“Kiếp nô lệ” tại các hãng công nghệ Mỹ

ICTnews - Một số công ty tuyển dụng Mỹ đã biến cuộc sống của nhiều lao động nước ngoài thành địa ngục trần gian cùng với sự “giúp sức”của các hãng công nghệ nước này.

Khi Vimal Patel đang theo học chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) tại London, thì anh đọc được mẩu quảng cáo tuyển dụng lao động sang làm việc tại Mỹ với lời hứa sẽ được làm việc trong ngành công nghệ cao và được “bao cấp” cả khoản visa lao động chuyên nghiệp. Patel đã phải nộp cho công ty có tên là Cygate Software & Consulting (trụ sở tại Edison, bang New Jeasey – Mỹ) hàng ngàn USD tiền lệ phí với mong ước sẽ được bước chân vào thung lũng Silicon, nơi những tên tuổi nổi tiếng như Microsoft, Google, IBM, Qualcomm… của nước Mỹ đang hoạt động. Nhưng ngay khi đến Mỹ, Patel nhanh chóng nhận ra rằng chẳng có công việc trong ngành công nghệ cao hay một mức lương “trong mơ” nào đang chờ đón anh. Công việc hàng ngày của Patel là đứng bơm xăng cho khách tại một kios xăng dầu. Tháng 6/2009, cơ quan điều tra liên bang của Mỹ đã mở một cuộc điều tra vào công ty Cygate và phát hiện Patel cùng với 5 lao động Ấn Độ khác đang làm việc bất hợp pháp bởi họ chưa hề có visa lao động tại Mỹ. Cả 6 người đã bị tuyên án từ 12 đến 18 tháng tù và phải nộp phạt 2.000 USD mỗi người vì tội vi phạm các quy định về visa của nước Mỹ. “Đó là một ngày buồn, rất buồn”, Anthony Thomas, luật sư được tòa án chỉ định đứng ra bào chữa cho Patel nói. Cygate chỉ là một trong số hàng ngàn công ty tuyển dụng vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp nguồn lao động nhập khẩu giá rẻ cho ngành công nghiệp công nghệ cao của nước Mỹ từ nhiều năm nay. Và giờ đây đã đổi tên thành Sterling System sau vụ kiện của Patel. Bên cạnh một số công ty làm việc khá nghiêm chỉnh và có uy tín thì con số những “công ty lừa” ngày càng nhiều. Cũng có một số lao động may mắn được làm việc trong các hãng công nghệ nhưng họ lại phải đối mặt với những vấn đề khác: bị đưa đến làm việc ở những địa điểm rất xa xôi nhưng họ phải trả tiền đi lại cho “nhà thầu”, bị nhà thầu lao động ăn chặn lương, thậm chí là cướp trắng nhiều khoản thu nhập khác mà phía sử dụng lao động đã trả. Lao động nước ngoài tại Mỹ biểu tình đòi được đối xử công bằng Phải công nhận một thực tế rằng những lao động nước ngoài làm việc theo thời vụ từ nhiều năm qua là một lực lượng quan trọng trong hoạt động của các hãng công nghệ Mỹ, đặc biệt mỗi khi cần huy động nhân lực cho các dự án ngắn hạn. “Họ không biết, hay thực ra là không cần biết các lao động đó đến từ đâu, có giấy phép làm việc hợp pháp hay không mà chỉ cần đạt được mục đích kinh doanh của mình”, Ron Hira, Phó giáo sư ngành chính sách công của Viện Công nghệ Rochester nói. Những vụ vi phạm mới được khám phá gần đây tại chính các nhà máy của Qualcomm (hãng sản xuất chip Mỹ) hay tại văn phòng của JPMorgan Chase là những ví dụ điển hình. Trong đơn kiện gửi đến tòa án và Bộ Lao động Mỹ hồi tháng 5/2009, Prasad Nair – một lao động Ấn Độ - tố cáo công ty Unified Business Technologies (UBT) đã lừa anh từ năm 2007 rằng họ sẽ thu xếp cho anh một visa H-1B (visa cho phép làm việc chính thức) và làm việc cho hãng công nghệ Troy ở bang Michigan với mức lương lập trình viên 60.000 USD/năm. Nhưng sau đó UBT đã chuyển anh đến làm việc cho văn phòng của Qualcomm tại San Diego, cùng với đó là việc thường xuyên ăn chặn thu nhập, chậm trả lương, không trả tiền làm thêm giờ hay tồi tệ hơn là ăn chặn cả khoản bảo hiểm y tế. “Thật đáng buồn là cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến ngành công nghệ Mỹ trở thành địa ngục trần gian với không ít lao động nước ngoài”, Ron Hira kết luận.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/nguon-nhan-luc/Kiep-no-le-tai-cac-hang-cong-nghe-My/2009/10/2CMSV3021738/View.htm