Kỳ 1 – Sạt kè bờ sông tiền tỷ ở Vĩnh Phúc: Tiếng kêu ai oán bên bờ sông Lô

Không chỉ ruộng canh tác và hoa màu của người dân xã Đôn Nhân bị kéo xuống sông, một dự án bờ kè tiền tỷ vững chắc trước đó cũng đang “oằn mình” chống đỡ con sóng dữ giữa dòng sông.

Phóng sự Bờ kè tiền tỷ bị sạt lở nghiêm trọng.

Bờ kè tiền tỷ “kêu cứu”

Tuyến đê tả sông Lô là tuyến đê cấp III, có chiều dài 27,826 km, điểm đầu tuyến tại xã Bạch Lựu và điểm cuối là xã Cao Phong, thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ xa xưa, đê tả sông Lô trở thành bức tường vững chắc ngăn dòng nước giữ không xâm lấn, gây ngập lụt và bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân 3 huyện: Sông Lô, Tam Dương và Lập Thạch.

Bờ kè kiên cố được xây dựng năm 2008 đang gãy vỡ nhiều đoạn (Ảnh Đào Tấn).

Sau nhiều năm chống trọi với con nước, nhiều tuyến đê bị sạt lở nền yếu đã được đầu tư bằng các dự án bờ kè để bảo vệ hoa màu, ruộng vườn của bà con nhân dân. Những dự án bờ kè cứ thế liên tiếp được lập ra bằng các dự án kè bờ sông ở những điểm sạt lở, có nền đê yếu.

Theo số liệu mới nhất mà phóng viên thu thập được, trên tuyến đê tả sông Lô hiện nay có 06 kè trong đó, bao gồm: Kè Bạch Lựu có chiều dài 972 m được lát bằng đá trong khung đá xây chiều dày 0,4m. Hiện tại, kè bị sạt trượt một số điểm tại cơ chân kè, cần tu sửa trong năm 2017;

Kè Hải Lựu có chiều dài 1225m được lát bằng đá trong khung đá xây dày 0,4m. Hiện tại, kè đang bồi lắng ổn định và đảm bảo theo thiết kế; Kè Tam Sơn có chiều dài 650 m, hiện kè ổn định và đảm bảo chống lũ; Kè Tứ Yên có chiều dài 1000m, hiện kè cũng ổn đinh; Kè Cao Phong có chiều dài 1330m hiện kè vẫn đảm bảo.

Riêng kè xã Đôn Nhân có chiều dài 710m, hiện kè đang sạt phần đá hộ chân, cơ, mái kè và bờ sông phía hạ lưu đuôi kè đã xây dựng. Sự có này đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp và sửa chữa làm mới năm 2017 để chống sạt lở nhưng đến nay tiến độ còn chậm.

Bê tông cốt thép cũng bị kéo tụt xuống sông (Ảnh Đào Tấn)

Tại báo cáo số 58/CCĐĐ – PCLB ngày 29/02/2016 gửi Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ kè bối Đôn Nhân xuất hiện một cung sạt dài 62 m, làm trượt đá lăng thể hộ chân kè được xây từ năm 2008. Riêng khu bờ tả sông cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông với cung sạt dài 200m, lấn sâu vào đất nông nghiệp hơn 10m.

Nguyên nhân sạt lở bờ kè được ông Nguyễn Đức Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Vĩnh Phúc chỉ rõ, việc sạt lở đất nông nghiệp và bờ kè tại xã Đôn Nhân do nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau trong đó có nguyên nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản.

“Hiện tại vị trí đất nông nghiệp nằm tiếp giáp với dự án kè tại xã Đôn Nhân tiếp tục bị sạt lở, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê, kè và đất canh tác của nhân dân. Do vậy, nhà thầu không thể thi công dự án theo bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt”, ông Nguyễn Đức Sinh cho hay.

Ngày 28/07/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2466/QĐ-UBND về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ĐTXD công trình Kè chống sạt lở bờ Tả sông Lô, đoạn từ K9+100 và đoạn từ K9+500 đến K9+950 xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Công trình này do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 19 tỷ đồng.

