Kinh doanh sòng phẳng cùng báo chí 'sạch'

Với sự phát triển về công nghệ và thông tin như hiện nay, báo chí được các DN đánh giá là bạn đồng hành, vừa là nơi cung cấp thông tin, vừa là nơi phản ánh, truyền tải tiếng nói của DN tới cơ quan Nhà nước. Mặc dù đây là mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng báo chí và DN vẫn còn nhiều dư địa để nỗ lực hoàn thiện, tiếp tục cùng hợp tác vì sự phát triển chung.

Báo chí và DN phải cùng đồng hành để thúc đẩy sự phát triển (Trong ảnh: Báo chí phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam) . Ảnh: H.D.

Báo chí là động lực

Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đã đưa ra yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động đúng quy định, phản ánh đúng tình hình; phát huy vai trò hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tôn vinh DN hoạt động đúng pháp luật và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Bộ này cũng phải thống kê, tổng hợp các tin, bài báo chí phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của DN gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Sau hơn 1 năm triển khai và thực hiện, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng cho 67 đài phát thanh, truyền hình cùng 97 báo điện tử và hơn 200 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí triển khai tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả về Nghị quyết 35. Nhờ đó, niềm tin trong cộng đồng DN đã được nâng cao, nhiều vướng mắc của DN được giải quyết, giúp cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.

Nhận xét về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho hay, báo chí đã đồng hành, chia sẻ với cộng đồng DN. Nếu như trước đây, báo chí và DN chỉ hợp tác trong quảng bá, xây dựng thương hiệu, thì hiện nay, báo chí đã phản ánh tất cả những khó khăn về cơ chế chính sách, tấm gương DN làm ăn tiêu biểu, cùng đó báo chí còn nêu đích danh DN trốn thuế, DN không thực hiện đầy đủ chính sách. Có thể nói, báo chí hiện đã phản ánh được hết tình hình sống còn của DN, nên cùng với việc hiện đại hóa báo chí, mở rộng đa phương tiện truyền thông, báo chí đã trở thành kênh thông tin tốt cho DN trong việc tiếp cận các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, báo chí và DN có mối “duyên” với nhau, báo chí cần DN để đưa thông tin, phản ánh cả mặt tích cực và tiêu cực của DN, DN còn là nguồn hỗ trợ tài chính to lớn và không thể thiếu đối với hoạt động của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, DN cần thông qua báo chí để kết nối, gắn kết với nhau, truyền bá, thông tin về thương hiệu. Không những thế, DN cần báo chí để có cái nhìn đa chiều, tổng thể về một vấn đề nào đấy, để từ đó đưa ra được phương hướng giải quyết hợp lý.

Trong một cuộc hội thảo về báo chí với DN, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá, báo chí luôn là người bạn đồng hành, chung thủy với DN, doanh nhân trong suốt công cuộc đổi mới những năm qua. Công cuộc cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng và báo chí là một trong những lực lượng có công đầu. Thông qua báo chí, những sáng kiến, ý kiến từ phía DN đã trở thành áp lực và động lực thúc đẩy cải cách thể chế.

Nhớ lại thời điểm này năm trước, câu chuyện gây xôn xao cộng đồng DN là vụ việc của quán cà phê “Xin Chào”. Theo đó, ông chủ của quán cà phê này đã bị các cơ quan tố tụng của địa phương khởi tố về tội “Kinh doanh trái phép”. Có lẽ vụ việc sẽ bị lãng quên và người chủ quán phải chấp nhận chịu án oan nếu không có sự vào cuộc của báo chí. Hàng loạt bài báo của nhiều cơ quan báo chí được triển khai dưới mọi góc nhìn, từ của chuyên gia kinh tế, luật sư, cộng đồng DN cho đến các cơ quan chức năng từ cấp địa phương đến trung ương… Vụ việc đến “tai” Thủ tướng nên ngay sau đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo không hình sự hóa hoạt động kinh doanh, chủ quán cà phê được minh oan, những cán bộ điều tra trong vụ án đã bị xử lý.

Cần nhiều hơn sự hợp tác

Tất nhiên, không một ngành nghề nào đảm bảo 100% độ trong sạch, báo chí hay DN đều có những “hạt sạn” cần nhặt bỏ. Những vụ việc như Trưởng văn phòng đại diện báo K. cùng 2 nhân viên bị bắt về hành vi cưỡng đoạt tài sản; hai cộng tác viên của một tờ báo tại Nghệ An đã bị bắt khi yêu cầu DN phải chi 50 triệu đồng nếu không sẽ đăng bài về những sai phạm của DN… Hơn nữa, nhiều DN còn phản ánh về việc báo chí vô tình hay cố ý quy kết tội cho DN, gây hoang mang trong dư luận.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cho hay, có nhiều vụ việc, khi cơ quan thanh tra chưa có kết luận để khẳng định hay phủ định về sai phạm của DN, nhiều báo đã có thông tin để đăng bài; nhưng bài đăng lại không cụ thể, có những câu cảm thán, chấm lửng, câu hỏi… gây hiểu lầm cho người đọc, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của DN. Bên cạnh đó, đại diện cho nhiều DN, ông Mạc Quốc Anh còn phản ánh về tình trạng “lộng quyền” của các cộng tác viên, khi họ mang danh tờ báo để có những hành vi “vòi vĩnh”, trục lợi DN.

Chính vì có những “con sâu làm rầu nồi canh” như thế, mà không ít DN bày tỏ việc “ngại” gặp báo chí vì sợ mời quảng cáo, sợ lộ thông tin, sợ “nói hớ”…, thậm chí có DN còn cho rằng, được báo chí kể tốt về DN thì e rằng dễ bị các cơ quan quản lý “chú ý”… Đây thực sự là “cái khó” của DN và là “nỗi khổ” của các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, các chuyên gia đều mong muốn báo chí cùng DN tìm ra con đường chuẩn, tạo được sự hài hòa, gắn kết với nhau. Ví dụ như nếu có một vụ việc gây bức xúc dư luận, có sự tranh cãi giữa các cơ quan nhà nước và DN, thì báo chí phải là người vào cuộc, là người đứng giữa để phản ánh, phân tích, đưa ra những trường hợp tương tự đã xảy ra trên thế giới để DN và những nhà quản lý tìm hiểu và đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Do vậy, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, DN và báo chí phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đặc biệt, DN và báo chí cùng làm ăn chân chính, thì chắc chắn, báo chí sẽ là nguồn động viên, khuyến khích, là “cánh tay” để kéo DN cùng tiến lên, đi vào hướng phát triển lành mạnh.

Trong bối cảnh các bộ, ngành phải chung tay, vào cuộc để tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, trong đó DN là nòng cốt thì báo chí chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc. Hơn nữa, với một nền kinh tế hội nhập toàn cầu, vai trò của báo chí lại lớn hơn bao giờ hết. Vì thế, việc thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là trách nhiệm, là “cái tâm” của những người làm báo để cùng đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kinh-doanh-song-phang-cung-bao-chi-sach.aspx