Kinh tế tư nhân – Động lực quan trọng của nền kinh tế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 20062015, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 40% GDP.

Hết thời “con nuôi, con đẻ”

Đã từng có thời gian, kinh tế tư nhân được nhìn nhận như số phận của “con nuôi” trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước. Doanh nghiệp tư nhân với đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp nhận thông tin, và theo một kết quả khảo sát có khoảng 75% các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, thậm chí với các doanh nghiệp quy mô lớn, tỉ lệ này lên tới 79%.

Các doanh nghiệp tư nhân cũng từng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cho thấy trong số các doanh nghiệp trả lời khảo sát, tỉ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khoản vay từ ngân hàng thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp quy mô lớn. Trung bình chỉ có 40% số doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Con số này ở doanh nghiệp nhỏ là 62%, 74% số doanh nghiệp vừa và lên tới 81% đối với các doanh nghiệp quy mô lớn.

Giai đoạn 2006-2015, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 40% GDP. Ảnh: Đình Huệ

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2006-2015, khu vực tư nhân đang đóng góp khoảng 40% GDP, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ và khoảng 64% tổng lượng hàng hóa. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm.

Rõ ràng khu vực kinh tế tư nhân đã và đang tạo nên khác biệt lớn trong cuộc sống của mỗi người dân cũng như có tác động lớn đến nền kinh tế. Trên thực thế, theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2017, phát triển kinh tế tư nhân đã được Đảng ta quan tâm ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI, dần từng bước được làm rõ nội hàm về vấn đề này qua các kỳ Đại hội gần đây. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Còn tại Diễn đàn phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết 19 với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, năm 2016 đã đánh dấu là năm kỷ lục về doanh nghiệp thành lập mới với con số 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015.

Năm của kinh tế tư nhân

Vai trò của kinh tế tư nhân đã được khẳng định, thậm chí năm 2017 đang được xem là năm của kinh tế tư nhân. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.”.

Theo đó, Trung ương yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Cũng trong diễn văn khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Trong bối cảnh khu vực kinh tế nhà nước đang tái cấu trúc, cổ phần hóa, thu hẹp dần lĩnh vực hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vingroup, Sungroup, ô tô Trường Hải, cà phê Trung Nguyên… đang có vai trò quan trọng hơn trong duy trì nhịp tăng trưởng kinh tế của đất nước. Và theo một báo cáo của World Bank, tiêu chí thứ 4 trong 5 tiêu chí để Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035 là tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP đạt ít nhất 80%.

Với việc thừa nhận và khẳng định được vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như hiện nay, kinh tế tư nhân sẽ phát triển tốt hơn và hiện giới doanh nhân đang tiếp tục kỳ vọng vào những chính sách của Đảng và Nhà nước để hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân vươn lên tỏa sáng, dẫn dắt thị trường và dần dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Lan Trần

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-209698.html