Kỳ 1: Những người bạn nhân ái, trọng nghĩa tình

LTS: Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào của cựu chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam Lê An Khánh chỉ hơn 5 năm, thế nhưng cho đến bây giờ, ấn tượng sâu đậm về đất nước Triệu Voi vẫn luôn hiển hiện trong ông.

Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài của tác giả Lê An Khánh ghi lại ký ức về những năm tháng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước.

Kỳ 1: Những người bạn nhân ái, trọng nghĩa tình

Tình yêu trên đất Việt

Sau chiến dịch giải phóng hoàn toàn cao nguyên Bô-lô-ven (tháng 5-1971), Tiểu đoàn 84 quân tình nguyện chúng tôi xây dựng hậu cứ lâu dài tại huyện Lao Ngam. Đây là vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng ở Nam Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến của nước bạn.

Mỗi khi có dịp quay trở lại huyện Lao Ngam thuộc tỉnh Sa-la-van, chúng tôi thường nghỉ chân tại nhà người quen là vợ chồng anh Khăm Thon và chị Bun Mi. Không chỉ được nghe anh chị nói chuyện bằng tiếng Việt, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn Việt Nam do chính tay chị Bun Mi nấu.

Năm đó, anh Khăm Thon khoảng 30 tuổi, là đại đội trưởng một đơn vị thuộc tỉnh đội Sa-la-van, còn chị Bun Mi 26 tuổi, là y sĩ trạm xá huyện Lao Ngam. Anh chị có hai con, cháu trai bốn tuổi và cháu gái hai tuổi. Anh chị có một tình yêu rất đẹp mà chúng tôi đều biết. Năm 1967, sau khi anh Khăm Thon tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân I (ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội ngày nay) và chị Bun Mi kết thúc khóa đào tạo y sĩ ở Trường Trung cấp Y Thái Bình, họ có mặt trong đoàn cán bộ quân chính từ Việt Nam về nước. Đến Thanh Hóa thì anh bị ốm, chị là người chăm sóc, điều trị cho anh và tình yêu giữa hai người nảy nở, một năm sau họ làm lễ cưới. Kỷ niệm và tình yêu đẹp trên đất Việt như thế nên con trai đầu của anh chị có thêm tên Việt là Thái (Thái Bình) và cháu gái thứ hai có thêm tên là Thanh (Thanh Hóa).

Tác giả (thứ 3, từ trái sang) và các đồng đội cũ trong một lần thăm đền Wat Phou ở tỉnh Chăm-pa-sắc. Ảnh: Quang Tuấn.

Dịp ấy, nơi đơn vị chúng tôi đứng chân, rắn độc nhiều vô kể. Có lần, một chiến sĩ trong đại đội trên đường đi công tác không may bị rắn độc cắn, khi đưa đến trạm xá thì da đã tím tái. Sau khi thăm khám, chị Bun Mi đã dùng một loại hạt quả rừng để hút nọc rắn ra và người chiến sĩ đã được cứu sống. Chị còn dẫn chúng tôi đi lấy hạt quả đó để làm thuốc dự phòng. Từ đó, chúng tôi luôn mang hạt quả này theo bên người, không còn sợ rắn độc nữa.

Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, tháng 3-1976 chúng tôi lên đường về nước. Trong buổi chia tay đầy xúc động và lưu luyến có cả anh Khăm Thon và chị Bun Mi. Mọi người đều không cầm được nước mắt. Lao Ngam, không biết tự khi nào đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của những chiến sĩ quân tình nguyện chúng tôi. Theo tiếng Lào, "Ngam" có nghĩa là đẹp. Lao Ngam luôn là dấu ấn đẹp nhất khi chúng tôi nhớ đến đất nước Triệu Voi tươi đẹp cùng những người dân Lào nhân ái, trọng nghĩa tình, yêu tự do.

"Chung một mái trường"

Rời quân ngũ, mùa thu năm 1980, tôi chuyển ngành về học khóa 25 của Trường Đại học Xây dựng tại Vĩnh Phúc. Cứ ngỡ rằng những năm tháng trên đất Lào chỉ còn là những kỷ niệm trong ký ức. Vậy mà, cùng lớp với tôi ngày ấy có ba lưu học sinh Lào là Bun Quảng, Khăm Thông và Phua Ma. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trường lại ở xa Hà Nội, song nhà trường vẫn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho việc ăn, ở, học tập của các bạn sinh viên Lào. Khăm Thông và Phua Ma ít tuổi hơn, lại được học ở Việt Nam từ phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức có phần thuận lợi. Riêng Bun Quảng năm đó 24 tuổi, là cán bộ ngành giáo dục của bạn, mới sang Việt Nam được 9 tháng, vốn tiếng Việt còn hạn chế nên trong sinh hoạt và tiếp thu bài anh gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ngoài thời gian học trên lớp, tôi trở thành "thầy" dạy tiếng Việt cho Bun Quảng và giúp đỡ anh trong một số môn học khác. Ngược lại, Bun Quảng giúp tôi ôn lại vốn kiến thức về tiếng Lào đã học được trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế. Tình bạn giữa chúng tôi ngày càng thêm gắn bó. Ngày nghỉ, chúng tôi thường rủ nhau đạp xe về thăm Hà Nội và một số bạn bè, người thân… Mùa hè năm 1985, sau khi tốt nghiệp, chúng tôi lưu luyến chia tay các bạn Lào về nước và hẹn nhau sẽ có ngày gặp lại…

Ngày trở lại

Thời gian thấm thoát thoi đưa, niềm mong ước cháy bỏng của những cựu chiến binh tình nguyện chúng tôi là được trở lại chiến trường xưa, gặp lại những chiến sĩ Pa-thét Lào đã kề vai, sát cánh chiến đấu cùng chúng tôi năm ấy. Và mong ước đã trở thành hiện thực khi Đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 84 tổ chức chuyến thăm lại chiến trường Nam Lào sau hơn 40 năm.

Tại thị xã Át-ta-pư, đoàn chúng tôi ghé thăm Đài tưởng niệm liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và được nghe hướng dẫn viên kể về những kỷ niệm gắn bó keo sơn giữa bộ đội hai nước. Chúng tôi ghé thăm huyện Lao Ngam, được gặp lại nhiều người quen biết năm xưa và cảm nhận được mối tình sâu nặng Việt-Lào sau mấy mươi năm vẫn đậm đà, thủy chung. Ấn tượng nhất là khi chúng tôi đến thăm Nhà máy thủy điện Xê Xết. Đứng trên thác Xê Xết, chúng tôi thấy vùng cao nguyên Bô-lô-ven - chiến trường xưa nay đã thay da đổi thịt. Cuộc sống của người dân các bộ tộc Lào đã thay đổi rất nhiều so với trước đây… Trở lại thăm đất nước Triệu Voi anh em, chúng tôi như được trở về với những ký ức của tuổi hai mươi...

(còn nữa)

LÊ AN KHÁNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-1-nhung-nguoi-ban-nhan-ai-trong-nghia-tinh-512584