đơn vị liên quan rà soát đồ án quy hoạch có nội dung không phù hợp, không bảo đảm tính khả thi, kéo dài thời gian thực hiện ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân hoặc không còn phù hợp với thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng xem xét, điều chỉnh tổng thể hoặc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị.

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có nhà, quyền sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch chức năng đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở và quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, đất cây xanh và giáo dục (theo đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000), các sở ngành đã phối hợp địa phương lập điều chỉnh quy hoạch phân khu (cục bộ hoặc tổng thể).

Trong đó điều chỉnh các khu vực quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới chưa có kế hoạch thực hiện, thiếu tính khả thi, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thành quy hoạch đất dân cư hiện hữu (hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang) trình UBND TP.HCM xem xét phê duyệt.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hoạt động sản xuất nông nghiệp của TP.HCM chỉ tập trung ở các quận huyện vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố là 66.001,9 ha. Trong ảnh: Mô hình trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM ở Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Thủy

UBND TP.HCM cho biết, theo Khoản 5 Điều 5 Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn”; theo Khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch: “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh”.

Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh bao gồm những nội dung chủ yếu: “phương án quy hoạch hệ thống đô thị, bao gồm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đã được xác định trong quy hoạch vùng trên địa bàn; phương án phát triển đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn”.

Vì vậy, để đảm bảo quy hoạch đô thị (theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009) phù hợp với quy hoạch thành phố (theo Luật Quy hoạch năm 2017) thì Đồ án quy hoạch chung TP.HCM (quy hoạch đô thị) đang được lập phải phù hợp với phương án quy hoạch hệ thống đô thị trong quy hoạch thành phố (bao gồm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đã được xác định…).

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị các cơ quan Trung ương có hướng dẫn về nội dung này để bảo đảm sự phù hợp giữa các loại quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị). Đồng thời, có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định các bộ, ngành đối với quy hoạch.

Hiện nay, theo Luật Đất đai, người sử dụng đất nằm trong quy hoạch là “đất ở nông thôn” hoặc “đất ở đô thị” thì người sử dụng đất đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm và được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) không phải là đất ở sang đất ở.

Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP.HCM theo quy hoạch phân khu hay chi tiết xây dựng đô thị (theo Luật Quy hoạch đô thị) về đất ở có phân loại: đất ở hiện hữu chỉnh trang; đất ở xây dựng mới; đất ở xây dựng dài hạn, ngắn hạn; đất ở hỗn hợp”.

Trong đó “đất ở xây dựng mới” thuộc khu vực lập dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở khu vực dự kiến phát triển đô thị mới. Do đó, khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở đối với trường hợp này, TP.HCM gặp nhiều khó khăn.

UBND TP.HCM đề nghị có quy định tích hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm với các chỉ tiêu sử dụng đất được duyệt tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đa phần các căn hộ thuộc khu 3.790 căn hộ của khu đô thị mới Thủ Thiêm đều có diện tích lớn hơn 70 m2 không phù hợp tiêu chuẩn nhà ở xã hội. Ảnh: Hữu Cảnh

Liên quan đến cơ chế, chính sách, UBND TP.HCM kiến nghị bổ sung các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đối với đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tại các Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7.4.2010, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6.5.2015 và Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30.8.2019 của Chính phủ và Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24.10.2022 của Bộ Xây dựng. Vì các lý do:

+ Theo Luật Quy hoạch đô thị 2009, tại Điều 18 (các loại quy hoạch đô thị) và Điều 19 (trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị) chưa quy định về loại quy hoạch và trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị đối với thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, hiện nay công tác nghiên cứu và lập Đồ án quy hoạch chung Thủ Đức đang vận dụng theo điểm 18.1.a (Thành phố thuộc tỉnh - Thành phố loại I) và điểm 19.3 (UBND TP.HCM thuộc tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh), áp dụng gần đúng chứ không tuyệt đối đúng theo các điều khoản của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

+ Thông tư số 04/2022/TT-BXD chưa quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, hiện nay nội dung hồ sơ Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đang thực hiện theo Điều 7 (nội dung hồ sơ đồ án quy hoạch chung thành phố, thị xã, đô thị loại IV trở lên chưa được công nhận là thành phố, thị xã; đô thị mới dự kiến là thành phố, thị xã thuộc tỉnh).

Đối với thành phố Thủ Đức (được xác định tính chất là đô thị loại 1), nội dung nghiên cứu theo Điều 7 nêu trên không có nội dung quy định nghiên cứu đối với khu vực đô thị trung tâm, chưa thể hiện được khu vực quan trọng trong thành phố, không thể hiện được các yêu cầu về chia sẻ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và những nhu cầu, tiêu chuẩn đặc thù của TP.HCM (đô thị đặc biệt).

Công tác nghiên cứu và lập Đồ án quy hoạch chung Thủ Đức đang vận dụng theo quy định “Thành phố thuộc tỉnh - Thành phố loại I”, trong khi TP.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Băng Tâm

UBND TP.HCM cũng kiến nghị bổ sung trong quy định tại Luật Đấu thầu: về lựa chọn tư vấn lập quy hoạch thông qua hình thức thi tuyển đối với tác phẩm quy hoạch.

