Kinh nghiệm một số nước về quản lý và điều tiết thị trường vàng

Bài viết trình bày kinh nghiệm quản lý và điều tiết thị trường vàng của một số nước trong khu vực có ý nghĩa tham khảo cho Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, và Malaysia.

Việt Nam cần có những chính sách cần thiết để thị trường vàng hoạt động tự do nhất có thể. Ảnh: LÊ VŨ

Việt Nam cần có những chính sách cần thiết để thị trường vàng hoạt động tự do nhất có thể. Ảnh: LÊ VŨ

Trung Quốc

Kể từ năm 1949, thị trường vàng và trang sức đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quản lý và giám sát. Sàn Giao dịch vàng quốc tế Thượng Hải chính thức được thành lập vào năm 2014. Nó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua bán vàng tại Trung Quốc. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc đang dần bước chân vào thị trường vàng London trong những năm gần đây. Năm 2016, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã gia nhập Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London để cùng thiết lập tiêu chuẩn giá vàng.

Các ngân hàng Trung Quốc muốn mở rộng danh tiếng và tầm ảnh hưởng tại thị trường phương Tây. Chúng có thể ảnh hưởng đến vị trí thống trị của London trên thị trường vàng toàn cầu ở một mức độ nào đó. Hơn nữa, năm 2016 Thượng Hải đã giới thiệu cơ chế định giá mới bằng nhân dân tệ tại Sàn Giao dịch vàng quốc tế Thượng Hải. Đây là một bước đi nhằm thách thức vị trí của London.

Trong những năm gần đây, chính sách của Trung Quốc đã dần dần mở cửa thị trường vàng. Các nhà đầu tư quốc tế có thể đầu tư vào thị trường vàng Trung Quốc và các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục có thể tiếp cận thị trường vàng nước ngoài thông qua Hồng Kông. Kết quả là thị trường vàng Trung Quốc đã trải qua những thay đổi về cơ cấu. Sự ra mắt của Sàn Giao dịch vàng quốc tế Thượng Hải đã thu hẹp chênh lệch giá. Ngoài ra, một số chính sách tác động lên thị trường vàng, chẳng hạn như kết nối vàng Thượng Hải – Hồng Kông, làm giảm sự biến động trong chênh lệch giá. Điều này thể hiện thị trường vàng Trung Quốc đang dần hội nhập với thị trường vàng quốc tế và cho thấy sức mạnh của những nỗ lực chính sách của Chính phủ Trung Quốc.

Cũng như các hoạt động kinh doanh và các loại hàng hóa khác, Trung Quốc đã có chiến lược và chiến lược cụ thể trong việc xác lập vai trò quốc tế trong các hoạt động kinh doanh vàng toàn cầu. Để có thể đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã đưa thị trường vàng hội nhập và liên thông với thế giới bằng các chuẩn mực thị trường cần thiết.

Nỗ lực của Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài. Theo thông tin của Hội đồng Vàng thế giới, Thượng Hải cùng với London và Sàn Giao dịch các hợp đồng tương lai của Mỹ là ba trung tâm chính, chiếm hơn 90% tổng giao dịch vàng toàn cầu. Trong đó, khối lượng giao dịch hàng ngày tại hai sàn giao dịch vàng ở Trung Quốc (Sàn Giao dịch các hợp đồng tương lai và Sàn Giao dịch vàng quốc tế Thượng Hải) chiếm hơn 11% tổng giá trị giao dịch vàng hàng ngày toàn cầu.

Ấn Độ

Có sự khác biệt đáng kể trong diễn biến giá vàng ở Ấn Độ trong các giai đoạn trước và sau khi tự do hóa thị trường vàng. Nguyên nhân do sự thay đổi chế độ kiểm soát ở thời kỳ tiền tự do hóa (1964-1990) sang sự pha loãng tỉ mỉ ở thời kỳ hậu tự do hóa (từ năm 1991). Do đó, thời kỳ tự do hóa đã chứng kiến một xu hướng đi lên trong động lực giá và chỉ thỉnh thoảng giảm bớt trong chu kỳ giá.

Ngành trang sức ở Ấn Độ không được thúc đẩy từ bên trong vì hầu hết nguyên liệu đầu vào đều được nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu giá trị gia tăng. Có những tác động tích cực là kết quả của tự do hóa và cơ giới hóa. Giá vàng cho thấy sự kết hợp giữa giá cả trong nước với các tín hiệu toàn cầu. Trong giai đoạn tiền – hậu – phân đôi, giai đoạn hậu tự do hóa được tích hợp với giá cả toàn cầu nhiều hơn so với giai đoạn tiền tự do hóa.