Dự án kè bờ sông “mới toanh” được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt nhen nhóm nhiều hy vọng tới người dân giải cứu sạt lở bờ sông và là “cứu cánh” của các cơ quan chức năng trong việc khắc phục sự cố sạt lở bờ kè. Thế nhưng việc thi công công không thể thực hiện được bởi đã 03 lần điều chỉnh mà bờ sông nơi có ruộng canh tác của người dân vẫn tiếp tục sạt lở, hoa màu vẫn lăn xuống xuống và bờ kè cũng chung cảnh ngộ.

Đại công trường trên sông

Có mặt tại khu vực bờ kè xã Đôn Nhân, theo quan sát của chúng tôi - PV, trên một đoạn sông ngắn mà có đến hàng chục tàu đua nhau “moi ruột” lòng sông khiến dòng nước đục ngầu, loang lổ dầu mỡ. Các tàu hút cát và tàu vận chuyển cát hoạt động hết công suất, khiến cả một đoạn Sông Lô tại xã Đôn Nhân như một “đại công trường” khai thác cát.

Trên sông Lô hoạt động khai thác cát sỏi không khác một đại công trường (ảnh Đào Tấn).

Theo người dân phản ánh, ngoài những chiếc tàu khai thác ở giữa lòng sông còn có những chiếc tàu cuốc lợi dụng ban đêm cắm thẳng vào chân bờ sông để khai thác. Việc khai thác cát sỏi rầm rộ khiến hai bên bờ sông, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những thành vách dựng đứng, kéo theo nhiều diện tích đất nông nghiệp màu mỡ cả người dân bị lở xuống sông.

“Chiều hôm trước vẫn cày cấy bình thường, sáng hôm sau ra cả đám ruộng đã mất tích dưới lòng sông. Nhà có 4 sào ruộng bị hà bá ăn mất 2 sào. Tàu hút cát vẫn hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm gần ruộng nhà tôi cứ thế này sắp tới chắc lại lở nốt, nếu ngành chức năng không giải quyết, hỗ trợ thì nhà tôi chết đói cả thôi”…ông Vinh một người dân lo lắng.

Ruộng canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng (Ảnh Đào Tấn)

Một số liệu giật mình khác đó là, tuyến Sông Lô chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân chỉ dài 4,8 km nhưng vì trữ lượng cát sỏi rất lớn nên UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp khai thác cát sỏi và 1 doanh nghiệp nạo vét khơi thông dòng chảy. Theo đó, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi gồm: Cty CP Đầu tư Xây dựng Bắc Ái; Cty Cổ phần & chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát; Cty TNHH vận tải và xây dựng Vĩnh Phúc; Cty CP khoáng sản Đông Dương AVA; Cty CP Xây dựng & đầu tư Phúc Lợi Hà Nội và công ty TNHH xây dựng phát triển hạ tầng Vân Hội được cấp phép nạo vét lòng sông.

Sau khi có Giấy phép trong tay, các doanh nghiệp đua nhau mang tàu cuốc công suất lớn “moi ruột” Sông Lô không thương tiếc khiến dòng Sông Lô bị băm nát nhăm nhở.

Ba hình ảnh đối lập được chúng tôi ghi lại đó là hình ảnh trên bờ người dân có ruộng canh tác ném đất để xua đuổi tàu cát ra xa, rồi thẫn thờ lặng nhìn từng mảng đất ruộng mà người dân đã cày cấy bao đời, bị hà bá kéo tuột xuống dòng sông trong vô vọng. Phía dưới bờ sông, đơn vị gia cố, kè bờ sông đang ném từng cục đá tảng xuống con nước với hy vọng bờ kè thôi không sạt nữa nhưng tuyệt vọng bởi ném đá đến đâu sông sâu nuốt chửng đến đó.

Và hình ảnh hàng chục chiếc tàu khai thác cát sỏi trên sông vẫn đang hối hả ném gàu cuốc xuống sông nâng lên tàu những khối cát óng ánh được sàng rửa chất đầy trên khoang tàu.

Những hình ảnh đối lập đó cứ thế tiếp diễn, đều đặn không ngừng nghỉ. Tiếng hò hét của người dân, tiếng đá va vào nhau hòa cùng tiếng động cơ tàu hút cát vang vọng trên sông đã không còn “yên ả”.

Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Đào Tấn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/bai-1-sat-ke-bo-song-tien-ty-o-vinh-phuc-tieng-keu-ai-oan-ben-bo-song-lo-d39838.html