Kỳ 1: Những hòa giải viên tận tâm

Bằng trách nhiệm, sự nhiệt huyết của mình, những hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay từ cơ sở.

Bà Thân Thị Thu Thủy- Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV (bìa trái)

Bà Thân Thị Thu Thủy- Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV (bìa trái)

Thấu tình, đạt lý

Đến xã Trà Vong, huyện Tân Biên hầu như ai cũng biết bà Thân Thị Thu Thủy- Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình. Bà được mọi người yêu mến, nể trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Bà Thủy cho biết, trước đây, bà tham gia công tác ở Hội Phụ nữ xã; và gắn bó với công việc hòa giải ở cơ sở từ đó. Sau nghỉ hưu, đến năm 2016, bà được bầu làm Trưởng ấp Suối Ông Đình và đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải cho đến nay. “Chính thức làm hòa giải viên cơ sở từ khi đó thôi, chứ chuyện can ngăn người này, khuyên nhủ người kia khi có mâu thuẫn xảy ra trong xóm làng thì tôi đã làm từ rất lâu”- bà Thủy nói.

Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình được kiện toàn gồm 9 thành viên, trong đó có 3 nữ. Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình tiếp nhận 96 đơn liên quan đến các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, tranh chấp tài sản, tranh chấp hụi, mâu thuẫn trong thân tộc, họ hàng, cộng đồng dân cư... (trong đó, hòa giải thành 87/96 đơn, hòa giải không thành 9 đơn chuyển về trên).

Để công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, bà Thủy chủ động nắm bắt, cập nhật quy định của pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; phối hợp cùng tổ hòa giải nghiên cứu, tìm hiểu sâu thêm về vấn đề để khi tiếp cận sự việc không bị lúng túng hoặc có ý kiến trái chiều.

Bên cạnh đó, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình còn trực tiếp hòa giải không đơn khi phát hiện các mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng dân cư về ô nhiễm môi trường, tranh chấp ranh đất, trồng cây giáp ranh đất, an ninh trật tự…

Nhằm nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ hòa giải học hỏi, sáng tạo, khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, bà Thủy thường phân công cho các thành viên tự nghiên cứu tình huống xảy ra. Mỗi người tự suy luận để tìm ra một giải pháp thấu tình, đạt lý để giải quyết vấn đề. “Cách làm này giúp cho các thành viên có thêm kinh nghiệm, kích thích sự tìm hiểu, tích lũy nhiều kiến thức và vận dụng tốt hơn khi tham gia giải quyết các vấn đề khó”- Tổ trưởng Tổ hòa giải Suối Ông Đình chia sẻ.

Bà Thủy kể lại câu chuyện hòa giải mà bà nhớ nhất. Đó là lần đầu tiên bà nhận được đơn về lĩnh vực hôn nhân và gia đình do một người chồng gửi đến.

Cặp vợ chồng này đã gửi đơn ly hôn nhưng vẫn còn sống chung nhà. Khi đến tận nhà, bà hỏi han cặn kẽ tình hình từ hai vợ chồng, sau đó động viên, giải thích, khuyên nhủ mọi bề, kể cả viện dẫn Luật Hôn nhân - Gia đình để phân tích mức độ nặng nhẹ. Sau vài tiếng đồng hồ nói chuyện, cả hai vợ chồng đã chịu ngồi lại chia sẻ và làm hòa với nhau.

“Về sau, tôi vẫn thường xuyên sang nhà, khi thì chuyện trò, tâm sự với người vợ, lúc lại gặp gỡ, nói chuyện với người chồng. Đến bây giờ, hai vợ chồng họ sống rất hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy con cái khôn lớn”- bà Thân Thị Thu Thủy vui vẻ nói.

Theo bà Thủy, điều quan trọng và then chốt để tạo uy tín là khi tổ chức hòa giải cần phải tôn trọng sự tự nguyện, không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở; bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi; khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình.

Ông Đỗ Văn Lớt- Trưởng khu phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu phố Hiệp Hòa (thứ ba từ phải qua) được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Ông Đỗ Văn Lớt- Trưởng khu phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu phố Hiệp Hòa (thứ ba từ phải qua) được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Giải quyết kịp thời và từ gốc

Với kinh nghiệm 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, ông Đinh Ngọc Thạch- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, hòa giải viên ấp Ninh An, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cùng các thành viên trong tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết thấu tình, đạt lý nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, giúp bà con thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm.

“Tôi luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, vận dụng kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình, đặc điểm của ấp, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân ở nơi đây để công tác hòa giải đạt hiệu quả cao nhất”- ông Đinh Ngọc Thạch cho biết.

