Kiên trì giáo dục, rèn luyện, bồi đắp nếp sống văn minh cho cán bộ, đảng viên

Báo Quân đội nhân dân tiếp tục đăng các ý kiến của bạn đọc góp ý, đề xuất những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ăn uống, nhậu nhẹt bê tha, tiếp khách lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh và xây dựng đạo đức công vụ thực sự liêm chính, vì dân.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam:

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”

Một trong tám điều mà danh tướng Trần Quốc Tuấn cảnh báo đối với những người làm tướng là phải tránh xa “tửu sắc”, tức là tránh xa ăn uống quá đà và quan hệ nam nữ không lành mạnh, vì vướng vào hai điều đó sẽ làm mất tư cách của người làm tướng và có hại cho tinh thần quân sĩ, có hại cho xã tắc, vương triều. Đạo làm tướng như Trần Quốc Tuấn nói, suy rộng ra, cũng là đạo làm cán bộ thời nay. Ngẫm lại lời cảnh báo của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cách đây hơn 700 năm, chúng ta không khỏi phiền lòng vì hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên sa đà vào ăn uống, nhậu nhẹt bê tha như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.

Nghị quyết của Đảng đã nói rõ thực trạng và những hệ lụy về lối sống hưởng thụ, xa hoa của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là khâu tổ chức thực hiện phải được làm đến nơi đến chốn, làm đến đâu hiệu quả đến đó. Để góp phần khắc phục tình trạng tiệc tùng xa hoa, tiếp khách lãng phí, theo tôi, một trong những việc cần phải làm hiện nay là phải kiên trì tuyên truyền, giáo dục để làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, làm cho mọi người hiểu rõ việc ăn uống quá đà, tiếp khách lãng phí không chỉ là hành vi làm xói mòn đạo đức cách mạng, mà còn làm tổn hại đến thanh danh của Đảng. Đảng là ai? Đảng không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng. Đảng là mỗi con người đảng viên, cán bộ của Đảng. Vẫn biết rằng, đã là con người, trong đó có cán bộ, đảng viên, như Bác Hồ đã nói: Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, sẽ có hại đến dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp hiện nay càng phải thấm nhuần lời dạy sâu sắc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ANH THẢO (ghi)

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Việt, thôn Đại Trung, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh:

Nêu cao đạo đức công vụ, chú trọng giữ gìn hình ảnh cán bộ trong con mắt nhân dân

Không chỉ có Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, quy định về việc phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó yêu cầu cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng phải khắc phục ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, tiếp khách lãng phí; mà nhiều lần Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở, chấn chỉnh một bộ phận cán bộ, công chức phải chấm dứt việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; đồng thời phải chấp hành nghiêm kỷ luật hành chính công vụ, nêu cao văn hóa, đạo đức trong phục vụ, tiếp xúc, giải quyết công việc cho nhân dân.

Theo tôi, để phòng, chống, ngăn ngừa tình trạng ăn uống, liên hoan với động cơ không lành mạnh, cán bộ lãnh đạo ngoài việc chú trọng rèn luyện tính chỉn chu về nói năng, giao tiếp, ứng xử, cần phải mẫu mực trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày, thực hiện “ăn có chừng, uống có mực”. Nếu cán bộ có tham gia ăn uống, tiệc tùng, tiếp khách cũng phải chú ý giữ gìn tác phong chuẩn mực; nên khéo léo từ chối những buổi tiệc “cỗ to, rượu mạnh” dễ gây xì xào, bàn tán không hay trong dư luận; biết tránh xa những cuộc “mời mọc” mà đối tác, doanh nghiệp muốn lợi dụng sự xuất hiện của mình để quảng bá hình ảnh cho họ. Sự từ chối tế nhị của cán bộ trong những trường hợp này cũng là một việc làm thiết thực để giữ gìn tư cách, hình ảnh của họ trong con mắt nhân dân.