Hiện theo Luật đấu thầu, tại Điều 22 về chỉ định thầu cho phép áp dụng với “tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển” nhưng không bao gồm “thi tuyển quy hoạch”. Từ đó, các cuộc thi tuyển về quy hoạch không có cơ sở để tuyển chọn tư vấn mà phải tổ chức thêm việc đấu thầu để chọn đơn vị tư vấn triển khai.

“Điều này có thể dẫn đến việc không nhất quán trong phát triển ý tưởng được chọn. Các cuộc thi tuyển quy hoạch trở nên kém hấp dẫn đối với người dự thi vì không chắc chắn được chọn lựa là nhà tư vấn”, văn bản đề cập.

Các đơn vị tư vấn trình bày phương án tham gia dự tuyển “Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn” trong buổi đánh giá ngày 14.1.2020. Ảnh: CTV

Theo UBND TP.HCM, Luật Quy hoạch quy định về nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương. Ở quy hoạch tỉnh, nội dung của phương án tích hợp hệ thống đô thị nông thôn thay thế cho quy hoạch chung xây dựng tỉnh (quy hoạch xây dựng vùng tỉnh cũ).

Bên cạnh đó, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP (liên quan Luật Quy hoạch đô thị) quy định thành phố trực thuộc Trung ương phải lập quy hoạch chung xây dựng và đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia nhưng không yêu cầu rõ về nội dung phần phương án tích hợp hệ thống đô thị nông thôn trong quy hoạch đô thị khi có quy hoạch thành phố.

Như vậy, đối với các đô thị trực thuộc Trung ương, sẽ có cùng một lúc quy hoạch thành phố (theo Luật Quy hoạch) và quy hoạch chung xây dựng (Theo Luật Quy hoạch đô thị). Nhưng, đến nay vẫn chưa có văn bản hoặc thông tư, nghị định nào hướng dẫn nội dung tích hợp hệ thống đô thị nông thôn vào các đồ án ra sao để tránh bị trùng lặp.

“Hiện nay, đơn vị tư vấn lập quy hoạch đồ án tự đề xuất phương án quy hoạch theo hướng chỉ cần đảm bảo không bị mâu thuẫn giữa hai loại quy hoạch thành phố và quy hoạch chung xây dựng thành phố, quy hoạch nào làm sau sẽ tham khảo nội dung của quy hoạch làm trước.

Thành phố kiến nghị các cơ quan Trung ương ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện trong trường hợp vừa thực hiện quy hoạch thành phố cùng với quy hoạch chung xây dựng tại các thành phố trực thuộc Trung ương”, văn bản của UBND TP.HCM cho biết.

Cấp thiết phải có cơ sở dữ liệu chính thống, đầy đủ và rõ ràng để phân tích. TP.HCM đang có nguồn thông tin lớn nhưng không đồng bộ, quản lý nhiều cấp và sử dụng chưa hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến rà soát, đánh giá hoạt động thực hiện quy hoạch chung, đến quản lý và định hướng quy hoạch.

“Việc lập quy hoạch chung cần thiết phải lập quy hoạch kinh tế xã hội trước. Khi triển khai lập đồ án điều chỉnh sắp tới, cần chú trọng nhiều đến tầm nhìn, chiến lược phát triển, tư duy mới trong quy hoạch để phù hợp với thực tiễn…”, văn bản của UBND TP.HCM kiến nghị.

Minh Hoàng - Hữu Đức

Quy hoạch không gian ngầm ở mức sơ bộ, có nhiều thiếu sót

Theo văn bản báo cáo của UBND TP.HCM gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 27.11.2006 và nghiên cứu, trình thẩm định (phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010) trước khi ban hành và có hiệu lực của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7.4.2010, do đó chưa nghiên cứu nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho toàn TP.HCM.

Nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đã được nghiên cứu quy hoạch cho 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM (930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thể hiện ở nội dung thuyết minh và bản đồ “Xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm”, xác định sơ bộ vị trí, phạm vi và điểm kết nối.

Tuy nhiên, nội dung quy hoạch không gian ngầm chỉ ở mức sơ bộ, có nhiều thiếu sót về: Dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị; Quy định phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm, các chức năng sử dụng không gian để xây dựng các công trình ngầm; Xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm.

Về việc kết nối không gian ngầm với không gian trên cao, trên mặt đất: Không quy định kết nối không gian (theo Thông tư 12/2016/TT-BXD chỉ cần thể hiện sơ bộ ranh công trình ngầm ở bản đồ “Xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm” đồ án quy hoạch phân khu).

Về việc xây dựng dữ liệu công trình ngầm: Chưa triển khai ngay thực hiện công tác khảo sát thu thập dữ liệu không gian xây dựng ngầm, công tác này sẽ do đơn vị tư vấn đề xuất cụ thể đối với các khu vực có dự kiến phát triển không gian xây dựng ngầm.

Về việc xây dựng dữ liệu công trình ngầm cũng gặp nhiều khó khăn do: Dữ liệu nhiều ngành quản lý; Hiện trạng hạ tầng ngầm được xây dựng qua nhiều thời kỳ, thiếu tài liệu lưu trữ; Hoạt động khảo sát điều tra hiện trạng mạng lưới công trình ngầm trên địa bàn thành phố cần chi phí lớn…

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kien-nghi-trung-uong-co-quy-dinh-dac-thu-cho-quy-hoach-do-thi-tp-hcm-43524.html