KTS Bùi Huy Trí: 'Cần hiểu cho rõ về bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng'

Xung quanh câu chuyện về tình hình quy hoạch, xây dựng và phát triển ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) hiện nay đã có rất nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia trong ngành. Các ý kiến, phản biện nhằm mục đích để mọi người hiểu hơn, nhìn rõ hơn về thực tế của sự việc.

Bản đồ tổng thể bán đảo Sơn Trà.

Con số 41% rừng Sơn Trà bị cắt giảm ở đâu ra?

Trước hết cần xem lại các khái niệm về rừng cấm, khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng.

Khái niệm "rừng cấm" chỉ được sử dụng trong các văn bản trước năm 1992. Dễ hiểu là vào thời điểm đó chưa có điều kiện tốt về công nghệ đo vẽ và quản lý nên để bảo vệ các rừng quý, việc áp đặt mức độ kiểm soát cao là “rừng cấm” phù hợp với thực tiễn. Theo Quyết định số 41-TTg ngày 24/01/1977 thì diện tích rừng cấm Sơn Trà là 4.000ha. Tuy nhiên chính định nghĩa "rừng cấm" đã hạn chế nhiều đến phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương.

Vì vậy năm 1992, Bộ Lâm nghiệp ban hành Quyết định số 447/LN-KL với thuật ngữ "Khu bảo tồn thiên nhiên" thay cho "Rừng cấm" để phân định rõ các thành phần đất đai trong toàn khu bảo tồn. Cụ thể như Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 4.439ha gồm rừng tự nhiên, vùng đệm dưới chân bán đảo gồm cả một phần mặt nước.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số 29/2004/QH11 làm rõ hơn việc phân định 3 loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị - Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Ai đó cũng có thể đặt câu hỏi rằng 4.000ha rừng cấm trước đây có được xem là rừng đặc dụng sau này hay không?

Chúng ta đều biết rừng Sơn Trà trước đây vốn không có chất lượng đồng đều. Trên đỉnh và sườn phía Bắc phần lớn là rừng giàu với nhiều cây thân mộc lớn. Sườn phía Tây và phía Nam nhiều diện tích rừng nghèo, thường bị phủ bởi loại dây lang bìm bìm mà TP đã phải chỉ đạo thực hiện diệt loài dây leo này. Do vậy về chất lượng, không thể xem 4.000ha phủ xanh ấy đều là rừng đặc dụng được.

Dây lang bìm bìm ở Sơn Trà. (Ảnh chụp năm 2009)

Như vậy rừng cấm, khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng là 3 khái niệm khác nhau, không thể đặt phép tính trừ vô tư như KTS Hoàng Sừ được.

Sau khi đăng bài “Nói cho rõ về Sơn Trà”, tôi có mời KTS Hoàng Sừ gặp nhau. Chỗ anh em thân tình, tôi muốn trao đổi trực tiếp để có gì thắc mắc thì giải đáp luôn, tiếc là anh Sừ không tới. Nay đọc bài “Phản hồi bài Nói cho rõ về Sơn Trà và câu hỏi hôm nay” của anh, hẳn là tôi phải tiếp tục giải thích đôi điều.

KTS Bùi Huy Trí

Suy luận một cách đơn giản hơn, phần diện tích rừng Sơn Trà mất đi thì nó mất vào đâu? Rõ ràng đó chỉ có thể là diện tích đã cấp cho các dự án du lịch 1.025ha. Ngoài diện tích tích này ra thì hiện trạng rừng còn nguyên đó, không mất đi đâu cả. Đấy là chưa nói đến việc các dự án phải thực hiện hoàn thổ, trồng rừng thay thế tại chỗ (như Inter Continental chẳng hạn). Còn câu chuyện 1.025ha đó, ta lại sẽ bàn tiếp.

Xác định thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên cả nước

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, tại Điều 18 về Thẩm quyền phê duyệt, quyết định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quyết định xác lập các khu rừng đã ghi rõ:

“1. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi cả nước do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua;”

Không có điểm nào nêu “Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng thuộc Thủ tướng Chính phủ” như KTS Hoàng Sừ nói cả.