HOÀNG ĐỨC (ghi)

Ông Trần An, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc):

Đổi mới lề lối, tác phong của cán bộ cấp trên khi đến kiểm tra cấp dưới

Hầu như ai cũng thấy việc tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt quá đà, tiếp khách lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và một số cơ quan công quyền đã gây phản cảm dư luận xã hội. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải kiên quyết đẩy lùi thực trạng này bằng những việc làm cụ thể. Đó là: Các ngành, các cấp, nhất là cấp huyện trở lên phải có sự thống nhất trong kế hoạch đến thăm, kiểm tra, chỉ đạo cấp dưới; tránh tình trạng mỗi cơ quan, ban, ngành là “một lãnh địa riêng”, tự đề cao vai trò, quyền lực của mình rồi xây dựng, bày đặt ra các cuộc kiểm tra, chỉ đạo cấp dưới một cách tràn lan. Việc cán bộ hướng về cơ sở là cần thiết, nhưng thực tế cho thấy không ít đoàn kiểm tra quá nhiều thành phần, tần suất các đoàn đến kiểm tra cấp dưới có lúc còn nhiều, nội dung chồng chéo, gây áp lực, phiền phức cho cơ sở. Bởi vì sau mỗi cuộc chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên, hầu hết cấp dưới đều phải tổ chức ăn uống, tiếp khách cấp trên. Cái lệ bất thành văn này không những gây tốn kém, lãng phí về tiền bạc, công sức của người dân (do người dân phải nộp thuế nuôi bộ máy công quyền), mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ do phải uống rượu bia, tiếp khách nhiều.

Bên cạnh đó, cần phải đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ cấp trên khi đến chỉ đạo, kiểm tra cấp dưới. Kế hoạch, lề lối làm việc cần khoa học để bớt gây phiền toái cho cấp dưới phải “thưa, gửi” quá nhiều; tác phong sâu sát cơ sở nhưng không gây phiền nhiễu cho cơ sở. Đồng thời thực hiện phương châm “Khi đi gọn nhẹ, khi về thảnh thơi”, tức là tinh giản thành phần đi kiểm tra cấp dưới, không gây “khó dễ” cho cơ sở nhằm vun vén lợi ích cho bản thân, từ đó giữ được nếp sống thanh liêm, đức tính giản dị trong hoạt động công vụ.

HẰNG PHƯƠNG (ghi)

Anh Phạm Minh Trí, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường 5, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh:

Siết chặt kỷ cương công vụ, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội phản ánh về tình trạng uống rượu bia quá đà của một số cán bộ, đảng viên, công chức đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, uy tín cán bộ. Sự việc nào cũng có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do ý thức, trách nhiệm trong việc tự tu dưỡng đạo đức, lối sống, rèn luyện tác phong của một số cán bộ, đảng viên chưa tốt. Bên cạnh đó cũng có lỗi một phần của lãnh đạo các cơ quan khi không duy trì nghiêm kỷ luật thời gian làm việc hành chính. Trước đây, tôi cũng ít chú ý quán triệt, nhắc nhở anh chị em trong cơ quan về chế độ giờ giấc, kỷ cương công vụ. Tuy nhiên, qua hoạt động thực tiễn cho thấy, việc siết chặt kỷ luật giờ làm việc hành chính cũng như duy trì nghiêm túc các chế độ công vụ sẽ giúp cán bộ, công chức ít đi hàng quán vào những buổi trưa hơn.

Nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay cấm cán bộ, công chức, đảng viên uống rượu bia trong giờ làm việc, buổi trưa của ngày làm việc và không uống rượu bia say trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Quy định đã rõ, vấn đề là phải nghiêm túc thực hiện, tránh những trường hợp “phá lệ”, “thông cảm”, “có khách quý thì ta du di”. Đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần, hoặc uống rượu bia đến mức bê tha, mất tư cách thì phải kiên quyết xử lý kỷ luật để cảnh báo, răn đe người khác.

TRẦN TUYẾT (ghi)

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Quang Phát, Phó chính ủy Học viện Chính trị:

Cán bộ quân đội nêu gương để góp phần lan tỏa ra ngoài xã hội

Khoảng mười năm về trước, mỗi khi có đợt thăng, phong quân hàm, nâng lương cho một số cán bộ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, một số đơn vị trong quân đội thường tổ chức liên hoan với mục đích “khao quân hàm” cho toàn đơn vị. Một số nơi khi tiếp đoàn khách cấp trên đến thăm, kiểm tra đơn vị cũng tổ chức ăn uống có sử dụng rượu bia. Dù hiếm khi xảy ra hiện tượng ăn uống quá đà, nhưng những việc làm trên chưa thật sự phù hợp với môi trường văn hóa, nếp sống chính quy trong quân đội.

Khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đã quán triệt và chấp hành nghiêm chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định của chỉ huy đơn vị là không tổ chức “ăn khao quân hàm”, không sử dụng rượu bia trong bữa ăn trưa, trong giờ làm việc hành chính. Một số đơn vị có việc làm thiết thực là thay việc “ăn khao quân hàm” bằng việc mỗi cán bộ được thăng quân hàm tự nguyện đóng góp một cây cảnh tặng đơn vị để góp phần làm xanh, sạch, đẹp cảnh quan, môi trường doanh trại nơi đóng quân. Bên cạnh đó, việc tiếp các đoàn khách cấp trên đến tham quan, kiểm tra cũng được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với điều lệnh, điều lệ, quy định của quân đội, phù hợp với nếp sống giản dị của Bộ đội Cụ Hồ.

Tôi nghĩ rằng, việc cán bộ, chiến sĩ quân đội, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp gương mẫu thực hiện Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 19-12-2016 là thiết thực giữ gìn phẩm chất, tư cách, hình ảnh người cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, từ đó góp phần lan tỏa ra ngoài xã hội.

MINH NAM (ghi)

Ông Nguyễn Nga Sơn, thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang:

Tạo điều kiện thuận lợi để việc ăn uống, tiếp khách của cán bộ, công chức đi vào nền nếp, đúng quy định

Là một người dân nhiều lần đến cơ quan công quyền làm các thủ tục hành chính, tôi thấy phần đông cán bộ, công chức cơ bản có tác phong làm việc nghiêm túc, giờ nào việc ấy và thể hiện thái độ niềm nở với dân. Tuy nhiên, có lần đến một cơ quan huyện vào đầu giờ buổi chiều, tôi thấy hai nam nhân viên còn khá trẻ, người thì đỏ mặt, người thì ngủ gà ngủ gật ngay bên bàn làm việc. Tôi đề nghị được làm thủ tục hành chính, thì người đỏ mặt nói giọng trống không và phả ra mùi rượu: “Chiều nay “sếp” bận lên tỉnh làm việc, không có người ký văn bản. Cần gì thì sáng mai quay lại!”. Nhìn mặt mày, tác phong bơ phờ của họ, tôi biết chắc hai người này vừa uống rượu buổi trưa. Dù không hài lòng với thái độ thiếu lịch sự của họ, nhưng tôi đành chấp nhận ra về trong tâm trạng ấm ức. Từ một ví dụ cụ thể đó để thấy, nếu cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền vẫn còn sử dụng nhiều rượu bia trong bữa ăn trưa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tác phong, lề lối làm việc và chất lượng, hiệu quả công tác của họ trong buổi chiều. Không những thế, họ rất dễ bị “mất điểm” trong con mắt nhân dân.

Tôi nghĩ rằng, việc Đảng, Nhà nước ban hành các chỉ thị, quy định về việc chấn chỉnh tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức cũng như yêu cầu đội ngũ này phải khắc phục tình trạng ăn uống, "chè chén" bê tha trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Để góp phần hạn chế tình trạng này, tôi góp ý với các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh ở gần nhau và các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện thì nên xây dựng bếp ăn tập thể để nấu bữa trưa phục vụ cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan. Có bếp ăn tập trung không chỉ giúp cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan có những bữa ăn ngon, sạch, mà còn góp phần giảm thiểu việc cán bộ, công chức phải ra ngoài ăn uống ở hàng quán. Những bếp ăn này nên bố trí một gian (phòng) riêng để khi có khách, cán bộ, công chức có thể tiếp khách, ăn uống ở địa điểm này. Đây là biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ăn uống, tiếp khách của cán bộ, công chức đi vào nền nếp, đúng quy định.

BẢO NHƯ (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/kien-tri-giao-duc-ren-luyen-boi-dap-nep-song-van-minh-cho-can-bo-dang-vien-509488