Kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh” nhờ các Hiệp định thương mại

(Toquoc) - TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, mở rộng đầu tư, tạo điều kiện để cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

(Toquoc) - TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, mở rộng đầu tư, tạo điều kiện để cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

“Cú hích” lớn

Theo ông Võ Trí Thành, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và đạt mức tăng trưởng cao, bền vững vẫn đang là thách thức lớn đối với nền kinh tế Viêt Nam. Vì thế, các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU…chính là vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.

Chuyên gia này cho rằng, thời gian không quá nhiều. Trong 5-7 năm tới, Thái Lan, Indonesia có thể tham gia TPP. Và nếu EU quay lại ký kết FTA với các nước ASEAN thì cơ hội cho Việt Nam sẽ không còn lớn

Và cơ hội lớn nhất ở TPP, đó chính là 11 nước đối tác, trong đó không ít đối tác là đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao… với Việt Nam.

“Rõ ràng, TPP là một thị trường vô cùng lớn với sức tiêu thụ dồi dào. TPP mang đến cơ hội mở cửa thị trường, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được tự do di chuyển, không còn phải tuân theo các “hàng rào”, ông Võ Trí Thành phân tích.

Ngoài ra, TPP còn là hiệp định thoáng nhất với số dòng thuế về 0 lên tới 99%, cùng với nhiều dịch vụ tài chính không cần hiện diện thương mại vẫn có thể tự do kinh doanh.

“Một khi TPP đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, nghĩa là sẽ đảm bảo hàng hóa dịch vụ đầu tư có chất lượng hơn, góp phần giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và xóa bỏ độc quyền đối với DNNN”, đại diện CIEM nhấn mạnh.

Nhận định các FTA sẽ là một “cú hích” lớn, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trưởng đoàn đàm phán TPP cho biết, về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canađa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn.

Bên cạnh đó, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Là người hiểu rõ về TPP hơn ai hết, ông Trần Quốc Khánh cho hay, một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Việc tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới có hàm lượng công nghệ cao hơn.

Ngoài ra, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

“Nên bình tĩnh với TPP”

Dù vậy, trước hiệu ứng quá lớn của TPP, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, Trưởng đoàn đám phán WTO cho rằng: “Việt Nam nên bình tĩnh với TPP. Không nên sống trong cảm xúc quá nhiều!”

Ông Trương Đình Tuyển tâm huyết rằng: “Chúng ta có nhiều cơ hội, nhưng trên thương trường tự nó không biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh cạnh tranh. Và để có thể vượt qua được thách thức là tùy thuộc vào khả năng của chính chúng ta. Nếu chúng ta không nhấn mạnh điều này thì chúng ta nhanh chóng sẽ bị vỡ mộng”.

Chẳng hạn, hiện có quá nhiều công bố về các số liệu xuất, nhập khẩu, tăng trưởng, GDP khi Việt Nam có TPP… Điều này có thể không sai, nhưng nhược điểm cơ bản của kinh tế lượng là không phản ánh được biến động trên thị trường thế giới hiện nay.

Đề cập đền câu chuyện xuất siêu hay nhập siêu khi tham gia Hiệp định TPP, ông chia sẻ: “Cơ hội cho xuất khẩu là có, quan trọng là chúng ta có tận dụng được hay không? Một điểm cần chú ý khác là rất có khả năng, nhập siêu trong năm đầu tham gia Hiệp định TPP sẽ tăng.

Cụ thể, nếu vốn đầu tư đăng ký mạnh lên, các nhà đầu tư sẽ triển khai nhanh các dự án, khi đó nhập siêu sẽ tăng. Đơn cử như vấn đề một doanh nghiệp đầu tư một nhà máy dệt để đón đầu TPP, vốn đầu tư có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD, việc xây dựng đòi hỏi sẽ cần vật liệu, máy móc thiết bị, việc nhập khẩu là điều cần thiết.

“Thời gian đầu sẽ nhập siêu nhưng khi đi vào sản xuất, xuất khẩu sẽ tăng lên sau đó.Dù vậy, nhập siêu không hẳn là xấu. Không nhất thiết khi tham dự một hiệp định thương mại mà xuất khẩu lại ngay lập tức tăng nhanh hơn nhập khẩu”, nguyên Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm của mình, Trưởng đoàn đàm phán TPP Trần Quốc Khánh cho rằng, khi tham gia TPP, việc thực thi các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến. Do đó, Chính phủ sẽ chủ động xây dựng chương trình để thực hiện các tiêu chuẩn cao này của TPP.

Theo trưởng đoàn đàm phán, TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam cũng sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

Đây là những khó khăn trước mắt nhưng cũng là điều kiện để kinh tế Việt Nam cất cánh./.

Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/139939/kinh-te-viet-nam-se-cat-canh-nho-cac-hiep-dinh-thuong-mai.aspx