Kim ngạch nhập khẩu rau cải đạt cao nhất từ trước đến nay

(InfoTV) - Kim ngạch nhập khẩu rau cải các loại tháng 8/2009 đạt gần 390 nghìn USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là mức cao nhất đạt được kể từ đầu năm 2009 đến nay.

Kim ngạch nhập khẩu rau cải các loại trong tháng 8/2009 đạt 387,142 USD tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước với gần 11%. Tuy nhiên, dự báo trong những tháng cuối năm khi bước vào vụ chính của loại rau này kim ngạch nhập khẩu sẽ giảm. Hiện nay, nhờ vào yếu tố tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ cộng thêm địa hình núi cao nên đã có khá nhiều vùng chuyên canh trồng các loại rau xứ lạnh như là Sâp, Đà Lạt, Ba Vì… Do đó, lượng rau sản xuất trong nước cũng phần nào cung ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Song cũng dưới sự tác động của yếu tố mùa vụ nên vẫn phải nhập khẩu một lượng rau cải đáng kể. Trong tháng 8/2009, rau cải các loại được nhập khẩu từ 1 nguồn cung duy nhất là Trung Quốc. Trong khi năm trước, ngoài Trung Quốc loại rau này được nhập khẩu từ các nguồn khác như: Italia, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Bỉ… Hiện nay, Trung Quốc không chỉ là nguồn cung lớn về rau cho Việt Nam mà hầu hết hàng hóa đều được nhập với khối lượng và kim ngạch lớn từ nguồn này. Sở dĩ là do giá nhập khẩu từ Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nguồn cung khác. Hơn nữa, là sự đa dạng về chủng loại và ổn định về ngồn cung tạo điều kiện thuận lợi cho người mua có nhiều lựa chọn. Chi phí vận chuyển thấp hơn so với các nguồn cung khác cũng là yếu tố quyết định đến lượng và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nguồn này, đặc biệt là các loại rau (loại hàng hóa có thời gian bảo quản ngắn, dễ hỏng). Có 5 loại rau cải được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trong tháng 8. Đó là rau bắp cải, cải nước, cải thảo, củ cải muối và củ cải trắng tươi. Chủng loại rau cải nhập khẩu có phần bị thu hẹp hơn so với năm trước do chỉ nhập từ một nguồn cung duy nhất. Tuy nhiên, hầu hết các loại rau cải được nhập khẩu trong năm 2009 có mặt trong danh mục nhập khẩu tháng 8/2008 đều có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Cụ thể: Bắp cải là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất, đạt 288,6 nghìn USD, chiếm 74,5% tổng lượng rau cải nhập khẩu, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Hiện tại ở Việt Nam các loại rau bắp cải chỉ được trồng ở các vùng có khí hậu mát mẻ như Sâp, Đà Lạt và các vùng núi cao. Do đó, lượng rau cung ứng cho thị trường có phần hạn chế. Trong khi nhu cầu tiêu dùng loại rau này vẫn khá cao, điều này đã góp phần làm tăng thêm lượng và kim ngạch nhập khẩu. Dự báo trong thời gian tới, khi nước ta bước vào mùa đông, kim ngạch nhập khẩu loại rau này sẽ giảm. Cải thảo tươi: Cùng giống với rau bắp cải, nguồn cung trong nước hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cho nên đây cũng sẽ là một mặt hàng được nhập khẩu nhiều. Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu rau cải thảo tươi đạt 65,5 nghìn USD, chiếm 16,9% tổng lượng rau cải nhập khẩu. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu cải thảo tươi tăng hơn 87%. Các vùng chuyên canh trồng rau của nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự mở rộng diện tích trồng loại rau này nên khả năng tăng nhập khẩu trong thời gian tới là rất lớn. Dự báo, kim ngạch nhập khẩu cải thảo tươi trong tháng tới đạt khoảng 70-80 nghìn USD. Cải nước: Kim ngạch nhập khẩu loại rau này không cao, đạt khoảng 14,6 nghìn USD chỉ chiếm 3,8% tổng kim ngạch nhập khẩu rau cải. Thế nhưng rau cải nước lại có tốc độ tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm trước, tăng gần 250% và tỉ trọng trong cơ cấu nhập khẩu rau cải cũng tăng khoảng 25. Củ cải muối: Đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng nhanh với hơn 190% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch nhập khẩu củ cải muối khá thấp, chỉ đạt 9,4 nghìn USD và chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ là 2,4% trong cơ cấu kim ngạch nhập khẩu rau. Mặc dù trong nước sản phẩm này cũng được sản xuất nhưng do cung không đủ đáp ứng cầu nên vẫn phải nhập khẩu với số lượng đáng kể. Sản phẩm nhập khẩu thuộc về nhóm rau cải cuối cùng là củ cải trắng tươi với kim ngạch đạt 8,9 nghìn USD. Đây là loại rau mới có tên trong danh mục nhập khẩu, nó là nguyên liệu chính để làm củ cải muối và các sản phẩm khác làm từ củ cải, dự báo trong thời gian tới kim ngạch nhập khẩu loại rau này sẽ tăng đáng kể. Trong số 5 chủng loại cải nhập khẩu vào thị trường Việt Nam thì chỉ có rau bắp cải tươi, cải thảo tươi và cải ước là có sự biến động về giá nhập khẩu. Có 2 trong số đó là bắp cải tươi và cải thảo tươi là tăng giá nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu trung bình các loại rau bắp cải tăng khoảng 3,5% lên 80 USD/T, tăng 2,7 USD/T. Giá nhập khẩu rau cải thảo tăng cao hơn với 5,8%, tương đương với 5,6 USD/T. Hiện nay, mức giá nhập khẩu trung bình rau cải thảo tươi đạt 101,4 USD/T. Dự báo trong những tháng cuối năm, giá nhập khẩu 2 loại rau này sẽ “hạ nhiệt” bởi thị trường trong nước cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu tiêu dùng của người dân và nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Ngược lại, giá nhập khẩu cải nước giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm ước tính khoảng 25%. Trên thực tế, với mỗi kg rau cải nước giá nhập khẩu giảm khoảng 0,1 USD/kg (tức là khoảng 100 USD/T). Đây là mức giảm khá cao so với mức giảm của các loại rau nói chung. Vinanet

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/38364-kim-ngach-nhap-khau-rau-cai-dat-cao-nhat-tu-truoc-den-nay