Tuy nhiên, hiện nay Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng nhập lậu vàng do mức thuế xuất nhập khẩu vàng chính thức cao (18,5%). Đây là vấn đề Việt Nam cần cân nhắc khi đưa ra những loại thuế với vàng nhập khẩu chính thức.

Thái Lan

Thái Lan có 12 tập đoàn kinh doanh và xuất nhập khẩu vàng, 60 doanh nghiệp bán buôn và 9.000 cửa hàng bán lẻ. Các doanh nghiệp, cửa hàng vàng đăng ký kinh doanh dưới sự quản lý của Bộ Thương mại Thái Lan (trong khi các tập đoàn xuất nhập khẩu vàng phải đăng ký bổ sung với Cục Thuế và Cục Hải quan). Ngoài ra, các tập đoàn xuất nhập khẩu vàng còn phải là thành viên của Hiệp hội Buôn bán vàng Thái Lan vì hiệp hội này rất có uy tín trong đối thoại với Chính phủ Thái Lan.

Giao dịch vàng phi vật chất được thực hiện dưới hình thức hợp đồng tương lai tại Sở Giao dịch tương lai Thái Lan. Về thuế suất, tất cả giao dịch xuất nhập khẩu vàng trang sức, vàng miếng đều không phải chịu thuế. Theo quy định của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, các ngân hàng thương mại không được phép kinh doanh, bán vàng mà chỉ được cung cấp dịch vụ thu đổi ngoại tệ cho các công ty kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng.

Singapore

Là trung tâm vàng và điểm trung chuyển cho các giao dịch vàng vật chất trong khu vực ASEAN, thị trường vàng Singapore bao gồm 120 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức và 35 ngân hàng thương mại. Ngoài ra, Singapore còn có khu ngoại quan để chứa vàng miếng phục vụ hoạt động tạm nhập tái xuất cùng với nhà máy luyện vàng tiêu chuẩn.

Hoạt động kinh doanh vàng vật chất chịu sự quản lý của Bộ Thương mại và Cục Thuế nội địa Singapore. Các giao dịch vàng phi vật chất được quản lý bởi Sàn Giao dịch chứng khoán Singapore – SGX và Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore. Về thuế, tất cả hoạt động kinh doanh vàng vật chất tại Singapore phải chịu thuế 8%. Tuy nhiên, các giao dịch vàng phi vật chất và dịch vụ xuất nhập khẩu được miễn thuế.

Malaysia

Hoạt động kinh doanh, mua bán vàng vật chất chịu sự quản lý của Bộ Thương mại và Cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính Malaysia. Hoạt động mua bán vàng phi vật chất được thực hiện dưới hình thức tài khoản đầu tư vàng và tích lũy vàng của các ngân hàng thương mại hàng đầu như Maybank, CMB và Public Bank hoạt động dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Malaysia. Về thuế suất, thuế bán hàng và dịch vụ của khối kinh doanh vàng bạc đá quý là 0%.

Tóm lại, từ kinh nghiệm các nước, Việt Nam cần có những chính sách cần thiết để thị trường vàng hoạt động tự do nhất có thể nhằm có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Các chính sách nên theo triết lý nắn dòng để thị trường vàng hoạt động lành mạnh thay vì sử dụng các công cụ hành chính tạo ra những bóp méo. Trong các chính sách đối với vàng, việc sử dụng các công cụ thuế, nhất là thuế nhập khẩu cần hết sức lưu ý vì vàng là mặt hàng rất dễ vận chuyển và nhập lậu. Nếu áp dụng những mức thuế không hợp lý sẽ gặp phải thách thức như đang xảy ra với Ấn Độ.

Ở góc độ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến mất an toàn hệ thống như đã từng xảy ra, việc có các quy định đảm bảo an toàn và giám sát thận trọng đối với các hoạt động liên quan đến vàng nói riêng, các loại tài sản tài chính của các tổ chức tài chính nói chung, là hết sức quan trọng.

Huỳnh Thế Du - Nguyễn Xuân Thành

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-ve-quan-ly-va-dieu-tiet-thi-truong-vang/