Kim cương nhân tạo giá trị thấp người dùng cần cảnh giác

Theo chuyên gia về mỹ nghệ kim hoàn, người tiêu dùng nên cảnh giác với kim cương nhân tạo và tổng hợp khó phân biệt với kim cương thật.

Thị trường trang sức Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn, nhất là vào những mùa mua sắm cuối năm thì kim cương được mệnh danh là vua của các loại đá quý luôn là mặt hàng không thể thiếu trong danh sách lựa chọn của người tiêu dùng.

Báo Thanh Niên đưa tin, tại Hội thảo 'Phân biệt kim cương tổng hợp CVD' vừa diễn ra, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết, hiện trên thị trường đá quý xuất hiện kim cương tổng hợp CVD rất khó phân biệt so với kim cương thật.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM thông tin thêm, kim cương tổng hợp CVD có kích thước nhỏ, lẫn lộn trên thị trường kim cương thật khá nhiều. Các thiết bị giám định kim cương thông thường như bút thử khó phân biệt được CVD và kim cương tự nhiên. Trong khi giá trị của kim cương CVD chỉ vào khoảng 10 - 30% giá trị của kim cương tự nhiên nên trường hợp bị giả, người tiêu dùng sẽ thiệt hại rất lớn.

Kim cương nhân tạo giống y chang kim cương thật nên rất khó phân biệt. Ảnh minh họa

Thông tin thêm về vấn đề trên, báo TTXVN đưa tin, trong những năm qua, kim cương tổng hợp, kim cương nhân tạo đang lưu thông rộng rãi trên thị trường thế giới cũng như tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Lê Hữu Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, kim cương thiên nhiên, ruby... ngày càng khan hiếm và đã bị khai thác cạn kiệt thì việc sản xuất ra kim cương nhân tạo, kim cương tổng hợp là một cuộc cách mạng trong ngành. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào làm xáo trộn thị trường kinh doanh kim cương nói chung cũng như thị trường trang sức nói riêng. Trên thực tế, không ít người tiêu dùng đã chịu thiệt khi đa phần những loại kim cương nhân tạo kia chỉ là những viên đá Cubic Zirconia (hay còn gọi là đá tổng hợp CZ), moissanite,…

Tương tự, ông Đặng Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Giám định Kim cương PNJ (PNJLab) cho hay, kim cương nhân tạo, kim cương tổng hợp được sản xuất với kích thước và giá trị nhỏ nhằm mục đích dễ trộn lẫn trong các lô hàng trang sức, khó kiểm tra và giám định. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2016, PNJLab đã thực hiện kiểm định sản phẩm kim cương cho nhiều khách hàng và phát hiện ra không ít mặt hàng bị làm giả chứng nhận, chỉ số chất lượng.

Người tiêu dùng, khi mua bán mặt hàng kim cương nên tìm chuyên gia trong ngành tư vấn. Ảnh minh họa

Chia sẻ kinh nghiệm phân biệt kim cương thiên nhiên với các loại khác, Ths. Đoàn Thị Anh Vũ, Giảng viên trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP.Hồ Chí Minh cho biết, kim cương tổng hợp có thành phần hóa lý hoàn toàn giống với kim cương thiên nhiên, nhưng cần có khái niệm rõ ràng giữa kim cương tổng hợp và kim cương giả; trong đó, kim cương tổng hợp không phải là kim cương giả, mà được sản xuất trong phòng thí nghiệm với thời gian khá ngắn so với kim cương thiên nhiên, đồng thời giá trị chỉ bằng khoảng 30% kim cương thiên nhiên.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Thành phố Hồ Chí Minh, đây là thời điểm mà các đơn vị kinh doanh cần ưu tiên đầu tư máy móc công nghệ hiện đại trong việc kiểm định kim cương, nhằm tăng cường bảo vệ thương hiệu, quyền lợi của chính đơn vị mình và cho cả người tiêu dùng. Các đơn vị kinh doanh kim cương cần minh bạch và giúp họ phân biệt cũng như hiểu rõ giá trị của kim cương nhân tạo, kim cương tổng hợp với kim cương thiên nhiên.

Vì vậy, theo các chuyên gia, người tiêu dùng, khi mua bán mặt hàng kim cương nên tìm chuyên gia trong ngành tư vấn, kiểm định hàng hóa bởi đơn vị thứ 3 và chọn lựa những thương hiệu uy tín.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/kim-cuong-nhan-tao-gia-tri-thap-nguoi-dung-can-canh-giac-d110745.html