Kinh tế 4 tháng 2021: Nhà đầu tư 'mạnh tay' rót vốn lập doanh nghiệp, CPI thấp nhất kể từ 2016

Bất chấp dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, hoạt động kinh tế của Việt Nam đang từng bước phục hồi, thể hiện qua các chỉ số như số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong các năm 2017 - 2021, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 24,1%, xuất siêu đạt 1,29 tỷ USD, trong khi chỉ số CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Sáng 29/4, Tổng cục Thống kê công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2021. Nhiều kết quả cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp thành lập mới 'kỷ lục'

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng cao nhất trong các năm 2017-2021 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế; vốn đăng ký tăng 41%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, trong tháng 4/2021, cả nước có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 179,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 94,6 nghìn người, tăng 33,1% về số doanh nghiệp, tăng 59,1% về vốn đăng ký và tăng 30% về số lao động so với tháng 3/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 19,6% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, cả nước còn có 5.745 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước; 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 107,8% và tăng 11,6%; 5.608 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 62,2% và tăng 158,9%; 1.541 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2% và tăng 57,2%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 627,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 340,3 nghìn lao động, tăng 17,5% về số doanh nghiệp, tăng 41% về vốn đăng ký và tăng 7,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 792,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 14,9 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021 là 1.420,6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có gần 19,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 63,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

"Kết quả trên cho thấy, sau thành công thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021-2025 tăng lên. Đây là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, vẫn còn 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: hơn 28,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước; 16,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,5%; 6,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,2%. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Sản xuất công nghiệp tăng 24,1%

Sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 ước tính tăng cao 24,1% so với cùng kỳ năm trước khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, đồng thời các Hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả nên hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động trở lại. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 3,8% và tăng 1,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% và tăng 29,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6% và tăng 16,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% và tăng 11,1%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6% (cùng kỳ năm trước giảm 6,5%), đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước giảm 0,3%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,7% (cùng kỳ năm trước giảm 6,8%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Xuất siêu đạt 1,29 tỷ USD

Ước tính tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%. Trong 4 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Ước tính tháng 4/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 35,69 tỷ USD, tăng 24,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,92 tỷ USD, tăng 34,2%. Trong 4 tháng đầu năm 2021 có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 3/2021 xuất siêu 1,2 tỷ USD; quý I xuất siêu 2,79 tỷ USD; tháng 4 ước tính nhập siêu 1,5 tỷ USD. Ước tính 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu 1,29 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,21 tỷ USD.

Thống kê cũng cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2021 ước tính đạt 19,5 nghìn lượt người, tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến ước tính đạt 67,6 nghìn lượt người, giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước.

CPI 4 tháng tăng 0,89%, thấp nhất kể từ năm 2016

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 4/2021, giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Cụ thể, CPI tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 4/2021 tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,70% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tháng 4/2021 tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,89% và tăng 7,82%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 0,32% và tăng 4,49%; dùng cho xây dựng tăng 0,18% và tăng 2,06%.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kinh-te-4-thang-2021-nha-dau-tu-manh-tay-rot-von-lap-doanh-nghiep-cpi-thap-nhat-ke-tu-2016-1078122.html