KTS Hoàng Sừ cũng viện dẫn Chỉ thị số 38/2005/CT - TTg về việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng trên cả nước để cho rằng “Những diện tích đã được quy hoạch là rừng đặc dụng, nếu thực sự không đảm bảo tiêu chí thì đưa ra khỏi rừng đặc dụng, chỉ được chuyển thành rừng sản xuất.” Ở đây cần hiều Chỉ thị là một văn bản chỉ đạo cụ thể một vấn đề ở một thời điểm cụ thể chứ không phải là luật. Chỉ thị này ban hành năm 2005, trong khi đó Quy hoạch 3 loại rừng tại Đà Nẵng thực hiện năm 2008 và đảm bảo các bước quy định.

Quyết định phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020

KTS Hoàng Sừ một lần nữa cho rằng “…thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng thuộc Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đúng quy trình thì phải: TP Đà Nẵng tổ chức lập quy hoạch 3 loại rừng, Bộ NN-PTNT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trên theo đúng tinh thần của Chỉ thị 38/2005/CT – TTg ngày 05/12/2005. Trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND TP thuộc Sở NN-PTNT Đà Nẵng”.

Nhận định này vừa được giải thích ở trên.

Thẩm quyền xác lập và chuyển mục đích sử dụng rừng khu rừng đặc dụng Sơn Trà

KTS Hoàng Sừ tiếp tục viện dẫn Điều 27, 28 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Tuy nhiên anh vẫn cho rằng quy hoạch 3 loại rừng của địa phương phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể.

Đến đây tôi lại phải mời độc giả kiểm tra trên mạng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, tại Điều 18 như trên đã nêu.

Điều tôi muốn nói

Vậy là tôi đã giải đáp đầy đủ các ý kiến của KTS Hoàng Sừ. Tuy nhiên đây không phải là điều tôi dành quá nhiều sự quan tâm.

Tôi vẫn biết KTS Hoàng Sừ và bao người khác đang rất quan ngại về vấn đề quy hoạch Sơn Trà, đó là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên ở bài trước tôi đã nêu suy nghĩ “…việc tranh luận cần được diễn ra trên một nền thông tin xác thực, có vậy mới đảm bảo tính khoa học của các luận điểm”.

Nhân đây đôi cũng dẫn ra một ví dụ đáng lưu tâm. Đó là khi đọc trên facebook có một bài của tài khoản có tên “Le Phuoc Chin” đăng một video về một chú rắn hổ mang đang bò qua đường trên bán đảo Sơn Trà. Không biết có phải với mục đích làm một bài test hay không nhưng có điều đáng buồn là nhiều facebooker đã có những bình luận ác ý về chú rắn vô tội ấy. Cũng may mà số đông tỏ rõ nhận thức về vai trò của sinh vật nhỏ bé ấy trong một hệ sinh thái mà chúng ta đang hết lòng mong muốn giữ gìn. Muốn yêu thương, muốn bảo vệ điều gì đó, trước hết cần hiểu đúng bản chất của nó.

Ở bài trước tôi cũng đã nói rõ rằng “Hiện nay lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cho Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch phối hợp với các ngành thực hiện tổng rà soát quy hoạch bán đảo Sơn Trà để có cái nhìn tổng quan từ nhiều góc độ quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn sinh thái, an ninh quốc phòng…, từ đó đưa ra đề xuất về các chỉ tiêu và giải pháp. Quá trình rà soát sẽ có sự tham gia của các chuyên gia đa ngành cũng như tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân. Do vậy có thể nói quy hoạch Sơn Trà sẽ là câu chuyện mở của toàn thể cộng đồng”.

Tôi hiểu các cuộc tranh luận trên mặt báo sẽ chẳng có điểm dừng. Tôi mong những người yêu quý Sơn Trà thay vì những tranh luận bất tận hãy dành tâm huyết và trí lực để tìm hiểu và có những đề xuất thiết thực trong đợt rà soát sắp tới. Đó mới thực sự là một tình yêu đích thực và đầy trách nhiệm dành cho bảo vật Sơn Trà.

KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị - Sở Xây dựng Đà Nẵng, là người có nhiều năm làm công tác quy hoạch, kiến trúc của thành phố đã đưa ra một bài viết liên quan về bán đảo Sơn Trà, mục đích nhằm cung cấp một thông tin chính xác để mọi người có cái nhìn đúng hơn, rõ hơn về thực tế của bán đảo Sơn Trà hiện nay.

Ngọc Long (ghi)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/kts-bui-huy-tri-can-hieu-cho-ro-ve-ban-dao-son-tra-da-nang.html