Kinh Môn- Hải Dương: Nỗ lực về đích huyện nông thôn mới

Kinh Môn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc giữa hai trung tâm kinh tế lớn là Quảng Ninh và Hải Phòng, có Quốc lộ 17B chạy qua...

Huyện được bao bọc bởi 4 con sông lớn, cùng hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường huyện hình thành nên mạng lưới giao thông thủy, bộ rất thuận lợi. Tiềm năng khoáng sản phong phú là nguồn lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Là huyện miền núi nhưng Kinh Môn là huyện có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển tốp đầu của tỉnh, và đang làm hồ sơ để được công nhận là huyện nông thôn mới trong cuối năm 2017.

Một góc Kinh Môn (nguồn Báo Hải Dương).

Ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Ban chỉ đạo XDNTM được thành lập do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, Phó Trưởng ban gồm 02 đồng chí: Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cùng 22 đồng chí là lãnh đạo Huyện ủy, UBND, các phòng, ban có liên quan; văn phòng điều phối NTM do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chánh Văn phòng. Ban chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, sâu rộng làm thay đổi nhận thức và hành động của mọi cán bộ và người dân, tạo nên sự đồng thuận cao trong mọi chương trình, hành động. Quy chế dân chủ thực hiện tốt ở cơ sở với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ đó, chương trình XDNTM ở huyện Kinh Môn được tiến hành nhanh, gọn, có hiệu quả cao, làm tiền đề để Kinh Môn trở thành thị xã vào năm 2018.

Đến nay, 22/22 xã của huyện đã về đích NTM, 9/9 tiêu chí huyện NTM đều hoàn thành. NTM làm cho diện mạo của Kinh Môn tươi mới hơn, người dân vui mừng, hăng say hơn trong lao động sản xuất. Hệ thống giao thông đường huyện, xã được bảo trì đúng quy định. Hệ thống thủy lợi của các xã được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống thủy lợi chung của huyện. Mạng lưới điện trên địa bàn đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phục vụ sản xuất và dân sinh.

Về tiêu chí y tế, Trung tâm y tế huyện làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh lao động, nước sạch…, các bệnh viện đa khoa thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế. Các trạm y tế cấp xã cơ bản đạt Bộ tiêu chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020.

Tiêu chí văn hóa: 25 xã, thị trấn đều có nhà văn hóa, sân vận động, 103/112 làng, khu dân cư đạt làng, khu dân cư văn hóa. Trung tâm văn hóa- thể thao huyện có đầy đủ các công trình đạt chuẩn, đảm bảo tốt việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, giúp nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Về giáo dục, nhờ phát huy phong trào dạy và học, nhiều năm liền, Kinh Môn là huyện đứng trong tốp đầu của tỉnh về giáo dục. Huyện có 6 trường THPT, trong đó có 4 trường công lập và 2 trường tư thục. Đến nay, 2 trường đã chuẩn Quốc gia, 2 trường đang chờ thẩm định để được UBND tỉnh phê chuẩn trường đạt chuẩn Quốc gia. Đối với tiêu chí số 6 về sản xuất, huyện đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cây lúa, hành, tỏi, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Nhiều HTXDVNN đã triển khai hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà” như xã An Phụ, Hiệp Hòa, Hiến Thành…

Môi trường là một tiêu chí khó đối với huyện Kinh Môn, nhưng huyện luôn quản lý chặt chẽ, phát hiện và xử lý theo đúng thẩm quyền, đúng quy định khi phát hiện sai phạm. Đối với chất thải sinh hoạt, trên địa bàn có 4 đơn vị chuyên thu gom rác tại các xã, thị trấn, tần suất 1-3 lần/ tuần. Đối với chất thải rắn công nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn trong lĩnh vực xi măng, luyện kim, khai thác khoáng sản đều ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Một số đơn vị đã tái chế sử dụng chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải nguy hại, cơ bản các công ty lớn đều có khu lưu giữ và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có đủ chức năng xử lý. Các cụm công nghiệp tuy chưa có đánh giá tác động môi tường, chưa có hệ thống xử lý nước thải, nhưng phần lớn các doanh nghiệp sản xuất trong cụm CN đều có công trình bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Về tiêu chí an ninh, trật tự xã hội, hằng năm, Huyện ủy có nghị quyết, UBND huyện có kế hoạch về công tác ANTT, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không để tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, đơn thư vượt cấp trái pháp luật, không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, kiềm chế các loại tội phạm, lực lượng vũ trang huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại địa phương.

Để gặt hái được những thành quả trên, Ban chỉ đạo đã có cách làm sáng tạo, sâu sát cơ sở để nắm bắt tình hình, có biện pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng địa phương, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ có đủ trình độ để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ XDNTM. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, phát huy tối đa quy chế dân chủ ở cơ sở. Lựa chọn cách đi phù hợp với điều kiện của huyện, đó là đa dạng hóa việc huy động nguồn lục theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Huyện coi trọng chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình, lựa chọn những xã có ưu thế về điều kiện tự nhiên để làm điển hình, qua đó rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào.

Trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hải Dương là một nền tảng vững chắc để Kinh Môn có những bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội những năm tiếp theo.

Ngô Huệ

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/kinh-mon-hai-duong-no-luc-ve-dich-huyen-nong-thon-moi-p53054.html