Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Ảnh phải được trả về nơi mà nó sinh ra

“Ban đầu tôi có được những bức ảnh cổ từ tư liệu của gia đình bởi bố tôi là một nhà giáo dạy Lịch sử, rồi tiếp đó đến tư liệu mà bạn bè của gia đình tôi cung cấp và cả nguồn từ trên Internet. Nhất là sau khi tôi công bố bộ ảnh cổ đầu tiên về Hà Nội thì có rất nhiều người tìm đến tôi để tặng những bức ảnh mà họ có…” - KTS Đoàn Bắc, người dành nhiều năm sưu tập ảnh cổ của Hà Nội, TP.HCM và nhiều quốc gia khác cho biết.

Đường phố ở Thủ đô Tokyo (năm 1880)

Kho ảnh quý giá

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Hà Nội, có nhiều đời theo nghề ảnh ít nhiều cũng đã ảnh hưởng tới tâm hồn của một kiến trúc sư như Đoàn Bắc. Anh cho biết: “Tình cờ tôi thấy các bạn trẻ chia sẻ một vài bức ảnh cổ trên các diễn đàn, nhưng ảnh còn nguyên sơ, chất lượng không tốt và khó nhìn nên nảy ra ý định sưu tầm ảnh cổ và phục chế lại. Lúc đầu, tôi chỉ có ý định sưu tập những bức ảnh cổ về Hà Nội với mục đích giữ lại cho gia đình, làm tư liệu cá nhân. Nhưng càng làm, tôi càng bị cuốn vào với công việc thú vị mà cũng nhiều khó khăn này”. Công việc kiến trúc của anh vốn đã quá bận rộn, nhưng vì quá đam mê, anh vẫn cố dành thời gian cho việc sưu tầm ảnh.

Năm 2010, Đoàn Bắc lần đầu công bố bộ ảnh Hà Nội vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, như một món quà gửi đến gia đình, bạn bè và những người yêu Hà Nội. Đến năm 2011, anh tiếp tục cho ra mắt bộ ảnh về Sài Gòn xưa và sắp tới đây là gần 400 bức ảnh quý về Nhật Bản.

Bắt đầu công việc sưu tầm ảnh từ khoảng trước năm 2010, hiện tại Bắc đã có hàng nghìn bức ảnh của nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là các nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản... Những bức ảnh mà anh sưu tầm được chủ yếu là vào khoảng thế kỷ XIX và trước những năm 30 của thế kỷ XX. Anh cho biết: “Trong số những người tìm đến tôi tặng ảnh cổ sau bộ ảnh đầu tiên năm 2010, nhà giáo Vũ Thế Khôi đã tặng tôi một chiếc đĩa có khoảng 5.000 bức ảnh của nhiều nước trên thế giới”. Đây chính là kho tàng vô giá đối với Đoàn Bắc.

Lối vào hải cảng trên biển Sumo-nada ngoài khơi Nagasaki (năm 1890)

Phục chế không phải đơn giản

Việc sưu tập ảnh không đơn giản chỉ là thu thập ảnh về, in ra và để đó mà là cả một quá trình đầy khó khăn. Anh cho biết, khi phục chế gần 400 bức ảnh cổ Nhật Bản, khó khăn nhất là ảnh có độ phân giải kém, nước ảnh nhuốm màu thời gian nên rất mờ, không thể in ra được. Vì vậy, anh phải mày mò, phục chế lại từng bức một sao cho dễ nhìn nhất mà vẫn giữ được nguyên vẹn từng khuôn hình.

Bắt đầu từ việc tăng độ phân giải, tiếp đó là làm sao cho hình ảnh thật rõ nét, dễ nhìn nhưng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến tính chân thật của bức ảnh. Một công đoạn khác nữa cũng tạo ra nhiều khó khăn, đó là ở những bức ảnh đó đều có chú thích về năm và địa danh chụp, nhưng thường sai. Từ đó, anh phải đối chiếu, những gì chưa biết anh phải nhờ bạn bè và chuyên gia ở Nhật Bản giúp đỡ và sửa lại sao cho khi đến với người xem được đúng nhất.

Chia sẻ về việc phục chế ảnh, anh cho biết: “Bộ ảnh được chụp bởi họa sĩ, nhiếp ảnh gia người Pháp Louis-Jules Dumoulin, người đã từng có nhiều năm sinh sống ở Việt Nam. Bộ ảnh thực sự rất đẹp, nhưng nó đã tiêu tốn của tôi rất nhiều thời gian và công sức. Phần vì dung lượng của nó rất nhỏ, chỉ vài chục đến vài trăm KB.

Thời gian vì ghi chú ở những bức ảnh còn sai rất nhiều, với sự giúp đỡ của một vài người bạn tôi đã phải đối chiếu và sửa lại sao cho đúng nhất. Có một bức ảnh rất đặc biệt, nó vốn dĩ là 3 bức ảnh rời nhưng khi ghép lại, nó lại được chụp nối tiếp ở cùng một cảnh”. Bức ảnh đó chụp cảnh vịnh Sumo-nada (cửa ngõ vào thành phố Nagasaki) vào khoảng năm 1890 là một trong những bức ảnh độc đáo nhất trong bộ sưu tập.

Nói về bộ sưu tập ảnh cổ này, KTS Đoàn Bắc cho biết, anh không có ý định giữ cho riêng mình mà thông qua việc chia sẻ những bức ảnh này đến với những người bạn, anh mong rằng có thể tìm ra hậu duệ của nhiếp ảnh gia người Pháp, cũng như bằng cách nào đó có thể kết nối và trao tặng lại cho phía Nhật Bản, vì đây là những tư liệu rất quý, nhiều khả năng chưa từng được công bố. Và cũng vì một lý do rất đơn giản như anh nói: “Ảnh phải được trả về nơi mà nó được sinh ra một cách xứng đáng”.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/kien-truc-su-doan-bac-anh-phai-duoc-tra-ve-noi-ma-no-sinh-ra/719395.antd