Kinh tế - Nhìn từ sức khỏe doanh nghiệp

Cộng đồng DN đang rất hy vọng một hành động quyết liệt thực sự từ các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách và chính quyền các cấp.

Dấu hiệu “sáng” nhưng chưa “tỏ”

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng qua, cả nước có 11.872 DN đã quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là yếu tố tích cực khi một bộ phận DN sau thời gian hoạt động và khẳng định được vị trí trên thị trường đã linh hoạt, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Cũng trong 9 tháng qua, đã có 53.192 DN đăng ký thành lập mới, tuy so với cùng kỳ năm trước số lượng không bằng nhưng số vốn thì cao hơn. Số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 9 tháng đạt 6 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong 9 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế của các DN là 741,8 nghìn tỷ đồng.

“Đây là yếu tố tích cực khi một bộ phận DN sau thời gian hoạt động và khẳng định được vị trí trên thị trường đã linh hoạt, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi giai đoạn khó khăn”, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận về những con số trên.

Ảnh minh họa

Khẳng định bức tranh kinh tế đã sáng hơn rất nhiều và đà phục hồi kinh tế đã rõ nét, các giải pháp đã đề ra là đúng và trúng, nhưng TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam và PGS-TS. Trần Đình Thiên cùng có quan điểm: Hãy nhìn vào một vài điểm tối vẫn tồn tại để thấy thực trạng để tìm giải pháp cho hiệu quả hơn. Đó là thực trạng khó khăn của DN, là sức khỏe DN. Còn TS. Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý thêm, sức khỏe của nền kinh tế nên nhìn từ khu vực DN tư nhân.

Quay trở lại con số thống kê, trong 9 tháng năm nay, cả nước có 48.330 DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Tổng vốn đăng ký của các DN gặp khó khăn trong 9 tháng là 408.146 tỷ đồng. Bà Hằng lưu ý rằng, như vậy tỷ lệ DN ngừng hoạt động và giải thể vẫn cao. Quy mô vốn trung bình của DN giảm, tỷ lệ DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ lại cao hơn so với trước.

Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của cộng đồng DN chưa theo kịp nhu cầu thị trường và sự phát triển chung của khu vực. DN quy mô nhỏ và yếu về năng lực sản xuất khiến cho các DN Việt Nam khó gắn kết với chuỗi cung ứng, mạng sản xuất khu vực và toàn cầu, khiến năng lực cạnh tranh bị hạn chế và cơ hội mở rộng thị trường bị ảnh hưởng.

Triển khai chính sách, thiếu điều kiện, chế tài

Khẳng định nỗ lực đi cùng DN, chủ động kết nối với DN của ngành NH, nhưng bà Hằng cũng nêu cái khó của cả hai phía trong việc đưa tín dụng tăng. Theo bà Hằng, NHNN cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về thực tiễn triển khai chính sách để tăng lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư... Điều đó không chỉ khích lệ nỗ lực của DN mà giúp DN vững vàng niềm tin, mạnh dạn sử dụng nguồn vốn tự có hoặc huy động trên thị trường tài chính để đầu tư, góp phần ổn định hệ thống tài chính.

Ông Thiên lưu ý, xu hướng phục hồi mong manh của nền kinh tế vẫn kéo dài cho thấy tác dụng ngắn hạn của các chính sách, giải pháp chưa rõ ràng. Những vấn đề cần giải quyết tuy đã có kết quả nhưng vẫn chậm hơn kỳ vọng. Và ông cho rằng cần xem lại vì sao chậm, liệu có phải cách làm đúng nhưng chưa chịu làm hay vẫn còn kém mạnh dạn trong việc sáng tạo trong thực thi?

TS.Cao Sỹ Kiêm bên cạnh khẳng định hiệu quả bước đầu đã có, song cũng thẳng thắn cho rằng, giai đoạn đầu - những tháng ở phía nửa đầu năm - vẫn có tình trạng chính sách đúng nhưng thực hiện chậm. Ông bày tỏ kỳ vọng sẽ có những hành động thực sự mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa trong những tháng tới đây để sự phục hồi hết mong manh. Thực tiễn chỉ ra, những khó khăn vướng mắc đã bộc lộ hết và kể cả những hệ lụy của việc thực thi chính sách chậm đã rõ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo sát sao những việc phải làm cho những tháng cuối năm…

Và, cộng đồng DN đang rất hy vọng một hành động quyết liệt thực sự từ các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách và chính quyền các cấp. Bà Hằng đã không ít lần nhắc lại kinh nghiệm: “Chủ trương có, chiến lược phát triển DNNVV cũng có, kế hoạch cũng có, nhưng chính sách không đến được với DN” để thấy tình hình chỉ thực sự sáng và bền vững khi chính sách được thực thi nhanh và mạnh.

TS. Cao Sỹ Kiêm thận trọng hơn khi cho rằng, về tình hình khó khăn và thuận lợi của nền kinh tế đã rõ, song sức khỏe DN “vẫn đang yếu lắm”. Có 3 vấn đề khiến DN ở “thể trạng” này, đó là: “Chúng ta đã nhận thức được nhưng chưa làm đúng được. Định hướng, giải pháp của chúng ta không có gì đáng phê phán nhưng vẫn còn tình trạng có những điều đã đưa ra kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong nhiều năm vẫn triển khai chậm. Thứ hai, chính sách ban hành nhưng không cụ thể hóa được các điều kiện nên yếu tố thực hiện không rõ. Thứ ba, kỷ cương kỷ luật không kiên quyết, thiếu chế tài thúc ép”.

Năm 2014, các DN ngành thép tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn do sức mua không ổn định, chi phí cao, cạnh tranh khốc liệt từ giá bán. DN ngành cơ khí cũng vẫn khó khăn do sức mua chưa được cải thiện. Phần lớn các DN ngành này là DN tư nhân, quy mô nhỏ, nội lực yếu khiến đầu tư còn phân tán, tính chuyên môn trong sản xuất thấp nên chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp...

(Trích Báo cáo của Bộ Công thương đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm 2014)

Linh Ly

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/1-kinh-te---nhin-tu-suc-khoe-doanh-nghiep-25739.html