KINH TẾ CHƯ SÊ: Khai thác hiệu quả các lợi thế

Hạn hán, lốc xoáy, nhất là ảnh hưởng của bão số 9 và 11… gây thiệt hại rất lớn, nhưng nhờ có những giải pháp cấp bách, hiệu quả, kinh tế - xã hội của huyện Chư Sê (Gia Lai) năm 2009 tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15%, với giá trị sản xuất đạt 1.594,36 tỷ đồng, bằng 115% so với cùng kỳ năm trước.

Hồ tiêu Chư Sê có giá trị xuất khẩu cao CôngThương - Trong đó, nông lâm nghiệp đạt 804,48 tỷ đồng, tăng 10%; công nghiệp - xây dựng 439,46 tỷ đồng, tăng 23,3%; dịch vụ thương mại 350,42 tỷ đồng, tăng 18,7%. Thu nhập bình quân đầu người là 10,63 triệu đồng/người/năm, tăng 10%. Các lĩnh vực xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển: tỷ lệ hộ nghèo giảm; giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học luôn được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, văn hóa thông tin, khoa học công nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm phát triển. Cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng… Những kết quả trên được bắt nguồn từ việc đưa ra các giải pháp đúng đắn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc quy hoạch, bố trí, điều chỉnh cơ cấu cây trồng vật nuôi ở từng vùng nhằm phát huy lợi thế của thiên thời địa lợi, nhân hòa, huy động tối đa nguồn lực và khai thác các lợi thế tốt nhất của huyện. Về kinh tế, Chư Sê đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm đặc thù như: Cao su, hồ tiêu, cà phê… Sản phẩm cao su được chứng nhận đạt chất lượng ISO 9001:2000 của tổ chức đánh giá chất lượng TUVNORD (Đức); cà phê Utz Certifed, cà phê 4C được cấp chúng chỉ xuất xứ hàng hóa; thương hiệu hồ tiêu Chư Sê được nhà nước bảo hộ trên toàn quốc, nổi tiếng trong và ngoài nước. Thời gian qua, thực hiện chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư của Trung ương, của tỉnh Gia Lai, nhất là thực hiện chương trình hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và TP. HCM, đã có nhiều nhà đầu tư đến huyện Chư Sê xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, phát triển trồng cao su , đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm, nhất là cho đồng bào dân tộc tại chỗ, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Với cụm công nghiệp có diện tích 50,5 ha đã quy hoạch hoàn chỉnh, 13 doanh nghiệp nhà nước, 1 nhà máy chế biến tiêu sạch xuất khẩu có công suất 5.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến cao su có công suất 10.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất phân vi sinh hữu cơ công suất 6.000 tấn/năm; 60 DNTN, công ty cổ phần; công ty TNHH; HTX và đại lý hoạt động thu mua, chế biến tiêu thụ nông sản hồ tiêu, cà phê và cao su có hiệu quả, tạo điều kiện để Chư Sê tăng trưởng nhanh về kinh tế và có tỷ lệ hộ nghèo thấp dưới mức bình quân chung của tỉnh. Tuy nhiên, thế mạnh để phát triển của Chư Sê còn rất lớn, đó là vùng nguyên liệu nông sản chất lượng, cho giá trị xuất khẩu cao, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước từ 15.000-20.000 tấn hồ tiêu; 20.000 tấn cà phê; 10.000 tấn cao su. Bên cạnh đó là tiềm năng phát triển dịch vụ - du lịch như: Hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường đang được tỉnh Gia Lai xếp vào một trong 20 dự án trọng điểm của tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư. Sau khi chia tách huyện theo Nghị quyết số 43/NQ-CP, ngày 27/8/2009 của Chính phủ, huyện Chư Sê còn lại 64.296,27 ha diện tích tự nhiên, với 14 đơn vị hành chính xã và 1 thị trấn; số lượng xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ chiếm tới 53,3%, nhu cầu đầu tư về phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo là rất lớn. Hơn thế, đội ngũ cán bộ công chức chưa được tuyển dụng, bổ sung kịp thời, nên bước đầu sẽ gặp một số khó khăn nhất định…Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, thời gian tới huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng , hỗ trợ sản xuất, hợp tác phát triển các dự án chăn nuôi, sử dụng hiệu quả các gói kích cầu, các chương trình đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, xúc tiến việc xây dựng và đưa trung tâm dạy nghề đi vào hoạt động…; áp dụng chính sách đầu tư thuận lợi, nhất quán, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, các đơn vị doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê, hồ tiêu xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc, phân bón, phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các loại hình dịch vụ. Tất cả vì mục tiêu đưa Chư Sê tăng trưởng mạnh hơn theo hướng tích cực, hướng tới một thị xã trẻ, năng động, đầy triển vọng khu vực phía Nam, tỉnh Gia Lai. SQ&HP Hồ tiêu Chư Sê có giá trị xuất khẩu cao

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/kinh-te-chu-se-khai-thac-hieu-qua-cac-loi-the/32/0/28887.star