Năm 2023, Tổ hòa giải ấp Ninh An nhận 6 đơn tranh chấp, trong đó, ông Đinh Ngọc Thạch tham gia hòa giải thành 6/6 đơn (đạt 100%). Trong quá trình hòa giải, ông vận dụng kiến thức pháp luật, đạo đức xã hội; cùng với sự nêu gương của mình và kinh nghiệm cuộc sống để giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết mâu thuẫn, xóa bỏ bất đồng, đạt được thỏa thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội. Việc làm này của ông góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở.

Theo ông Đinh Ngọc Thạch, giải thích, thuyết phục được các bên tự nguyện thỏa thuận, giải quyết tranh chấp là cả một nghệ thuật. Việc này đòi hỏi hòa giải viên không những có kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực tranh chấp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ hòa giải, có uy tín, phẩm chất đạo đức, có tâm và kinh nghiệm cuộc sống; mà còn có khả năng vận dụng pháp luật và đạo đức xã hội để giải thích, thuyết phục các bên.

Hòa giải viên phải đứng trên lập trường của các bên tranh chấp mà suy nghĩ và đặt vấn đề, đưa ra giải pháp tối ưu. Nếu khi thuyết phục, hòa giải viên không biết tôn trọng đối tượng, ra vẻ ta đây hơn người thì chắc chắn cuộc hòa giải sẽ không thành công.

Sau khi hòa giải thành các vụ việc, ông Thạch còn chủ động đến động viên, thăm hỏi, nhắc nhở và tạo điều kiện cho các bên thực hiện cam kết của mình, để họ có lòng tin đối với chính quyền địa phương, nâng cao vai trò, ý thức của mình trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Các bên tranh chấp thường tin tưởng và mong muốn hòa giải viên bảo vệ quyền, lợi ích của họ. Bởi vậy, trong quá trình hòa giải, hòa giải viên phải coi các bên hòa giải như người thân của mình, xây dựng được quan hệ tốt với họ trên cơ sở chân thực, hợp tác, bền vững; giúp các bên hiểu rằng hòa giải viên đang giúp đỡ giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ” - ông Thạch chia sẻ.

Ông Đinh Ngọc Thạch- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Ninh An

Ông Đinh Ngọc Thạch- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Ninh An

Hợp tình, nhưng phải đúng luật

Gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở từ năm 2010 đến nay, ông Đỗ Văn Lớt- Trưởng khu phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu phố Hiệp Hòa, phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành cho biết, đối với công tác hòa giải ở cơ sở, phải tìm được “nút thắt” mới mở được dây. Có những vụ việc phải tham khảo ý kiến của ban, ngành, đoàn thể liên quan. Như các vụ việc về đất đai, tổ hòa giải phải mời cán bộ Địa chính của xã và các bên ra thực địa tìm hiểu, vừa căn cứ vào các quy định pháp luật, vừa kết hợp lý và tình để hòa giải.

Có những vụ việc mâu thuẫn chỉ mới “manh nha” hình thành, ông Đỗ Văn Lớt cũng sẽ tìm đến, lắng nghe, nắm bắt tình hình rồi phối hợp với thành viên trong tổ hòa giải tìm cách tháo gỡ theo phương châm “việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không”. “Vận động, thuyết phục các bên thì dễ, nhưng dùng lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình hợp lý, vừa đúng luật rất khó. Khi hai bên có ý kiến, chúng tôi đã họp lại và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, sau đó tiến hành hòa giải nên mọi việc đều ổn thỏa, không có vụ việc nào phải kiện thưa hay mâu thuẫn lớn”- ông Lớt chia sẻ.

10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, tổ hòa giải khu phố đã nhận và hòa giải 83 vụ, trong đó hòa giải thành 81 vụ. Riêng năm 2023, tổ hòa giải khu phố tiếp nhận 6 đơn, hòa giải thành 5 đơn, chủ yếu là tranh chấp đất đai, môi trường... Sau các buổi hòa giải, ông Lớt cùng các thành viên trong tổ sẽ họp rút kinh nghiệm, củng cố kiến thức, quy định mới ban hành, sửa đổi để quá trình giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn.

Theo ông Lớt, những năm trước, Tổ hòa giải khu phố Hiệp Hòa nhận được trên dưới chục đơn; tuy nhiên, mấy năm gần đây, số lượng đơn mà tổ tiếp nhận ngày càng ít. Để có được kết quả này, trong các cuộc họp của tổ, hội, khu phố còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân (trong năm đã tuyên truyền 79 cuộc với hơn 2.800 lượt người tham dự), các vụ tranh chấp trong nhân dân ngày càng giảm. Những người làm công tác hòa giải dần sâu sát với nhân dân, tạo được uy tín trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khu phố tiếp tục được giữ vững ổn định, người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thiên Di - Phương Thảo

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-nhung-hoa-giai-vien-tan-tam-a169358.html