Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi, nhưng khó đạt mục tiêu GDP 6,7%

Theo nhiều phân tích, GDP Việt Nam quý 1 tăng chậm lại chỉ là bước lùi nhỏ, thời gian tới kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi.

Về tình hình kinh tế Việt Nam những tháng còn lại của năm 2017, nhiều dự báo cho rằng sẽ tiếp tục đà phục hồi, nhưng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, 9 tháng còn lại phải tăng 7%

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế thế giới Quý I năm 2017 cho thấy dấu hiệu khởi sắc hơn nhờ triển vọng phục hồi từ các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, sự phức tạp và khó lường trong các chính sách của tân Tổng thống Mỹ, tình trạng suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng như khả năng ổn định vẫn còn mong manh của nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Xuất khẩu quý I.2017 của Việt Nam vượt dự kiến khi đạt kim ngạch 43,73 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái(ảnh minh họa: KT).

Còn kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi với các tín hiệu như: xuất khẩu, thu ngân sách khả quan do giá hàng hóa thế giới, nhất là giá dầu thô phục hồi; thu hút và giải ngân FDI tiếp tục tăng mặc dù kỳ vọng vào Hiệp định TPP không còn nhiều; những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 và 2017 sẽ phát huy hiệu quả hơn trong năm nay.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Bởi vì tăng trưởng quý I đạt thấp, nên muốn đạt chỉ tiêu 6,7% thì 9 tháng còn lại phải tăng 7% và đây là một thách thức không nhỏ trong điều hành vĩ mô.

Mặc dù thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng (FDI) với con số ấn tượng, nhưng kết quả giải ngân các dự án FDI lại không tương ứng, chỉ đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ở trong nước số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng so với cùng kỳ thì thấp hơn cả tỷ lệ tăng và số vốn đăng ký.

Nhập khẩu tăng kéo nhập siêu cao, nếu cứ tiếp tục xu hướng gia tăng này thì sẽ là vấn đề lớn. Lạm phát bình quân quý I vẫn còn cao hơn mức kế hoạch, đòi hỏi công tác theo dõi và điều hành giá đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục phải chặt chẽ, thận trọng và kịp thời.

Việc FED tăng lãi suất trong tháng 3/2017 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017 trước mắt tỷ giá chưa chịu áp lực. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất đến mức 3%, đồng tiền các nước sẽ liên tục giảm giá so với đồng Việt Nam thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, gián tiếp tác động đến tỷ giá, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, nợ công, kiều hối... ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước.

Lĩnh vực sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng những quý sắp tới

Đánh giá về triển vọng thị trường Việt Nam thời gian tới, các chuyên gia của HSBC cho rằng, không cần quá lo ngại. Bởi vì tăng trưởng GDP chậm lại trong quý I/2017 chỉ là một sự bước lùi nhỏ và lĩnh vực sản xuất sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong những quý sắp tới.

VEPR dự báo: GDP cả năm 2017 chỉ đạt 6,1%

Với mức tăng trưởng thấp trong Quý 1, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sẽ không đạt được. Trước mắt, kinh tế quý 2 tăng trưởng ở mức 5,7% và cả năm đạt khoảng 6,1%. Đây là mức thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra quý trước.

Đồng thời, với chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng như đã bộc lộ trong Quý 1 được duy trì trong các quý tiếp theo, lạm phát cả năm có thể thấp hơn 5%.

HSBC kỳ vọng ngành sản xuất sẽ sớm hồi phục nhờ vào việc tung sản phẩm mới và nhu cầu toàn cầu sẽ dần hồi phục – thông tin này đang được thể hiện trong kết quả khảo sát chỉ số PMI về việc đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng.

Theo đó, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã đạt mức tăng nhanh nhất trong năm 2017. Thêm nữa, các nhà sản xuất vẫn còn rất tự tin vào tình hình sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới sẽ nhiều hơn và các kế hoạch mở rộng kinh doanh.

“Điều quan trọng là mức tăng nhân công việc làm gần đạt mức kỷ lục báo hiệu ngành sản xuất sẽ tốt hơn khi chỉ số này thể hiện mức độ lạc quan về công việc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn. Ngành sản xuất vì vậy sẽ có thể đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những quý tới đây”- HSBC nhận định.

Ngoài ra, theo HSBC, lạm phát đang dần hạ nhiệt do lạm phát giá lương thực thực phẩm không tăng ngay cả khi giá nhiên liệu và chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục đang tăng cao. Cụ thể là lạm phát toàn phần đã hạ nhiệt thêm từ mức 5% trong tháng trước xuống còn 4,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng một nửa mức tăng (tương ứng 2,3 điểm) có được là nhờ chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng do Chính phủ lên lịch tăng phí dịch vụ y tế và giáo dục.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản đã tăng mạnh 1,6% so với năm ngoái từ mức tăng 1,5% trong tháng trước. Tức là lạm phát lương thực thực phẩm giảm đang giữ cho tình hình lạm phát nói chung nằm trong vòng kiểm soát.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê GSO kỳ vọng CPI tháng Tư sẽ tăng cao hơn do chi phí thực phẩm, bia rượu và quần áo tăng cao. Một số tỉnh thành có thể cũng sẽ tăng tiền học phí theo đúng lộ trình của Chính phủ đề ra.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong Quý 1, áp lực lên lạm phát trông nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Lạm phát trong những tháng tiếp theo rát khố cố thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra.

Do vậy, VERP khuyến nghị “cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong những quý tiếp theo”.

Các chuyên gia của HSBC thì lưu ý thêm rằng, kết quả tăng trưởng GDP thể hiện mức độ nhạy cảm của nền kinh tế đối với quy trình sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Để gia tăng việc mở rộng tăng trưởng và giúp làm giảm tình hình biến động sản lượng kinh tế thì Chính phủ cần phải có nhiều cuộc cải tổ, đặc biệt là liên quan đến hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và sự ra đời các chính sách tài khóa./.

Xuân Thân/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-da-phuc-hoi-nhung-kho-dat-muc-tieu-gdp-67-612711.vov